Xuân về trên những chân ruộng bậc thang

ANTĐ - Mù Cang Chải vào mùa thu tháng 8-9 là đẹp nhất, du khách sẽ được thu vào tầm mắt những triền ruộng bậc thang vào mùa thu hoạch, lúa chín cả con đường quốc lộ nhuộm màu vàng óng ả, nhấp nhô sóng biển, bát ngát, mênh mông, vừa hùng tráng, vừa mỹ lệ hấp dẫn như một bức tranh về cuộc sống ấm no, hạnh phúc như mơ, như thực của đồng bào người Mông, vùng cao tỉnh Yên Bái. 

Những chân ruộng bậc thang kỳ vĩ đã trở thành di sản
Những người mê chụp ảnh lại thích ngắm Mù Cang Chải khi mùa xuân về. Xe máy phân khối lớn chạy dọc quốc lộ 32, chúng tôi đã “chộp” được những bức ảnh miêu tả sinh hoạt đời thường, bình dị quen thuộc của những cụ già người Mông. Đó là cảnh các bà ngồi sưởi dưới ánh nắng xuân ấm áp, trang phục dân tộc ngày tết đẹp sặc sỡ, khuôn mặt nhăn nheo, miệng móm mém cười duyên, chuyện trò râm ran hồ hởi, trên nền những cánh đồng ruộng bậc thang, bạt ngàn hoa đào, hoa ban khoe sắc thắm. 
Năm 2007, ruộng bậc thang Mù Cang Chải được Nhà nước công nhận là Danh thắng quốc gia. Người Mù Cang Chải, từ già đến trẻ rất tự hào, có ý thức giữ gìn báu vật di sản. Cũng nhờ có danh thắng độc đáo vào loại bậc nhất Việt Nam này mà khách du lịch trong và ngoài nước đổ về vùng đất mịt mù xa xăm mà vài chục năm trước còn hoang vắng. 
Miền núi, tối ập đến rất nhanh. Đêm đầu xuân chúng tôi nghỉ tại nhà ông Lường Văn Dương, bản Thái Kim Nội. Ông Dương đã 72 tuổi, mặt hiền hậu, phong thái khoan thai lịch lãm, nói chuyện nhỏ nhẹ. Nhà ông là nơi cho thuê khách trú, chỉ 80 nghìn đồng/người/đêm. Trong nhà ông đông đúc đủ cả khách tây lẫn ta, cùng quây quần ngồi quanh mâm cỗ ngày tết… Cả nhà ông Dương, các con cháu đều biết làm du lịch. Cơ sở lưu trú nhà ông chưa phải là khách sạn, những cũng được đầu tư khá bài bản. Ông cho biết phải đầu tư như vậy mới đáp ứng nhu cầu của khách dưới xuôi lên và khách Tây nữa.
Đêm Mù Cang Chải se lạnh. Cái lạnh từ núi tỏa ra cứ từ từ len lỏi qua khe áo, thấm vào da thịt. Ông Dương cùng mấy bạn già chúng tôi ít ngủ, ngồi quanh bếp lửa hồng nhâm nhi ly rượu thuốc nhắm với thịt trâu khố nướng trên bếp than thơm lừng. 
Con gà đã gáy sáng, cánh Tây “ ba lô” háo hức dậy ăn sáng. Bữa sáng là ngô luộc, sắn “lùi” chấm vừng. Họ ăn ngon miệng rồi kéo lên đỉnh Khau Mạ, nơi có Câu lạc bộ Dù lượn Vietwings Hà Nội, thuộc CLB Hàng không phía Bắc chọn làm bãi tập luyện, thực hiện chương trình “Bay trên thảm lúa” ngày xuân.

“Đường lên Tây Bắc quanh co, nếp nhà sàn thấp thoáng…”, chúng tôi hát vang “Bài ca đi cùng năm tháng” để nhớ về một thời “Tây Tiến”… Quá trưa, chúng tôi về đến thị trấn Nghĩa Lộ, được ăn bữa cơm lam tại nhà sàn, thưởng thức xòe Thái. Nhìn các cô gái Thái, Mường, Lò duyên dáng trong trang phục dân tộc, tươi tắn với những điệu xòe, tôi hiểu vì sao Tây Bắc, Mù Cang Chải có sức hút ghê gớm đến thế.