Xử lý vi phạm về rượu bia khi lái xe: Tưởng dễ nhưng quá khó!

ANTĐ - Trong thời gian qua, một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng gia tăng các vụ TNGT liên hoàn đó là việc người tham gia giao thông uống bia, rượu khi điều khiển phương tiện. Mặc dù quy định xử phạt đã có từ lâu nhưng để thực hiện, còn quá nhiều cái khó đối với CSGT.
 

Số vi phạm về rượu, bia được CSGT xử phạt còn quá ít

Muôn vàn cách chống đối
11h ngày 18-7, tổ công tác của Đội Tuần tra dẫn đoàn, Phòng CSGT-CATP Hà Nội bắt đầu ca tuần tra của đợt cao điểm xử lý vi phạm liên quan đến rượu, bia. Đại úy Nguyễn Văn Hải-Đội phó Đội Tuần tra dẫn đoàn lý giải: “Lúc nào cũng có thể bắt gặp người dân uống rượu, bia nhưng thời điểm buổi trưa và tối là họ uống “khủng” nhất. Nhiều người sau khi rượu vào lời ra thì tay lái còn loạng choạng và hậu quả sẽ không thể lường trước”. Lo lắng của Đại úy Hải cũng không “thừa” bởi tại ngã tư Trần Hưng Đạo-Lê Thánh Tông, ghi nhận của PV, hàng loạt các quán bia vỉa hè đông nghịt thực khách. Những chiếc xe máy, ô tô đỗ thành hàng dài trên vỉa hè và tràn xuống cả lòng đường. Nhiều thực khách sau cuộc vui, mặt phừng phừng đỏ, loạng choạng nhảy lên xe máy, quên không đội mũ bảo hiểm rồ ga phóng vọt ra khỏi quán.

Cũng tại ngã tư này, sau khi ra hiệu lệnh dừng chiếc xe máy BKS: 29X1-016.05 chở 3 nam thanh niên không đội mũ bảo hiểm, lái xe là Hoàng Văn Thụ (SN 1983), ở Chương Mỹ cùng 2 người bạn ngồi sau khuôn mặt đỏ gay, miệng nồng nặc mùi bia rượu phân trần với CSGT: “Em có uống bia đâu, chỉ 2 cốc thôi mà”. Hai người ngồi sau Thụ miệng nồng nặc hơi men, lè nhè vài câu vô nghĩa rồi lẻn mất. Khi CSGT yêu cầu thổi vào máy đo nồng độ cồn, Thụ lấy nhiều lý do như ống thổi bẩn, không vệ sinh để né tránh. Mặc dù vậy, sau 15 phút kiên quyết, máy đo của CSGT hiển thị nồng độ cồn trong hơi thở của lái xe Thụ đã vượt quá quy định. Còn ở phố Lò Đúc, lái xe Vũ Văn Lâm (SN 1964), ở Thái Bình khuôn mặt đỏ gay điều khiển chiếc xe máy BKS: 29P1-1022 chở đằng sau một thanh niên mặt đỏ cũng không kém, phi ầm ầm trên đường. Khi CSGT yêu cầu dừng xe để kiểm tra, lái xe Thụ lý giải giờ nghỉ trưa nên cả hai... tranh thủ làm vài chai bia cho mát.

Trung úy Lã Mạnh Điển-Đội Tuần tra dẫn đoàn cho biết, như 2 trường hợp trên chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong tổng số hàng nghìn trường hợp vi phạm trong một… bữa cơm trưa. Dù độ tuổi, thành phần có khác nhau nhưng tất cả họ đều điều khiển phương tiện trong tình trạng nồng độ cồn trong máu, hơi thở vượt quá ngưỡng quy định rất nhiều lần. Tuy nhiên, theo Trung tá Đặng Hoàng Tân - tổ trưởng tổ công tác thông tin, để kiểm tra được một trường hợp, CSGT gặp phải vô vàn khó khăn, phổ biến nhất là sự chống đối không chấp hành từ những lý do như sợ mất vệ sinh hoặc có trường hợp còn viện dẫn lý do bị dị ứng... máy đo nồng độ cồn rồi bỏ đi. Mặc dù CSGT đã phân tích thậm chí là thổi thử nhưng họ vẫn cố tình không chấp hành. Nhiều người khi CSGT đưa cho ngậm ống thổi còn “giả vờ” say để ngậm sai vị trí hoặc ngậm vào miệng nhưng nín thở không... thổi.

Chế tài không thay thế được ý thức

Trung tá Đinh Thanh Thảo-Đội trưởng Đội Khám nghiệm Phòng CSGT khẳng định: “Thực tế, khi “ma men” dẫn lối đưa đường, nhiều vụ TNGT đã xảy ra và hậu quả để lại vô cùng thảm khốc. Tìm hiểu nguyên nhân dẫn tới những vụ TNGT liên hoàn xảy ra vào ban đêm trong thời gian qua, chúng tôi thấy trước khi gây tai nạn, hầu hết người điều khiển phương tiện đều uống rượu, bia, điều khiển xe trong tỉnh trạng say”. Để kiềm chế TNGT xuất phát từ nguyên nhân này, trong Nghị định 34 của Chính phủ đã quy định rất rõ mức xử phạt đối với từng đối tượng, hành vi điều khiển phương tiện vi phạm. Đáng nói, mức xử phạt đối với vi phạm này là khá cao nhưng hầu như chẳng ai... biết sợ. Trao đổi với PV, đại diện Phòng CSGT đường bộ-đường sắt CATP Hà Nội thừa nhận, trong thời gian qua dù đã tích cực tăng cường xử lý nhưng con số vi phạm bị xử phạt cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Đi tìm nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên, đại diện Phòng CSGT cũng lý giải, lâu nay, thói quen uống bia, rượu của người dân đã trở thành một “dịch bệnh” dường như khó có thuốc chữa. Uống rượu, bia và điều khiển phương tiện vẫn được những người này coi là việc cá nhân, người khác hay CSGT không có quyền can thiệp. Đáng nói, vi phạm này có thể bắt gặp ở tất cả thành phần và đông nhất vẫn là bộ phận công chức. Khi CSGT kiểm tra thì họ trốn quanh thậm chí là gọi điện thoại nhờ can thiệp, lăng mạ, chống đối.

Nghị định 34 quy định: Khoản 5-Điều 8: Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi điều khiển xe ô tô trên đường mà trong hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 0,25miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở. (Áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe 30 ngày).

Khoản 6 - Điều 8: Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với hành vi điều khiển xe ô tô trên đường mà trong hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức 0,4 miligam/1 lít khí thở. (Áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe 60 ngày).

Khoản 4 - Điều 9: Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với hành vi điều khiển xe mô tô trên đường mà hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở.

Khoản 5 - Điều 9: Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi điều khiển xe mô tô trên đường mà trong hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở. (Áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe 30 ngày).