Xử lý "rắn" với đối tượng vi phạm cố tình chống đối

ANTĐ - “Vì sao tội phạm cướp giật ở Hà Nội giảm?” – câu hỏi được đông đảo nhân dân trả lời: Nhờ sự nỗ lực của CATP Hà Nội – hạt nhân là lực lượng 141.

“Qủa đấm thép” của Công an Hà Nội

“Câu trả lời chỉ có 1 con số thôi: "141"!”, bạn đọc Trần Sơn khẳng định ngắn gọn khi đọc bài viết “Vì sao tội phạm cướp giật ở Hà Nội giảm?”

“Qua Báo ANTĐ, tôi muốn gửi lời cảm ơn CATP Hà Nội, nhất là lực lượng 141, nhờ các anh mà người dân chúng tôi yên tâm hơn mỗi khi ra đường”, bạn đọc Hoàng Yến. “Cảm ơn các anh trong tổ công tác 141. Nhờ các anh mà người dân chúng tôi ra đường thấy yên tâm hơn. Mong rằng Hà Nội có thêm nhiều tổ công tác 141 hơn, nhất là ở các khu vực ngoại thành”, một bạn đọc ký tên Caohoc17 đồng tình viết.

Hoạt động của lực lượng 141 đã góp phần mang lại bình yên cho Thủ đô

Bạn đọc ký tên Hoa Anh Đào bày tỏ: “141 là “quả đấm thép” của CATP Hà Nội, công của các anh rất lớn. Để có sự bình yên của Thủ đô, các anh đã phải đổ cả máu của mình. Nhân dân thủ đô cảm ơn các anh rất nhiều, hy vọng các anh tiếp tục truy quét tội phạm để cho thủ đô được yên vui và thanh bình”.

“Ai ra đường cũng phải công nhận một điều rõ ràng, hoạt động của 141 Hà Nội ngày càng được nâng cao. Tại nhiều chốt, các chiến sĩ công an đã xử lý được nhiều thanh niên vi phạm giao thông, làm đường phố thêm yên bình. Nạn đua xe cũng giảm đi trông thấy... ”, bạn đọc Trường Minh khẳng định.

Trong khi đó, bạn đọc Đỗ Nhật Ánh nhìn nhận: “Tôi thấy lực lượng 141 hoạt động rất tích cực và hiệu quả, đặc biệt là thời gian gần đây. Nhờ có các anh mà đường phố yên bình hẳn, còn rất ít các thanh niên đánh võng, lượn lờ, gây nguy hiểm cho tính mạng người đi đường. Cảm ơn các anh nói riêng và lực lượng CATP nói chung”.

“Ngày trước, mỗi lần ở Lạng Sơn về Hà Nội, tôi thấy rất khó chịu với những thanh niên tóc xanh tóc đỏ, rồi những tay anh chị xăm trổ đầy người nghênh ngang đi ngoài đường, sẵn sàng gây gổ đánh nhau, nếu một ai đó có nhỡ va quệt hoặc vô tình quay sang nhìn. 1 năm trở lại đây, tình trạng này đã giảm hẳn nhờ sự quyết liệt của lực lượng công an mà tiêu biểu là lực lượng 141. Tôi rất hoan nghênh và mong các anh hãy nỗ lực hơn nữa để mang đến sự bình yên cho Thủ đô”, bạn đọc Nguyễn Thanh Sơn đồng quan điểm khi đánh giá về lực lượng 141 – CATP Hà Nội.

“Hôm trước tôi đọc báo thấy TPHCM tặng 5 triệu cho người dân bắt cướp. Thiết nghĩ, điều đó là không cần thiết, chúng tôi bắt cướp là để bảo vệ bản thân và những người thân của chúng tôi. Điều người dân chúng tôi cần là lực lượng công an phải có biện pháp trấn áp tội phạm quyết liệt hơn để người dân an tâm mỗi khi ra đường”, bạn đọc Phan Hòa (TPHCM) nêu quan điểm.

“Hoan nghênh lực lượng 141 CATP Hà Nội. Hải Phòng quê tôi cũng rất cần có lực lượng này để người dân chúng tôi bình yên hơn. Người dân chúng tôi mong chờ các ngành chức năng và nhất là CATP Hải Phòng sớm thành lập một lực lượng hiệu quả như thế”, bạn đọc Dương Thị Nhu bày tỏ.

“Với tôi thì mô hình nào cũng được, miễn sao lực lượng chức năng làm hết mình để đem lại bình yên cho người dân. Mô hình 141 đến nay đã khẳng định rõ ràng về tính hiệu quả rồi. Nhưng điều quan trọng nữa là cần duy trì thường xuyên hoạt động của các tổ công tác này, có như thế lâu dần mới tạo nên ý thức chấp hành pháp luật. Như nước Nhật, để xây dựng ý thức ko vứt rác ra đường, họ cần tới 15 năm liên tục tuyên truyền, giáo dục, xử lý. Nếu chúng ta cứ làm theo kiểu "ra quân" nhân dịp nào đó, rồi lại thôi, "đánh trống bó dùi" thì mọi thứ đâu lại vào đấy”, bạn đọc Minh Trí nhấn mạnh.

CSGT cần quyết liệt như 141

“141 làm rất tốt, trong khi công an giao thông làm chưa hết chức năng. Nếu công an giao thông cũng làm quyết liệt như 141 thì tình trạng ùn tắc sẽ giảm 50% trong nội thành. Ví dụ như điểm bến xe Lương Yên, tình trạng ùn tắc tại điểm này vào giờ cao điểm xảy ra thường xuyên, lý do ùn tắc là do xe khách khi ra khỏi bến đi với tốc độ 5km/h để đón thêm khách, nhưng tôi thấy cảnh sát giao thông đứng đó hàng ngày mà chưa có biện pháp xử lý triệt để”, bạn đọc Nguyen Viet Cuong thẳng thắn.

Trong thời điểm Giám đốc CATP Hà Nội Nguyễn Đức Chung liên tiếp có những chỉ đạo quyết liệt nhằm “luyện tác phong, rèn thái độ cho CSGT”, trên diễn đàn “Nếu bạn là… Cảnh sát giao thông?”, nhiều bạn đọc đã thẳng thắn bày tỏ quan điểm, góp ý, cũng như chia sẻ, động viên lực lượng CSGT hoàn thành tốt nhiệm vụ.

“CSGT vất vả, khó nhọc ai cũng biết. Đó là 1 nghề mà, người nông dân cũng vất vả và mệt nhọc đó thôi. Nhưng khi Việt Nam ban hành 1 nghị định hoặc thông tư nào đó, tại sao CSGT không hướng dẫn và chặn ngay từ đầu mà cứ để cho người dân thực hiện một thời gian thành thói quen rồi mới xử lý. Ví dụ buổi tối hôm trước thì tấm biển "đèn đỏ được rẽ phải..." mọi người vẫn tham gia. Sáng hôm sau tự nhiên tấm biển đó biến mất thay vào đó là mấy anh CSGT đứng đó và... phạt. Thế liệu có công bằng không?”, bạn đọc Hải Yến thẳng thắn đặt vấn đề.

“Có một điều khá lạ trong các biện pháp chống tiêu cực của ngành CSGT lại không thấy đưa ra phương pháp xử lý khi phát sinh hành vi vi phạm giao thông. Một số nước người ta đã thực hiện là viết lập biên bản vi phạm có chữ xác nhận của người vi phạm. Sau đó gửi quyết định về địa chỉ liên hệ của người vi phạm người để người ta có trách nhiệm nộp phạt tại kho bạc hay ngân hàng (nếu không có khiếu nại). Sau khi ký biên bản vi phạm, người vi phạm vẫn có thể tham gia giao thông nếu lỗi đó chưa đến mức tạm giữ phương tiện”, bạn đọc Hoang Nguyen đề xuất.

“Tôi thấy CSGT là những người rất vất vả và là những người tiếp xúc với nhân dân nhiều nhất nên 1 trong số đó không thể tránh khỏi những tiêu cực, đừng đánh giá trên 1 góc nhìn hạn chế, dù là nhiệm vụ bắt buộc họ phải đi bất kể thời tiết ra sao thì họ vẫn là những người tích cực mang bình yên trên mỗi nẻo đường và cuộc sống”, bạn đọc Đỗ Cao Thiệu.

“Nông dân làm việc trên đồng vất vả - đúng! CSGT dãi nắng, dầm mưa trên đường vất vả - đúng! Cán bộ văn phòng ngồi phòng điều hòa mát lạnh mùa hè, ấm áp mùa đông thì không sao. Nhưng CSGT đeo kính đen thì không được, khát nước mà ngồi quán uống cũng không xong? Tiếng Anh có một câu rất hay: When things go wrong, it's easy to blame others. Tạm dịch: "Khi mọi việc không như ý, rất dễ dàng để đổ lỗi cho người khác". Mọi người cùng suy nghĩ”, bạn đọc Hoàng Vũ nhận xét, đề nghị.

“Nghề nào cũng có người thế này, người thế kia. Tôi thấy mọi người chỉ chuyên chỉ trích người khác. Nếu mình không sai phạm thì đố ông CSGT nào bắt được. Chung quy là tại mình sai trước nên mới bị bắt. Bị bắt rồi thì chịu phạt đi cho nhớ, nhưng không, đa phần là xin xỏ để thoát tội hoặc giảm tội. Mà thoát rồi thì lên mặt, lần sau lại vi phạm tiếp. Với mình thì CSGT đứng "núp" hay đứng giữa đường cũng thế thôi, chả sao cả. Còn cứ có CSGT thì đi đúng, không có là vi phạm thì phải "núp" mà bắt thôi. Nếu ngã ba, ngã tư nào cũng có CSGT đứng lù lù ra đó thì mọi người mới đi đúng thì bao nhiêu CSGT cho đủ? Sao không chấp hành đi? Mình sống ở HN 20 năm, chưa bao giờ bị CSGT tuýt còi cả!”, bạn đọc Minh Phương.

“Ai sai thì xử! Người tham gia giao thông sai phì CSGT xử lý, còn CSGT sai cũng bị xử lý. Thực tế đã có những CSGT bị xử lý vì vi phạm. Ngành thuế, hải quan, quản lý thị trường, rồi nhà đất, tài nguyên, ngân hàng... cũng thế thôi. Thôi thì ai làm người đó chịu. Nhìn cuộc sống hiện tại, biết quá khứ anh sống thế nào. Nhìn hiện tại anh sống thế nào, biết kiếp vị lai anh sẽ đi về đâu. Nhân quả là thế. Hãy tự mình sống tốt thôi!”, bạn đọc ký tên Hoa Ngọc Lan triết lý.

Bạn đọc Ha Khue Dung khẳng định: “Tôi là người dân ở quê lên Hà Nội sinh sống và công tác được 12 năm. Quả thật là tôi cũng chưa lần nào bị CSGT bắt vì đơn giản thôi, tôi chưa khi nào vi phạm luật. Tất cả chúng ta sinh sống và làm việc trên mọi miền đất nước, ai cũng có văn hóa dù thấp, dù cao, hãy biết sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật. Có đôi khi tôi nghĩ hình phạt dành cho hành vi vi phạm giao thông còn quá thấp không đủ tính răn đe nên mọi người mới vi phạm nhiều như vậy”.

“Tôi là 1 thanh niên tình nguyện trực an toàn giao thông, nên tôi cảm thấy đồng cảm với các anh CSGT. Trời nắng hay trời mưa vẫn phải đứng. Nhiều lúc có những người đi qua chửi bới, không chấp hành luật, nên cảm thấy rất ức chế. 
Còn các bạn nói là tiền lương của CSGT cao thì xin các bạn hãy lấy dẫn chứng. Có rất nhiều bài báo đã nói đến những chiến sỹ CSGT, sáng mặc quần áo CSGT, tối đi làm xe ôm. Nếu các bạn chấp hành luật khi tham gia giao thông, thì không ai có thể bắt bạn cả”, một bạn đọc ký tên Shaker chia sẻ.

Đồng tình là “CSGT rất vất vả, nhân dân cả nước ghi nhận, các anh hãy phát huy”, bạn đọc Nguyễn Nhật Hoàng đề nghị: “Để nhân dân mến phục, CSGT hãy xử lý mạnh tay quyết liệt vào các đối tượng cố tình vi phạm giao thông nghêng ngang chống đối và hãy nhẹ tay với những người vô tình không cố ý, nhất là đối với bà con cô bác ở tỉnh xa về Hà Nội ngáo ngơ không biết đường. Xin cảm ơn!”

“Cảm ơn CATP Hà Nội. Tôi thấy yên tâm hơn rất nhiều khi chứng kiến hoạt động tích cực của các chiến sĩ công an. Bất kể mưa nắng, bụi bẩn, đêm tối, các anh vẫn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ. Chúng tôi đi lại bình thường đã thấy khổ huống chi các anh luôn thường trực ngày đêm! Chưa kể phải đối mặt với những tên cướp lộng hành, chống người thi hành công vụ. Một lần nữa, cám ơn sự hiện diện của các anh!” – bạn đọc Phạm Quang chân thành.