Xuất hiện các ca tử vong có biểu hiện giống bệnh dịch Ebola tại Tanzania

ANTD.VN - Một vài ca bệnh có triệu chứng giống dịch Ebola tại Tanzania khiến Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phải lên tiếng bày tỏ quan ngại trước cách đối phó tình trạng của các nhà chức trách tại quốc gia này. 

Xuất hiện các ca tử vong có biểu hiện giống bệnh dịch Ebola tại Tanzania ảnh 1Đợt bùng phát dịch bệnh Ebola đã cướp đi hơn 2.000 mạng người tại Cộng hòa Dân chủ Congo (Trong ảnh: Các nhân viên y tế tại một trung tâm xử lý tại Beni, Congo) 

Tranh cãi về thực trạng bệnh dịch mới

Mới đây, WHO đã lên tiếng cảnh báo về sự thiếu sót nhiều thông tin thiết yếu về các ca bệnh này, bao gồm dữ liệu lâm sàng, sự tiếp xúc giữa người bệnh và môi trường xung quanh. Bên cạnh đó, Tổ chức WHO cũng chỉ ra về sự thiếu liên hệ giữa các hoạt động kiểm định trong phòng thí nghiệm nhằm chẩn đoán phân biệt giữa các nạn nhân gây khó khăn lớn trong công tác xác định mức độ rủi ro tiềm tàng của căn bệnh.  

Cảnh báo được đưa ra vào tháng 9-2019 khi một người phụ nữ trong tầm tuổi 35, ứng cử viên Tiến sĩ phát bệnh và qua đời trong lúc tiến hành nghiên cứu thực địa tại Dar es Salaam - một trong những thành phố cảng quan trọng và có số dân lớn nhất của          Tanzania. Theo nhiều báo cáo, người phụ nữ này trước khi qua đời vào ngày 8-9 đang thực hiện dự án nghiên cứu về sức khỏe và đã ghé thăm một vài cơ sở y tế tại miền Trung Uganda, sau khi có biểu hiện triệu chứng của một cơn sốt cao.

Do bệnh nhân chưa từng đến Cộng hòa Dân chủ Congo hay tiếp xúc với những ca bệnh Ebola, các tổ chức quan sát y tế quốc tế ban đầu bác bỏ nguồn gốc căn bệnh là virus Ebola. Tuy nhiên, sau khi một vài ca bệnh tương tự xuất hiện, trong đó có cả em gái của bệnh nhân, các tổ chức quốc tế bắt đầu lo ngại về chiều hướng đối phó thực trạng này của Tanzania và nghi ngờ về sự sẵn lòng của quốc gia này trong việc chia sẻ các kết quả xét nghiệm và cho phép họ tiến hành xét nghiệm lại các mẫu.

“Chúng tôi không biết chuyện gì đang xảy ra” - một nhân viên của tổ chức y tế toàn cầu cho tờ The Guardian hay - “Chúng tôi không biết đây là bệnh dịch gì. Các triệu chứng xuất hiện ở em gái bệnh nhân đầu tiên khác với các triệu chứng mà chúng tôi đã từng thấy tại đợt bùng nổ dịch bệnh Ebola tại Congo, cho thấy đây có thể là một chủng khác biệt, nhưng chúng tôi không thể biết được và đây là điều đang gây nhiều lo ngại”. 

Tuy Tanzania khẳng định các bài kiểm nghiệm của bản thân nước này cho thấy kết quả âm tính đối với virus Ebola, các tổ chức y tế quốc tế đã lên tiếng về việc không được quyền truy cập đến các mẫu kiểm nghiệm. Theo các điều luật quốc tế về y tế, Tanzania có nghĩa vụ hợp tác với các cơ quan y tế thế giới để “bảo vệ người dân Tanzania cũng như toàn bộ người dân trong khu vực”.

WHO:  Sử dụng thêm vaccine để ngăn chặn triệt để dịch Ebola  

Mặc dù Tanzania chưa từng ghi nhận 1 ca bệnh Ebola nào, những thách thức về kiểm soát dịch trong đợt bùng phát bệnh dịch này gần đây tại Congo đã gia tăng quan ngại trong khu vực về tính nguy hiểm của virus Ebola và các dịch bệnh tương tự. 

Các vụ việc trong đó bệnh nhân dịch Ebola vượt biên trong đợt bùng phát dịch còn hiếm. Vào tháng 6, một gia đình người Congo có vài người nhà mắc bệnh đã vượt biên tới Uganda. Hai trong số đó đã chết vì virus Ebola tại Uganda. Đến tháng 8, một bé gái 9 tuổi người Congo có kết quả dương tính với dịch Ebola và qua đời sau đó tại Uganda sau khi rời Congo. 

Bình luận về bất đồng xoay quanh các bệnh tại Tanzania, Tiến sĩ Yonas Woldermariam, đại diện của WHO tại Uganda nói rằng căn bệnh bí ẩn này cần phải được điều tra và các mẫu cần được phải kiểm nghiệm - “Chúng tôi không thể loại trừ bất cứ các loại sốt xuất huyết nào và cuộc điều tra sẽ còn tiếp tục”. 

Bất đồng trên xảy ra trùng thời điểm WHO tuyên bố Congo sẽ bắt đầu tiến hành sử dụng vaccine thử nghiệm thứ 2 cho bệnh Ebola. Kể từ thời điểm dịch bùng nổ vào tháng 8-2018, hơn 200.000 người đã được nhận lượng vaccine sản xuất bởi công ty dược phẩm Mỹ Merck. Vaccine đầu tiên này sẽ được sử dụng song song với vaccine mới, được sản xuất bởi Công ty Johnson & Johnson tại Congo. WHO cho biết lượng vaccine thứ 2 này sẽ được dùng bổ sung tại những khu vực mà dịch Ebola còn chậm lây lan.