Đại án Vinalines, Dương Chí Dũng cùng đồng bọn hầu tòa

Xử nghiêm các vụ án tham nhũng sẽ lấy lại được lòng tin của dân

ANTĐ - Như vậy vụ đại án tham nhũng thứ 3 trong 10 vụ đại án được phát hiện đã được đưa ra xét xử tại Tòa án nhân dân TP Hà Nội từ ngày 12-12-2013. Đó là vụ tham nhũng, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng tại Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) do bị cáo Dương Chí Dũng - Chủ tịch HĐQT cùng toàn bộ bộ sậu lãnh đạo Vinalines và đồng bọn gây ra.

 Trước đó, ngày 15-11 Hội đồng xét xử - Tòa án nhân dân TP.HCM đã dành  hai mức án tử hình cho các ông Vũ Quốc Hảo, nguyên Tổng Giám đốc Công ty ALCII và Đặng Văn Hai, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Xây dựng Quang Vinh về tội “Tham ô tài sản”, trong vụ án tham nhũng tại Công ty cho thuê tài chính II - ALC II, thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam. Ít ngày sau đó, sáng 27-11, TAND TP.HCM đã tuyên án 30 năm tù cho Nguyễn Thanh Huyền và 22 năm tù cho Nguyễn B, 2 lãnh đạo Công ty cổ phần Kỹ nghệ thực phẩm Việt Nam (Vifon Việt Nam).

 Các phiên xử với những mức án nghiêm khắc là dấu ấn của năm 2013, năm đầu thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng. Công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) tiếp tục được tăng cường thực hiện, đạt nhiều kết quả tích cực với sự cố gắng lớn của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Hai trong 10 “đại án” tham nhũng được đưa ra xét xử tại Tòa án nhân dân TP.HCM tháng 11 vừa qua đã và đang dấy lên lòng tin của người dân vào quyết tâm chống “giặc nội xâm” của Đảng, được ví như “quả đấm” đầy sức mạnh đối với tội phạm và tệ nạn tham nhũng. Dư luận cũng tin tưởng rằng vụ án Dương Chí Dũng và đồng bọn được xét xử nghiêm minh, đúng pháp luật, nghiêm khắc, thu hồi triệt để tài sản của Nhà nước, tập thể, cá nhân bị chiếm đoạt và thất thoát do tham nhũng.

Trong cuộc tiếp xúc cử tri tại TP.HCM mới đây, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho rằng, bên cạnh những cái đã làm được, những điều chưa làm được trong công tác phòng chống tham nhũng còn rất lớn và phải nhìn thẳng vào sự thật này. Đó cũng là một thực tế đòi hỏi quyết tâm cao hơn nữa của Đảng, của cả hệ thống chính trị trong cuộc chiến phòng, chống tham nhũng, lấy lại lòng tin của nhân dân. Quyết tâm ấy được thể hiện bằng việc 7 đoàn công tác của Ban Nội chính Trung ương đã thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát việc thanh tra, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp được dư luận xã hội quan tâm. Sau hơn 1 tháng, từ ngày 15-8 đến 30-9-2013, trên 60 vụ tham nhũng đã được phát hiện. Có nghĩa là song song và sau 10 đại án tham nhũng, dư luận sẽ được chứng kiến nhiều phiên xét xử, nhiều vụ án tham nhũng nữa. 

Tệ nạn tham nhũng lâu nay được coi là vấn đề “nhạy cảm” bởi nó liên quan đến những đối tượng, lĩnh vực “nhạy cảm”. Chính vì thế, phát hiện hành vi tham nhũng đã khó, xử lý hành vi tham nhũng đúng pháp luật lại càng khó hơn gấp nhiều lần. Trong kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII vừa qua, có đại biểu đã đưa ra con số đáng lo ngại. Đó là một tòa án tỉnh trong hơn 2 năm xử 9 bị cáo tham nhũng thì 8 người hưởng án treo; lại có tòa trong 2,5 năm xử 10 bị cáo tham nhũng nhưng cả 10 người đều được tuyên dưới mức thấp nhất của khung hình phạt. Một dẫn chứng nữa là tỉ lệ án treo đối với án liên quan đến tham nhũng so với các loại án khác có sự chênh lệch khá lớn, gần 31% so với bình quân chỉ 21%.

Trong nhiều nguyên nhân sâu xa dẫn tới sự hoành hành của tệ nạn và tội phạm tham nhũng là thiếu nghiêm minh, chưa công bằng trong xử lý hành vi tham nhũng. Năm 2013, án tham nhũng tăng 11 vụ nhưng lại có tới 19 vụ, 30 bị can được đình chỉ điều tra. Con số ấy nói lên nhiều điều. 

Việc xử nhẹ tội phạm tham nhũng đã và đang làm giảm lòng tin của người dân vào quyết tâm phòng chống tham nhũng. Họ không thể tin khi thấy có những vụ gây thiệt hại hàng tỷ đồng của Nhà nước, nhân dân thì “xử lý nội bộ”, không truy cứu trách nhiệm hình sự; trong khi những vụ tính chất, mức độ nhỏ hơn nhiều lại đưa ra để “xử lý nghiêm khắc”. Rõ ràng, để tạo được lòng tin, để pháp luật được thực thi nghiêm túc, phải được chứng minh bằng chính hành vi ứng xử đúng đắn, ngay thẳng của những người đước giao trách nhiệm, của cơ quan bảo vệ pháp luật.

Mới đây, Tòa án nhân dân Tối cao đã có Nghị quyết hướng dẫn thực hiện Điều 60 Bộ luật Tố tụng Hình sự về áp dụng án treo. Theo đó, từ ngày 15-12-2013, các tòa án sẽ không được xử phạt tù nhưng cho hưởng án treo đối với các tội phạm mà dư luận xã hội lên án, đặc biệt là các tội phạm về chức vụ. Các điều kiện để xử án treo cũng được “siết” chặt hơn và các đối tượng được xét hưởng án treo cũng phải thỏa mãn nhiều điều kiện. Đây là một động thái tích cực của ngành Tòa án để phục vụ đắc lực cho công cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung và phòng, chống tham nhũng nói riêng. 

Số tài sản thu hồi được sau mỗi vụ án tham nhũng chỉ chiếm không quá 10% tài sản bị thất thoát đặt ra vấn đề cần minh bạch trong quản lý tài sản công, kiểm soát thu nhập, kê khai tài sản của những người có chức, có quyền. Cùng với đó là cần có những quy định phong tỏa tài sản của người có hành vi tham nhũng và những người có liên quan ngay từ khi hành vi tham nhũng bị phát hiện,  khởi tố vụ án, khởi tố bị can.