Xuất khẩu nhiều, nhưng thương hiệu quốc gia còn yếu

ANTĐ - Từ cá tra cho tới quả vải thiều, từ gạo cho tới thanh long... đều được xuất đi dưới tên gọi chung “sản phẩm của Việt Nam”. Theo các chuyên gia, rất nhiều sản phẩm của Việt Nam đang xuất khẩu ra nước ngoài nhưng hầu hết không mang thương hiệu của một doanh nghiệp nào. 

Xây dựng thương hiệu giúp tăng giá trị sản phẩm địa phương

Thương hiệu riêng của Việt Nam còn đuối

Nhìn nhận về vấn đề thương hiệu, các chuyên gia cho biết, hiện nay chiến lược cạnh tranh bằng thương hiệu diễn ra rất mạnh mẽ và không chỉ dừng lại ở cấp độ doanh nghiệp mà đã được đề cập tới ở mức độ địa phương, ngành hàng và thậm chí là của một quốc gia. 

Trên thế giới, đã có hơn 80 nước đang triển khai chương trình xây dựng thương hiệu quốc gia và hầu hết các nước trong khu vực Đông Nam Á cũng đã tiến hành xây dựng thương hiệu quốc gia. Vì vậy, việc Việt Nam triển khai chương trình xây dựng thương hiệu quốc gia là phù hợp với xu hướng chung.

Tuy nhiên, PGS. TS Nguyễn Quốc Thịnh (trường Đại học Thương mại) - chuyên gia nghiên cứu về thương hiệu chỉ ra thực tế rằng, rất nhiều sản phẩm của Việt Nam đang xuất khẩu ra nước ngoài nhưng lại gần như không mang thương hiệu của một doanh nghiệp nào. “Rất khó để một doanh nghiệp Việt Nam nào đó có thể trở thành Cocacola, Nokia trên thị trường thế giới. Vì vậy, trước hết cần tìm cách để sản phẩm Việt Nam được nhận diện là thương hiệu của Việt Nam”, ông Thịnh chia sẻ.

TS. Ma Quang Trung, Cục trưởng Cục Trồng trọt – Bộ NN&PTNT cho biết: “Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu trên thế giới. Sản lượng và kim ngạch xuất khẩu gạo đạt mức tăng trưởng khá nhưng giá trị xuất khẩu trên đơn vị sản phẩm lại thấp. Một phần nguyên nhân là do chúng ta chưa có thương hiệu riêng mà phải mang một nhãn hàng khác của quốc gia nhập khẩu”.

Tương tự, PGS.TS Lê Văn Bảnh, Cục trưởng Cục Chế biến Nông lâm thủy sản và Nghề muối – Bộ NN&PTNT cho hay, hiện có tới 80% sản lượng chè sản xuất trong nước được xuất khẩu tới hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, song rất ít người tiêu dùng nước ngoài biết đến thương hiệu chè Việt Nam. 

Cần gắn với du lịch

Theo PGS. TS Nguyễn Quốc Thịnh, để xây dựng hình ảnh thương hiệu Việt Nam, trước hết, cần gắn kết Chương trình Thương hiệu quốc gia với việc xây dựng thương hiệu các điểm đến du lịch. Bởi các điểm đến du lịch góp phần gia tăng việc biết đến thương hiệu quốc gia rất nhanh. Khách du lịch tới Việt Nam được tiếp xúc, trải nghiệm với con người, với danh lam, thắng cảnh, với nhiều sản phẩm. 

“Nhưng rất tiếc, trong 63 thương hiệu đạt thương hiệu quốc gia năm 2014, mới chỉ có 2 thương hiệu liên quan tới du lịch. Mỗi địa phương cũng chưa thực sự nỗ lực hết mình trong việc tạo dựng thương hiệu cho các điểm đến du lịch”, ông Thịnh cho hay. 

Vị chuyên gia về thương hiệu này chia sẻ thêm: “Mỗi khi tới một tỉnh nào đó, tôi đều lên mạng tìm các món ngon nhưng khó vô cùng. Việc dễ làm nhất là giới thiệu về đặc sản của địa phương, về điểm đến du lịch của địa phương thì các địa phương, lại làm rất yếu. Do đó, Chương trình Thương hiệu quốc gia cần hỗ trợ các địa phương nâng cao năng lực, trình độ và hỗ trợ để địa phương tạo dựng được thương hiệu cho các điểm đến du lịch”, ông Thịnh nhấn mạnh.

Ngoài ra, Chương trình Thương hiệu quốc gia cũng cần lựa chọn, khai thác sản phẩm độc đáo, có chỉ dẫn địa lý ở các địa phương, tích hợp các giá trị, tri thức bản địa và thương mại hoá. Việc mở rộng thương hiệu quốc gia, mở rộng các thương hiệu tập thể mang chỉ dẫn địa phương, vùng miền sẽ có tính khuếch trương lớn.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương, Đỗ Thắng Hải cho rằng, việc xây dựng sức mạnh cạnh tranh tổng thể cho các sản phẩm mang thương hiệu quốc gia của Việt Nam, trong đó có thương hiệu vùng miền của các địa phương có thế mạnh rất quan trọng. Thương hiệu sản phẩm gắn với các vùng miền sẽ có tác dụng quan trọng thúc đẩy xuất khẩu. “Sắp tới, chúng tôi sẽ đưa vào chiến lược thúc đẩy xuất khẩu, gắn kết thương hiệu vùng miền với thương hiệu quốc gia”, ông Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh. 

Cũng về vấn đề này, ông Đỗ Kim Lang, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công Thương cho biết, một trong những định hướng hoạt động Chương trình Thương hiệu quốc gia đến năm 2020 là xây dựng và phát triển thương hiệu tập thể theo ngành hàng hoặc chỉ dẫn địa lý cho đặc sản địa phương có năng lực cạnh tranh xuất khẩu để xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển thương hiệu sản phẩm cho ngành.