Xứ vạn đảo đối phó "họa" rác thải nhựa

ANTD.VN - Là quốc gia được ví là “đất nước vạn đảo”, biển có ý nghĩa sống còn với Indonesia, song nước này đang phải đối phó với mối hiểm họa ngày càng lớn từ nạn rác thải nhựa trên đại dương.

Xứ vạn đảo đối phó  "họa" rác thải nhựa ảnh 1

Rác thải nhựa tràn ngập một bờ biển của Indonesia

Nhật báo “Bưu điện Jakarta” của Indonesia ngày 21-11 đăng bài phân tích của hai tác giả là chuyên gia về môi trường biển với tựa đề “Đẩy mạnh cuộc chiến chống rác thải nhựa trên biển”, trong đó cảnh báo tình trạng ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa trên biển gây ra hiện đã ở mức báo động, ảnh hưởng đến nguồn hải sản cũng như sức khỏe con người. Indonesia với vị trí nằm trên tuyến đường vận tải biển nhộn nhịp của thế giới, vì thế cần chung tay với cộng đồng quốc tế có hành động mạnh mẽ nhằm ngăn chặn cũng như xử lý vấn đề này để bảo vệ các đại dương. 

Rác thải nhựa đang là một hiểm họa lớn đe dọa sự sống trên các đại dương của thế giới. Theo một nghiên cứu do Quỹ Ellen MacArthur (tên nữ vận động viên du thuyền  người Anh) tài trợ, hiện có hơn 150 triệu tấn rác thải trong lòng đại dương và ít nhất 8 triệu tấn nhựa trôi nổi mỗi năm tại đây, tương đương việc cứ mỗi phút lại có một xe đầy rác đổ ra biển. 

Quỹ Ellen MacArthur cảnh báo, nếu thế giới không hành động thì tới năm 2030, trung bình cứ một phút sẽ có 2 xe rác được đổ ra biển và tới năm 2050, con số này sẽ tăng lên thành 4 xe rác khi mà dân số thế giới tăng lên mức cao nhất. Do vậy, tới năm 2025, cứ 3 tấn cá trong lòng đại dương sẽ có một tấn rác nhựa và tới năm 2050, lượng rác thải loại này sẽ vượt trên cả lượng cá trên các đại dương.

Các nhà khoa học cho rằng, rác thải nhựa phải mất tới 400 năm mới tự phân hủy hết nên đã đe dọa nghiêm trọng môi trường sống của sinh vật biển như cá heo, hải cẩu, rùa... Nghiên cứu của Viện nghiên cứu phát triển Pháp (IRD) cho thấy, mỗi năm có khoảng 1,5 triệu động vật trên biển chết vì ngộ độc do ăn phải rác nhựa.

Trong khi đó, dù là “đất nước vạn đảo” sống dựa vào đại dương song Indonesia cũng lại là quốc gia xả rác thải nhựa xuống biển hàng đầu thế giới khi chỉ đứng sau Trung Quốc - quốc gia xả rác thải nhựa nhiều nhất với khoảng 2,4 triệu tấn, chiếm 30% tổng lượng rác thải nhựa toàn cầu. Hàng năm, Indonesia thải ra 1,3 triệu tấn rác thải nhựa xuống biển. 

Chính vì thế, chống lại nạn rác thải nhựa trên đại dương đã trở thành vấn đề cấp bách với quốc gia biển như Indonesia. Chính phủ Indonesia đã xác định tầm quan trọng của vấn đề này và đang tập trung mọi nỗ lực cùng với cộng đồng quốc tế để giải quyết, thể hiện qua việc phối hợp với Đan Mạch và Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức một cuộc hội thảo quy mô lớn về tác động của rác thải nhựa đối với môi trường biển tại Thủ đô Jakarta ngày 2-11 vừa qua. 

Indonesia cũng đang tích cực hợp tác với Đan Mạch trong việc chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật để có thể thu gom, xử lý các loại rác thải nhựa trên biển, qua đó biến một phần các loại rác thải này trở nên có ích đối với nền kinh tế. Đồng thời,   Indonesia cũng đang đẩy mạnh tuyên truyền, đi đôi với đó là  biện pháp ngăn chặn việc người dân đổ các loại rác thải nhựa xuống biển.