Xử vụ Hưng "kính": Phải chịu áp lực về tinh thần nên nhiều lần muốn tự tử

ANTD.VN - Sau phiên tòa bị hoãn cách đây không lâu, ngày 25-7, TAND TP Hà Nội mở lại phiên tòa xét xử sơ thẩm Hưng “kính” và đồng bọn về tội “Cưỡng đoạt tài sản”, xảy ra tại chợ Long Biên.

Cụ thể, tại phiên tòa, Nguyễn Kim Hưng (tức Hưng “kính”, SN 1963, trú tại phường Đồng Xuân, Hoàn Kiếm, Hà Nội) – cựu Tổ trưởng Tổ bốc dỡ hàng hóa số 2 chợ Long Biên bị đưa ra xét xử về tội “Cưỡng đoạt tài sản”.

Giữ vai trò đồng phạm, Nguyễn Hữu Tiến (tức Tiến “hói”, SN 1970), Lê Thanh Hải (tức Hải “gió”, SN 1963), Nguyễn Mạnh Long (tức Long “cao”, SN 1962) và Dương Quốc Vương (tức Vương “lợn”, SN 1968) cùng bị truy tố về tội danh trên.

Đàn em Hưng "kính" nói thu tiền theo thỏa thuận

Theo cáo trạng truy tố, năm 2008, chị Nghiêm Thúy Nga (SN 1981) và chồng là anh Hoàng Anh Hà (SN 1972, cùng trú tại phường Phúc Xá, quận Ba Đình, Hà Nội) kinh doanh hoa quả tại chợ Long Biên.

Bị đau chân, Hưng 'kính" được ngồi trong quá trình xử án.

Kinh doanh tại chợ Long Biên, gia đình chị Nga, anh Hà thường xuyên bị Nguyễn Kim Hưng, Lê Thanh Hải, Nguyễn Mạnh Long, Dương Quốc Vương có hành vi đe dọa, chèn ép trong việc buôn bán để buộc phải nộp nhiều loại tiền khác nhau.

Với  thủ đoạn nêu trên, từ ngày 14-3-2018 đến 1-9-2018, dưới sự chỉ đạo của Hưng “kính”, Hải, Long và Vương đã thu của gia đình chị Nga tổng số tiền hơn 28 triệu đồng. Trong đó, Hải thu hơn 15 triệu đồng, Long thu hơn 12 triệu đồng và Vương thu 740.000 đồng.

Sau đó, Tiến nhận từ Hải, Long và Vương tổng số tiền hơn 28 triệu đồng nhưng chỉ nộp về Ban Quản lý chợ Long Biên 3,2 triệu đồng. Gần 25 triệu đồng còn lại, các đối tượng chiếm hưởng chia nhau theo chỉ đạo của Hưng “kính”. 

Trả lời thẩm vấn của tòa, Nguyễn Mạnh Long khai bị cáo là nhân viên tổ bốc dỡ tại chợ Long Biên, hàng ngày thu tiền của các hộ kinh doanh. Bị cáo làm tại chợ từ năm 1998, công việc là nhân viên thu tiền bốc dỡ, căn cứ vào quy định của BQL chợ.

Theo “đàn em” Hưng “kính”, khi thực hiện nhiệm vụ, bị cáo thực hiện đúng với quy định của BQL. Trong quá trình thực hiện liên quan đến hộ gia đình của chị Nga, bị cáo không gây khó khăn cho kinh doanh của gia đình chị Nga.

Long cho rằng tại hộ gia đình chị Nga, có 2 loại tiền phải thu là có nhân viên bốc dỡ của BQL chợ thì thu theo quy định và không có nhân viên bốc dỡ nhưng vẫn thu tiền, bởi đó là theo thỏa thuận của gia đình chị Nga.

Trong khi ấy, chị Nghiêm Thúy Nga phản bác, bị cáo khai thu tiền bốc dỡ hàng hóa là do thỏa thuận là không đúng sự thật. “Chứng cứ chúng tôi đưa ra đều có cơ sở, bị cáo Long đến thu tiền, có nói rõ là tôi không thuê các anh nên không nộp tiền nhưng bị cáo vẫn bắt tôi nộp tiền bốc xếp” – tiểu thương chợ Long Biên tỏ thái độ.

Theo chị Nga, nếu gia đình chị không nộp tiền lập tức sẽ có đối tượng nghiện hút ma túy nhảy lên xe uy hiếp. Do vậy, dù không đồng ý nhưng chúng tôi vẫn phải nộp tiền.

“Trong 5 bị cáo có bị cáo Hải đã uy hiếp tinh thần tôi, đã đứng trước mặt chửi bới những từ nặng nề. Khi hàng về nhiều nhưng vẫn phải quay vào trong khóc và quay về nhà. Tôi đã chịu đựng rất nhiều áp lực về mặt tinh thần và đã nhiều lần định tự tử” – nữ tiểu thương chợ Long Biên bày tỏ sự uất ức.

Hưng “kính” xin lỗi tiểu thương chợ Long Biên

Đến lượt mình, Nguyễn Kim Hưng khai, không kiểm soát được việc thu tiền của các bên (các bị cáo trong vụ án và tiểu thương – PV). Hưng “kính” cũng cho rằng không chỉ đạo bị cáo Vương thu tiền của hộ gia đình chị Nga.

Chị Nghiêm Thúy Nga (bị hại trong vụ án) có lúc bật khóc tại phiên tòa vì ấm ức.

Đối tượng cầm đầu trong vụ án trình bày, làm việc tại chợ Long Biên từ năm 1991 với nhiệm vụ yêu cầu anh em thực hiện đúng quy định của BQL chợ. Khi BQL chợ họp giao ban xong thì bị cáo đều yêu cầu anh em triển khai.

Liên quan đến gia đình chị Nga, Hưng “kính” trình bày hợp đồng bốc dỡ hàng hóa do BQL chợ ký với các hộ kinh doanh, được thực hiện theo quy định và bị cáo thực hiện đúng theo quy định của BQL chợ. Việc bị cáo không cho xe ô tô của gia đình chị Nga đỗ bốc dỡ hàng hóa là để đảm bảo vệ sinh và phòng ngừa cháy nổ.

Tại tòa, Hưng “kính” cũng đã nói lời xin lỗi tới các hộ kinh doanh tại chợ Long Biên vì  trong thời gian qua “đã có những cái chưa làm đúng theo quy định của BQL chợ giao, để bê trễ công việc và ứng xử thiếu văn minh, chưa đúng mực, đặc biệt với hộ chị Nga, anh Hà”.

Chiều cùng ngày, đại diện VKSND Hà Nội thực hành quyền công tố tại phiên tòa đã đưa ra quan điểm về đường lối giải quyết vụ án. Theo đó, VKS cho rằng các bị cáo đã khai nhận hành vi phạm tội của mình. Lời khai của các bị cáo phù hợp với tài liệu, hồ sơ của vụ án. Tuy nhiên, bị cáo Hưng chỉ khai nhận một phần hành vi gây ra.

Theo VKS, các bị cáo đã lợi dụng hợp đồng lao động ký kết với BQL chợ Long Biên, lợi dụng công việc của mình để có hành vi xâm phạm đến nhân thân của bị hại. Mỗi bị cáo thực hiện với một vai trò khác nhau và bị cáo Hưng giữ vai trò cầm đầu, chỉ huy mọi hoạt động của những bị cáo khác.

Xét vai trò, mức độ hành vi của từng bị cáo, VKS thấy bị cáo Hưng phải chịu hình phạt nghiêm khắc nhất so với các bị cáo còn lại. Bị cáo Hưng có tình tiết giảm nhẹ là đã nộp tiền khắc phục hậu quả. Tuy nhiên cũng có tình tiết tăng nặng do phạm tội 2 lần trở lên.

Các bị cáo khác cũng được xem xét những tình tiết giảm nhẹ nhưng bên cạnh đó VKS cũng nhận định các bị cáo vẫn có tình tiết tăng nặng... Hành vi các bị cáo gây ra là rất nghiêm trọng, gây bất bình trong quần chúng nhân dân nên cần phải áp dụng hình phạt tù tương xứng để phòng ngừa chung cho xã hội.

Từ những nhận định, phân tích đưa ra, đại diện VKSND TP Hà Nội đề nghị xử phạt Nguyễn Kim Hưng từ 4 năm 6 tháng tù đến 5 năm về tội “Cưỡng đoạt tài sản”. Các bị cáo còn lại lần lượt bị đề nghị áp dụng từ 3 năm 6 tháng tù đến 4 năm 6 tháng tù cùng tội danh.

Sáng 26-7, HĐXX sơ thẩm TAND TP Hà Nội sẽ đưa ra phán quyết về vụ án.