Xuất khẩu 45.000 tấn mật ong cần 225.000 giấy phép

ANTĐ - Trong khi tiêu thụ nông sản đang gặp nhiều khó khăn thì tình trạng “giấy phép con” trong lưu thông càng gây bức xúc. Như giấy kiểm dịch trứng gia cầm chỉ có giá trị trong 1 ngày, còn để xuất khẩu được mật ong thì phải cần hơn 200.000 loại giấy phép...

Xuất khẩu 45.000 tấn mật ong cần 225.000 giấy phép ảnh 1Việc cấp giấy kiểm định cho ngành hàng ong vô cùng chậm trễ

Loay hoay cấp phép

Theo bà Nguyễn Thị Hằng, Phó Chủ tịch Hội Nuôi ong Việt Nam, kim ngạch của ngành nuôi ong đã  đạt trên 100 triệu USD và mật ong Việt Nam đã trở thành sản phẩm từ động vật duy nhất có thể xuất khẩu “thoải mái” vào Mỹ và EU. Nuôi ong đã tạo công ăn việc làm cho trên 35.000 nông dân, với 4.000 người nuôi ong chuyên nghiệp. Tuy nhiên,  bà Hằng cho biết, theo Quyết định 47/2005 ngày 22-7-2005 của Bộ NN&PTNT thì cứ vận chuyển trên 200kg mật ong hay 1 đàn ong ra khỏi huyện phải có giấy kiểm dịch.

Theo nhẩm tính của bà Hằng, với sản lượng 45.000 tấn mật ong hàng năm, sẽ cần tới 225.000 giấy phép. Giả sử cấp 1 giấy phép hết 1 ngày thì cần 225.000 ngày, tương đương 616 năm và nếu mất 2 ngày cho 1 giấy phép thì sẽ cần 1.232 năm. Không chỉ vậy, những bất cập về bộ máy, phương tiện kiểm dịch và trình độ chuyên môn, hiểu biết của cán bộ tại các địa phương khiến việc cấp giấy kiểm dịch cho ngành hàng ong vô cùng chậm trễ. “Nhiều khi mật ong, đàn ong cứ chất đống ngoài trời chờ các đơn vị chuyên môn “loay hoay” cấp giấy phép kiểm dịch. Ngoài trời mưa nắng thất thường, có khi ong thì chết còn mật ong thì mất chất”, bà Hằng bày tỏ.

Thực trạng này khiến lãnh đạo ngành nông nghiệp cũng phải lắc đầu. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết: “Nhiều khi kiểm dịch chỉ nhìn, mà nhìn thì có thấy virus, vi khuẩn gì  đâu. Tôi đề nghị đồng chí Cục trưởng Cục Thú y làm việc theo tinh thần rất cầu thị và tiếp thu những kiến nghị của doanh nghiệp, phải nghiên cứu để dỡ bỏ những thủ tục không cần thiết, thực sự nếu không có ích gì thì dẹp bỏ”.

Cũng trong lĩnh vực thú y, kiểm dịch, ông Phạm Quốc Ân, Chủ nhiệm HTX Chăn nuôi Quý Hiền (huyện Bảo Thắng, Lào Cai) phản ánh một thực tế về thủ tục hành chính đang “hành” những người kinh doanh. Đó là tình trạng giấy phép kiểm dịch thú y cho vận chuyển trứng gia cầm ra khỏi địa bàn chỉ có giá trị trong 1 ngày. Theo ông Ân, các trang trại, hộ dân muốn bán trứng trong huyện phải có tem vệ sinh thú y; còn muốn bán ra ngoài huyện phải có một bộ giấy vận chuyển kiểm dịch sản phẩm động vật ra ngoài địa phương. Chi phí cho việc này, 1 quả trứng phải chịu thêm 50 đồng đã ảnh hưởng đến giá thành sản xuất. “Để chấp hành tốt các quy định, có lẽ chúng tôi phải cử hẳn một nhân viên túc trực ở trạm thú y để xin giấy, bởi cán bộ đi vắng thì không xin được. Đi chui thì bị phạt”, ông Ân thẳng thắn.  

Xuất khẩu 45.000 tấn mật ong cần 225.000 giấy phép ảnh 2

Vô địch về “giấy phép con”

Ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y phân trần, hiện nay việc kiểm dịch động vật và các sản phẩm từ động vật vẫn thực hiện theo Quyết định số 86/2005/QĐ-BNN. Đây là quyết định quy định mẫu hồ sơ kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật, kiểm tra vệ sinh thú y. Loại giấy “thông hành” theo phản ánh của ông Phạm Quốc Ân nằm trong quy định này. Tuy nhiên, ông Đông thừa nhận, không có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định thời gian cụ thể cho các giấy phép kiểm dịch sản phẩm động vật vận chuyển trong nước. Theo ông Đông, việc “đẻ” ra giới hạn thời gian cụ thể là do cơ quan thú y cấp tỉnh hoặc cấp huyện quy định. 

Trao đổi với phóng viên, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết đã có hướng chỉ đạo để xử lý tình trạng này: “Trước hết chúng tôi sẽ xem xét có thực tế như vậy không. Nếu có, phải chỉ ra sai phạm từ đâu. Nếu quy định này do địa phương tự đề ra chúng tôi sẽ yêu cầu chấn chỉnh ngay lập tức. Còn nếu sai phạm bắt nguồn từ văn bản của các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ thì tôi sẽ yêu cầu sửa đổi ngay”.

Theo rà soát mới đây của Bộ KH-ĐT về việc ban hành các điều kiện kinh doanh, Bộ NN&PTNT là một trong những Bộ có nhiều “giấy phép con” nhất. Nguyên nhân chính do Bộ NN&PTNT có nhiều lĩnh vực quản lý khác nhau, song rõ ràng trong các điều kiện kinh doanh do Bộ này ban hành đã có không ít sự bất cập nhưng lại chậm được rà soát, sửa đổi. Nông sản sản xuất ra đã gặp khó khăn về tiêu thụ, giá cả, lại gặp rào cản “giấy phép con” khiến người nông dân càng thêm khó.