Xuân về nơi cực Bắc của Tổ quốc

ANTĐ - Giữa những ngày đông rét mướt, chúng tôi lại xách ba lô đến vùng địa đầu Tổ quốc. Không khỏi bâng khuâng vì “năm hết tết đến”, nhưng nhiệm vụ và nỗi háo hức được đến với đỉnh cao cực Bắc của đất nước đã hối thúc chúng tôi lên đường. 

Vẫn còn gian khó

Sau nhiều giờ đồng hồ, mặc gió lạnh tăng cường ù réo liên hồi, vượt qua hàng trăm vòng cua tay áo, luồn qua các sườn đồi núi cheo leo khúc khuỷu, cuối cùng chúng tôi cũng “cán đích” huyện Đồng Văn (Hà Giang). 
Đồng Văn xưa kia thuộc tổng Đông Quan, châu Nguyên Bình, phủ Tường Yên, tỉnh Tuyên Quang. Sau đó, Đồng Văn thuộc châu Bảo Lạc cho đến khi thực dân Pháp xâm lược với địa giới hành chính rộng lớn, bao gồm cả các huyện Yên Minh, Mèo Vạc ngày nay. Ngày 15-12-1962, theo quyết định của Hội đồng Chính phủ, Đồng Văn tách thành 3 huyện là Yên Minh, Mèo Vạc và Đồng Văn. Hiện nay, huyện Đồng Văn có diện tích tự nhiên trên 46.000 ha, với 17 dân tộc anh em sinh sống, trong đó người Mông chiếm tới 88,4% dân số toàn huyện. Còn nhớ, trước năm 1965, đường lên Đồng Văn chỉ là lối mòn dành cho ngựa thồ và người đi bộ. Với mong muốn “miền núi tiến kịp miền xuôi”, ròng rã suốt 6 năm trời (1959 -1965), thanh niên xung phong và người dân 16 dân tộc anh em đã làm việc quên mình với hơn 2 triệu ngày công, tay búa tay choòng phá đá để mở gần 200km đường ôtô lên cao nguyên Đồng Văn - Mèo Vạc, tạo nên kỳ tích trong lịch sử làm đường ở Việt Nam. 
“Bây giờ Đồng Văn vẫn là huyện khó khăn nhất ở khu vực này”. Câu nói của Chánh Văn phòng UBND huyện Hoàng Ngọc Linh cắt ngang dòng suy tưởng của chúng tôi. Như để lý giải về điều này, anh bảo: “Thì các anh xem, cả huyện chỉ có 30% diện tích đất tự nhiên là có… đất. Ngay như muốn xây dựng một ngôi nhà ở thị trấn này cũng khó khăn, do đến cả cát chúng tôi cũng phải mua rồi vận chuyển cả trăm cây số từ dưới xuôi lên”. Rồi anh bảo, gần 20 năm nay, sau khi triệt phá cây anh túc cùng các hệ lụy của nó, huyện đã có nhiều chủ trương giải quyết việc làm, chuyển đổi cây trồng vật nuôi cho người dân. Tuy đạt được nhiều thành tựu, nhưng để thực sự tìm hướng phát triển kinh tế cho Đồng Văn không dễ dàng chút nào. Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đồng thời là Phó trưởng Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới Đồng Văn, Lương Đình Đoàn - người có mặt trong buổi làm việc tiếp lời: “vừa qua, huyện chúng tôi chọn thí điểm xây dựng mô hình nông thôn mới ở Sủng Là, nhưng đến nay vẫn chưa mang lại nhiều kết quả. Bởi, bên cạnh việc đòi hỏi phải đạt các tiêu chí, việc huy động theo hình thức xã hội hóa, hay muốn sự tham gia của người dân cũng rất khó. Thậm chí, huyện đã cấp xi măng, đầu tư mua một máy xay bột đá để thay cát cho bà con mượn làm đường thôn bản, nhưng nhiều khi chiếc máy này cũng phải “đắp chiếu””. 
Tiềm năng đang chờ đánh thức
Đồng Văn là một trong bốn huyện nằm trong “Công viên địa chất cao nguyên đá”, được xác định là “vùng lõi” của Công viên địa chất toàn cầu và là địa bàn có nhiều điểm hóa thạch có niên đại cách đây khoảng 500 triệu năm. Cùng với 3 di tích được xếp hạng cấp quốc gia là di tích Nhà Vương, cột cờ Lũng Cú, Phố cổ Đồng Văn, huyện cực bắc này còn có nhiều danh thắng khác như Hang Mây, Sảng Tủng. Bên cạnh đó, đây còn là địa phương có nhiều nghề cổ truyền cùng các điều kiện thuận lợi để phát triển thủy điện, du lịch - dịch vụ, khai thác khoáng sản. Nghe nói vậy, nhưng có lẽ chỉ khi được đến những địa danh nổi tiếng, được hòa mình vào dòng văn hóa đặc trưng đa sắc màu và lang thang đến các phiên chợ vùng cao ở đây mới có thể thấy phần nào những giá trị tiềm ẩn ở vùng biên cương này.
Nằm ngay trong thị trấn huyện Đồng Văn là Phố cổ Đồng Văn. Được hình thành từ cuối thế kỷ XIX đến những năm đầu thế kỷ XX, những ngôi nhà cổ hiện còn được lưu giữ ở nơi đây tuy không lớn như Phố cổ Hà Nội, Hội An, nhưng lại mang dấu ấn bản sắc của cư dân vùng cao nguyên đá nơi biên cương Tổ quốc với những ngôi nhà tường trình, lợp ngói máng độc đáo. Phong cách kiến trúc của phố cổ Đồng Văn cho thấy có sự giao thoa giữa kiến trúc truyền thống của cư dân bản địa với kiến trúc vùng Hoa Nam (Trung Quốc). Liền kề đó là chợ cổ Đồng Văn với kết cấu hình chữ U tráng lệ, thâm trầm, mang đậm nét đặc trưng với tường nhà rất dày bằng đá, hàng cột lớn, nhà xây một hoặc hai tầng mái lợp ngói trên những kết cấu vì kèo bằng gỗ chắc chắn. Trước đây, mỗi khi chợ vào phiên, nơi này lại đông vui tấp nập, là địa điểm vui chơi, mua sắm, gặp gỡ, trao đổi hàng hóa của những người dân thuộc các dân tộc khác nhau trong khu vực. Từ năm 2010, khu chợ mới được quy hoạch rộng rãi cách chợ cũ khoảng 200m, tuy nhiên mới đây huyện Đồng Văn đã có kế hoạch để chợ phiên Đồng Văn được trở về vị trí vốn có của nó.
Cách huyện lỵ Đồng Văn 24km là cột cờ Lũng Cú, nơi điểm cực Bắc của Việt Nam, có độ cao khoảng 1.700m so với mực nước biển. Cột cờ Lũng Cú được xây dựng từ lâu và qua nhiều lần sửa chữa, nhưng lần nâng cấp gần đây nhất là vào năm 2010. Với kiến trúc độc đáo, mang ý nghĩa phổ quát cao, cột cờ có tổng chiều cao 33,15m, lá cờ Tổ quốc trên đỉnh có diện tích 54m2, tượng trưng cho 54 dân tộc anh em cùng chung sống trên đất nước Việt Nam. Cột cờ Lũng Cú không chỉ đặc biệt bởi vị trí xây dựng, mang đậm dấu ấn lịch sử, mà còn là điểm đến tham quan, du lịch lý tưởng của du khách trong nước và quốc tế. 
Một trong những công trình để lại nhiều ấn tượng, mang không ít màu sắc huyền bí và là điểm tham quan hấp dẫn không thể bỏ qua là công trình kiến trúc Nhà Vương, nơi ở của “Vua Mèo” Vương Chí Sình. Nhà Vương có diện tích 1.120m2, được xây dựng theo lối kiến trúc đời Thanh (Trung Quốc), tọa lạc trên “lưng rùa, nhìn vào hai núi lúa, bạc” - theo quan niệm phong thủy. Kiệt tác kiến trúc của đồng bào Mông này được tạo dựng bằng nguyên liệu đá xanh, gỗ thông và ngói đất nung. Tổng thể khu nhà gồm 4 nhà ngang và 6 nhà dọc đều làm 2 tầng với 64 buồng chia làm Tiền dinh, Trung dinh, Hậu dinh. Tường xây bằng đá, trong ốp ván, cột kèo gỗ, sàn lát gỗ, mái ngói máng, có hàng hiên lợp ngói ống. Bố cục ngôi nhà trong 3 lớp cao dần từ ngoài vào trong, hai góc trong cùng xây 2 lô cốt đá xanh, 3 tầng, trong đó tầng một thông với tầng ngầm khu nhà trong cùng. Công trình này cùng với những câu chuyện xen lẫn huyền bí và hiện thực có sức hút lớn đối với bất cứ ai đến với Đồng Văn.
Qua mấy ngày “thực tế”, chúng tôi gặp lại Linh. Anh bảo: “Tiềm năng của Đồng Văn rất lớn. Huyện cũng có nhiều chủ trương, đề án và có cả chính sách khuyến khích thu hút đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp khi đến với Đồng Văn. Nhưng có thể, một phần do công tác tuyên truyền, quảng bá chưa “trúng” hoặc do người ta chỉ biết đến Đồng Văn là một “cao nguyên đá” khắc nghiệt nên đến nay chưa có nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư tìm đến”.  Hay theo cách nói ví von của nhà văn Trần Bé (Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Hà Giang) thì đến nay các tiềm năng của Đồng Văn nói riêng và Hà Giang nói chung vẫn như nàng công chúa ngủ quên đang chờ hoàng tử đến đánh thức. 
Dọc tuyến đường trở lại thành phố Hà Giang, chúng tôi đều có chung cảm nhận, những thửa ruộng bậc thang phơi màu chờ gieo vụ ngày một sáng hơn và sắc xuân đang ngập tràn trên cao nguyên đá.