Xuất khẩu còn nhiều thách thức

ANTĐ -Đặt mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 108 tỷ USD trong năm nay nhưng con đường đến “đích” của các doanh nghiệp Việt Nam còn nhiều khó khăn, bởi kinh tế thế giới tiếp tục suy thoái khiến nhu cầu nhập khẩu tại nhiều thị trường sụt giảm.

Cần nâng cao giá trị sản phẩm để tăng kim ngạch xuất khẩu. Ảnh minh họa

Thị trường chủ lực giảm nhập khẩu

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Nam Hải trong buổi họp báo gần đây thận trọng nhận xét: “Những thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như: Mỹ, EU, Nhật Bản còn rất khó khăn nên diễn biến hoạt động xuất khẩu sẽ còn những yếu tố bất ngờ”.

Trong tháng đầu năm 2012, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường chính đều giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, thị trường châu Á giảm 10,5% chiếm tỷ trọng 49,3%; Châu Âu giảm 13,6% chiếm tỷ trọng 21,1%; Châu Mỹ giảm 10,8% chiếm tỷ trọng 21,7%; Châu Phi giảm 14,8% chiếm tỷ trọng 1,1%. Xuất khẩu vào một số thị trường chính như: Nhật Bản giảm 10,3% chiếm tỷ trọng 10,8%; xuất khẩu vào Trung Quốc giảm 10,9% chiếm tỷ trọng 10,9%; xuất khẩu thị trường Mỹ giảm 11,1% chiếm tỷ trọng hơn 18,5%; xuất khẩu vào EU giảm 14,1% chiếm tỷ trọng gần 19%. Nếu so sánh với tháng 2-2011 (cùng tháng Tết Nguyên đán) thì kim ngạch xuất khẩu vào các thị trường trên năm nay vẫn tăng. Theo Bộ Công Thương, lượng xuất khẩu của các mặt hàng chủ lực đã giảm mạnh, nhưng giá các mặt hàng vẫn giữ được ổn định. 

Ngay từ cuối năm 2011, nhiều doanh nghiệp, ngành hàng có nhận định tình hình xuất khẩu năm 2012 sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn do tiêu thụ sụt giảm. Lãnh đạo doanh nghiệp ngành may cho hay, mặt hàng áo sơ mi, quần âu xuất khẩu sụt giảm rất nhiều. Ví như với thị trường Mỹ, trước đây, người tiêu dùng mua 15-17 chiếc áo sơ mi/năm thì nay, họ chỉ mua từ 12-13 chiếc/năm. Tiêu dùng sụt giảm dẫn đến những khó khăn trong sản xuất và xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam. Đáng chú ý, dệt may là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, nhưng trong tháng 1-2012, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này đã giảm 22,6% so với cùng kỳ năm trước. Theo thông tin từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam, chỉ có khoảng 10% doanh nghiệp may có hợp đồng xuất khẩu hết quý III và quý IV-2012, trong đó gồm các tên tuổi lớn như: May 10, Việt Tiến, May Hưng Yên… trong khi phần lớn các doanh nghiệp còn lại chỉ có hợp đồng đến hết quý II. Các nhóm hàng xuất khẩu khác: nông lâm thủy sản, công nghiệp chế biến đều giảm nhẹ về kim ngạch.

Định hướng cho hàng chủ lực

Ngành dệt may dự kiến tăng trưởng xuất khẩu năm 2012 là 14% so với năm 2011. Giải pháp tăng kim ngạch là các doanh nghiệp cần giảm sự phụ thuộc vào các đơn hàng gia công, lợi nhuận thấp, tập trung nâng cao tỷ lệ làm hàng xuất khẩu theo phương thức FOB (mua nguyên liệu, bán thành phẩm), ODM (tự thiết kế, sản xuất và bán sản phẩm cho khách hàng), tăng sử dụng các nguyên phụ liệu tự nhiên được sản xuất trong nước.

Tương tự, các doanh nghiệp da giày cần mở rộng sản xuất cặp, túi, ví da thời trang, chất lượng cao phục vụ thị trường mới, thị trường cao cấp thay vì quá chú trọng mặt hàng giày dép như hiện nay.

Năm 2011, nhóm hàng nông sản chế biến đạt kim ngạch xuất khẩu cao. Hầu hết các mặt hàng nông sản đều tăng giá. Bước sang năm 2012, giá gạo, điều, hạt tiêu vẫn giữ được “phong độ”. Tuy nhiên, một số mặt hàng như: sắn và sản phẩm của sắn, cà phê có dấu hiệu giảm lượng xuất khẩu.

Lãnh đạo Bộ Công Thương khẳng định: “Bộ sẽ tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất hàng hóa, cung ứng dịch vụ phục vụ sản xuất và tiêu dùng; chủ động đề xuất các biện pháp cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh; theo dõi sát biến động thị trường thế giới để có biện pháp hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp xuất khẩu”.