Xử trí tình huống con dậy thì sớm

ANTD.VN - Cổ nhân đã có câu “nữ thập tam, nam thập lục” ý nói con gái dậy thì ở tuổi 13, con trai ở tuổi 16. Trên thực tế, tuổi dậy thì hiện nay ở con trai là từ 12-17 và của con gái là từ 10-15. Tuy vậy, ngày càng nhiều trường hợp dậy thì sớm, tức là có các biểu hiện dậy thì sớm hơn lứa tuổi thường gặp, như ở bé gái dưới 8 tuổi và bé trai dưới 9 tuổi. 

Xử trí tình huống con dậy thì sớm ảnh 1Chế độ dinh dưỡng hợp lý, tăng cường vận động và hạn chế tiếp xúc với hormone tăng trưởng là giải pháp phòng ngừa dậy thì sớm

Các biểu hiện của dậy thì sớm ở trẻ: Ở con gái, ngực bắt đầu phát triển sớm trước 8 tuổi hoặc thấy kinh nguyệt xảy ra trước 10 tuổi, mọc lông mu và nách, lớn phổng rất nhanh. Ở con trai, bắt đầu trước 10 tuổi thay đổi khuôn mặt, mọc lông nách, lông mu, có xu hướng bị mụn trứng cá, dương vật và tinh hoàn lớn nhanh, sản xuất các tinh binh, vỡ giọng, hành vi dễ bị kích động hơn. Để chẩn đoán được việc dậy thì sớm được thực hiện thông qua một kết hợp test lâm sàng, xét nghiệm máu, mức độ các loại hormone, chụp X-quang xương (nếu cần) để xác định tuổi xương.

Nguyên nhân: Thông thường tuổi dậy thì sớm không rõ nguyên nhân. Trong một số trường hợp đó là do rối loạn nội tiết. Dậy thì sớm thường là do nguyên nhân bất thường nào đó của bộ não. Những thủ phạm gây dậy thì sớm còn được biết tới như Hội chứng McCune-Albright (một bệnh lý xương thiếu niên do đột biến gene GNAS) và tật nứt đốt sống tràn dịch não hay rối loạn của tuyến thượng thận; có thể do dùng thuốc có chất nội tiết gây ra. Bên cạnh đó, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng dậy thì sớm còn do nguyên nhân béo phì, yếu tố xã hội và ô nhiễm môi trường.

Tác hại: Những thay đổi trên cơ thể của trẻ dậy thì sớm có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý của trẻ cảm thấy ngại ngùng, xấu hổ vì cảm thấy khác biệt so với bạn bè, bị bạn bè trêu chọc dẫn đến tự ti, trầm cảm và thậm chí để lại di chứng tâm lý cho đến khi trưởng thành. Sự phát triển tâm sinh lý quá sớm cũng sẽ dẫn đến những ham muốn tình dục sớm, hạn chế chiều cao, ảnh hưởng đến kết quả học tập do trẻ dễ lơ là, bỏ bê việc học. 

Nếu nhận thấy con bạn có dấu hiệu dậy thì sớm hơn so với bạn bè đồng trang lứa, nên cân nhắc đưa trẻ đến bác sĩ nhi khoa để chẩn đoán và can thiệp kịp thời. Hãy bình tĩnh, cùng con bước qua giai đoạn này; giải thích cho trẻ hiểu những thay đổi đang diễn ra là hoàn toàn bình thường. Về điều trị, tùy thuộc vào nguyên nhân. Ví dụ: điều chỉnh sự giải phóng   hormone ở tuyến yên; tổn thương hạ đồi và các khối u buồng trứng hoặc u nang... sự tác động ngoại sinh sẽ giúp loại bỏ  các tác nhân này. Tóm lại mọi trường hợp dậy thì sớm ở các em khi phát hiện đều cần được khám để tìm nguyên nhân điều trị.