Xử lý xâm hại tình dục trẻ em - cần lấp lỗ hổng pháp lý

ANTD.VN - Thời gian qua, tại các địa phương đã liên tiếp xảy ra các vụ xâm hại tình dục trẻ em. Mặc dù những hành vi đồi bại, bỉ ổi này gây ra nhiều hậu quả nặng nề, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển về thể chất và tinh thần của nạn nhân - những đứa trẻ ngây thơ non nớt - song, không ít đối tượng thực hiện hành vi vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật bởi nhiều nguyên do...

Những vụ việc đau lòng

Đầu tháng 4-2019, mạng xã hội dậy sóng khi xuất hiện đoạn clip một bé gái tại chung cư Galaxy, quận 4, TP. HCM bị một người đàn ông sàm sỡ trong thang máy. Hình ảnh trong clip cho thấy, ngay khi cửa thang máy vừa đóng, người đàn ông lập tức tiến lại gần ôm hôn bé gái, động chạm ở những điểm nhạy cảm của nạn nhân. 

Theo kết quả xác minh của cơ quan công an, đối tượng sàm sỡ bé gái nói trên là ông Nguyễn Hữu Linh - nguyên Phó Viện trưởng Viện KSND TP Đà Nẵng. Sau đó, bị can Nguyễn Hữu Linh đã bị truy tố theo Điều 146 BLHS 2015 về tội Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi. Hiện vụ án đang được TAND quận 4 thụ lý và chuẩn bị đưa ra xét xử.

Trước đó, tại phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội, một bé gái 8 tuổi đã bị đối tượng Cao Mạnh Hùng (SN 1983, quê Thái Bình) dụ dỗ và bế vào sân trong một ngách nhỏ ở phố Tân Mai (quận Hoàng Mai) để giở trò đồi bại. Sau khi điều tra, xác minh CATP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội Dâm ô đối với trẻ em. Tại phiên xét xử sơ thẩm, TAND TP Hà Nội đã tuyên phạt bị cáo Cao Mạnh Hùng 2 năm tù giam với hành vi trên.

Xử lý xâm hại tình dục trẻ em - cần lấp lỗ hổng pháp lý ảnh 2Lực lượng công an hướng dẫn trẻ em các biện pháp phòng vệ khi bị xâm hại tình dục

Hầu hết những vụ xâm hại tình dục trẻ em diễn ra ở chỗ kín đáo, nơi hẻo lánh, vào buổi tối hoặc trưa vắng, không có người làm chứng. Trong khi đó, nếu chỉ căn cứ vào lời khai của bị hại và bị cáo để xét xử thì ranh giới giữa phạm tội và không phạm tội rất mong manh. 

Thượng tá Nguyễn Xuân Hùng, nguyên Điều tra viên cao cấp - CATP Hà Nội

Còn tại TP Vũng Tàu, chị Trần Thị T.T (ở chung cư Lakeside, phường Nguyễn An Ninh) đã tố cáo ông Nguyễn Khắc Thủy (76 tuổi, ở cùng chung cư) có hành vi dâm ô con gái 6 tuổi của mình. Liên quan đến vụ việc này, CATP Vũng Tàu đã ra quyết định khởi tố vụ án Dâm ô với trẻ em xảy ra tại chung cư Lakeside. Trải qua các cấp xét xử, Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại TP.HCM chấp nhận kháng nghị Giám đốc thẩm của Chánh án TAND cấp cao tại TP.HCM, hủy bản án 18 tháng tù treo của TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, giữ nguyên bản án 3 năm tù giam đối với bị cáo Nguyễn Khắc Thủy về tội Dâm ô đối với trẻ em.

Tương tự, giữa năm 2017, TAND huyện Phước Long, Bạc Liêu đã xét xử công khai vụ án hình sự sơ thẩm và tuyên phạt bị cáo Nguyễn Văn Toàn (SN 1970, nguyên Hiệu trưởng Trường Tiểu học C xã Vĩnh Phú Đông, huyện Phước Long) 2 năm tù về tội Dâm ô đối với trẻ em. Đối tượng này đã có hành vi dùng tay sờ mó những vùng nhạy cảm trên cơ thể của nhiều em học sinh, bị phụ huynh của các em phát hiện và tố cáo đến cơ quan chức năng.

Xử lý xâm hại tình dục trẻ em - cần lấp lỗ hổng pháp lý ảnh 3Hình ảnh người đàn ông có hành vi sàm sỡ, quấy rối bé gái trong thang máy ở TP.HCM tháng 4-2019 khiến dư luận dậy sóng

Vì sao khó xử lý?

Đáng buồn, số các vụ việc xâm hại tình dục trẻ em bị đưa ra xét xử còn quá nhỏ. Số liệu thống kê của Bộ  LĐ-TB&XH cho thấy, năm 2018 cả nước xảy ra  trên 1.500 vụ xâm hại trẻ em, song số đối tượng bị xử lý hình sự chỉ đếm trên đầu ngón tay do quy định của pháp luật về vấn đề này còn thiếu, chưa cụ thể.

Đối với các vụ xâm hại tình dục trẻ em, khi xảy ra sự việc, theo quy định hiện hành, cơ quan chức năng yêu cầu phải có chứng cứ vật chất trên thân thể nạn nhân bị xâm hại. Đây là một yêu cầu rất khó thực hiện, bởi hầu hết các vụ dâm ô không để lại dấu vết, gia đình nạn nhân phát hiện, tố cáo muộn nên việc thu thập chứng cứ không đơn giản. Trong khi đó, đối tượng thực hiện hành vi phạm tội rất tinh vi, có hiểu biết pháp luật, dùng mọi thủ đoạn để đối phó hoạt động điều tra, khai báo quanh co thiếu thành khẩn, thường tìm cách xóa dấu vết đồng thời đe dọa, khống chế nạn nhân không được nói ra sự thật.

Về phía bị hại, do còn nhỏ, nhận thức hạn chế, khi bị xâm hại rơi vào tình trạng khủng hoảng tâm lý nặng nề, sợ hãi nên giấu kín chuyện, không trình báo với cơ quan chức năng. Không ít em khi tiếp xúc với điều tra viên không thể nhớ chính xác những vấn đề liên quan như thời gian, địa điểm, diễn biến của vụ việc. Các em cũng chưa nhận thức được đầy đủ về mức độ, hành vi của kẻ phạm tội, khả năng diễn đạt trình bày kém khiến việc thu thập chứng cứ qua lời khai, dấu vết vật chứng gặp nhiều khó khăn. Chưa nói đến việc, trẻ bị xâm hại do quá lo sợ đã nhanh chóng xóa các dấu vết như thay quần áo, tắm rửa - Thượng tá Nguyễn Xuân Hùng, nguyên Điều tra viên cao cấp CATP Hà Nội cho biết.

Xử lý xâm hại tình dục trẻ em - cần lấp lỗ hổng pháp lý ảnh 4Các lớp học hướng dẫn trẻ em kỹ năng phòng vệ khi bị xâm hại tình dục

Cũng theo Thượng tá Nguyễn Xuân Hùng, hầu hết những vụ xâm hại tình dục trẻ em diễn ra ở chỗ kín đáo, nơi hẻo lánh, vào buổi tối hoặc trưa vắng, không có người làm chứng. Trong khi đó, nếu chỉ căn cứ vào lời khai của bị hại và bị cáo để xét xử thì ranh giới giữa phạm tội và không phạm tội rất mong manh. 

Mặt khác, theo Thông tư liên tịch 01/1998 của TAND tối cao, Viện KSND tối cao và Bộ Nội vụ, dâm ô đối với trẻ em là hành vi như sờ, bóp... vào những bộ phận kích thích tình dục của trẻ em hoặc buộc trẻ em phải có hành vi như sờ, bóp... vào những bộ phận kích thích tình dục của người đó hoặc của người khác, nhưng không có việc giao cấu với trẻ em. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại khái niệm trên không còn phù hợp. Do chưa có văn bản hướng dẫn chính thức nên các cơ quan tố tụng ở nhiều nơi áp dụng không thống nhất. Ngoài ra, khi xảy ra hành vi xâm hại tình dục, để có căn cứ khởi tố, truy tố và xét xử, ngoài các nhân chứng, vật chứng có liên quan, kết luận giám định pháp y là một trong những khâu quan trọng để làm căn cứ, xác định đối tượng thực hiện hành vi phạm tội.

Song, theo Điều 22 Luật Giám định Tư pháp, khi phát hiện hành vi xâm hại hoặc dấu hiệu của hành vi bị xâm phạm thì người nhà, người thân của nạn nhân phải tiến hành trình báo sự việc tới cơ quan công an, và trong thời hạn 7 ngày cơ quan công an sẽ ra quyết định có trưng cầu giám định hay không. “Quy định 7 ngày là quá dài, khiến cơ quan công an khó có thể thu thập được các bằng chứng để buộc tội. Có thể nói, những bất cập trong quy trình trưng cầu giám định tình dục là một trong những nguyên nhân dẫn đến khó khăn trong giải quyết án, có thể dẫn đến bỏ lọt tội phạm hoặc xử lý không đúng tội danh” - ông Nguyễn Xuân Hùng nhận định.

Xử lý xâm hại tình dục trẻ em - cần lấp lỗ hổng pháp lý ảnh 5Cảnh sát Cơ động, CATP Hà Nội hướng dẫn em nhỏ trường THCS Thịnh Liệt (quận Hoàng Mai) thực hành kỹ năng phản ứng khi bị xâm hại

Để hạn chế các vụ xâm hại tình dục trẻ em có thể xảy ra tiếp theo, cơ quan chức năng cần sớm sửa đổi, bổ sung các quy định về vấn đề này, đáp ứng yêu cầu đấu tranh với loại tội phạm xâm phạm tình dục trẻ em đang diễn biến ngày càng phức tạp. 

Tăng cường điều tra, xử lý hành vi xâm hại tình dục trẻ em

Đầu tháng 4-2019, Đại tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an đã có văn bản chỉ đạo, yêu cầu công an các đơn vị, địa phương tăng cường hiệu quả công tác phòng ngừa, phát hiện, điều tra, xử lý, giảm tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em..

Theo văn bản này, để tăng cường hiệu quả công tác phòng ngừa, phát hiện, điều tra xử lý, giảm tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em, Bộ Công an yêu cầu công an các đơn vị, địa phương tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương và phối hợp các ngành chức năng thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về phòng chống tội phạm; phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em. Bên cạnh đó, cần triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, thực hiện hướng dẫn công tác phòng ngừa nghiệp vụ, tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo, kiến nghị khởi tố về xâm hại tình dục người dưới 16 tuổi. Công an các đơn vị, địa phương đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả xác minh, điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em. Tiếp nhận kịp thời tin báo, tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố liên quan bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em; khẩn trương xác minh, điều tra, truy tìm, bảo vệ nạn nhân…