Xử lý ra sao đối với 20 giáo viên, cán bộ sử dụng bằng giả?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Mới đây, Phòng An ninh chính trị nội bộ - Công an tỉnh Đắk Lắk vừa phát hiện 20 trường hợp giáo viên, cán bộ tại huyện Cư Kuin sử dụng bằng THPT giả và bằng tốt nghiệp cao đẳng, đại học không hợp lệ.

20 trường hợp này đã mua các bằng THPT giả rồi nộp để theo học các trường cao đẳng, đại học. Sau đó, những cán bộ này nộp bằng vào các cơ quan, trường học để xin đi làm.

Sau khi bị phát hiện, những trường hợp này đã thừa nhận việc sử dụng bằng giả với mục đích nhằm kiếm được công việc ổn định.

Đáng buồn, sự việc trên không phải hi hữu. Thời gian qua, tình trạng sử dụng bằng cấp, chứng chỉ giả để xin việc, thăng tiến diễn ra khá khổ biến. Cách đây không lâu, Huyện ủy huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai cũng đã phát hiện 9 cán bộ cấp xã sử dụng bằng tốt nghiệp Trung học phổ thông không hợp pháp.

Về chế tài xử lý đối với những người sử dụng bằng giả, Luật sư Lê Hồng Vân – Đoàn Luật sư Hà Nội phân tích, hành vi sử dụng bằng, chứng chỉ giả là vi phạm pháp luật, vi phạm quy chế tuyển dụng tại các cơ quan, tổ chức.

Nó cũng cho thấy người sử dụng không đủ tiêu chuẩn, điều kiện để tuyển dụng vào những vị trí ứng tuyển nêu phải tìm mọi cách để “hợp lý hóa” hồ sơ.

Nhiều giáo viên, cán bộ ở Đắk Lắk bị phát hiện sử dụng bằng giả

Nhiều giáo viên, cán bộ ở Đắk Lắk bị phát hiện sử dụng bằng giả

Việc xử lý cán bộ, công chức, viên chức sẽ được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 112/2020/NĐ-CP về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức. Trường hợp cơ quan chức năng có căn cứ xác định công chức đã sử dụng văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận, xác nhận giả hoặc không hợp pháp để được tuyển dụng vào cơ quan, tổ chức, đơn vị thì sẽ bị áp dụng hình thức kỷ luật cao nhất là buộc thôi việc.

Về xử lý hành chính, theo Điều 16 Nghị định 138/2013/NĐ-CP quy định mức xử phạt hành chính đối với người vi phạm quy định về sử dụng và công khai thông tin cấp văn bản, chứng chỉ, người có hành vi mua bán, sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả sẽ bị phạt tiền từ 10-20 triệu đồng.

Cá nhân có hành vi sử dụng văn bằng, chứng chỉ của người khác hoặc sử dụng văn bằng chứng chỉ bị tẩy, xóa, sửa chữa sẽ bị phạt từ 2-8 triệu đồng.

Nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, đối tượng liên quan có thể bị xử lý hình sự về Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức theo Điều 341 BLHS 2015.

Theo đó, người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30-100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 2 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều này thì bị phạt tù từ 2-5 năm.

Phạm tội làm 6 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên; Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng hoặc thu lợi bất chính 50 triệu đồng trở lên thì bị phạt tù từ 3-7 năm.

“Có thể nói, việc sử dụng bằng, chứng chỉ giả ảnh hưởng xấu đến chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là những người không đủ trình độ phẩm chất đạo đức mà lại làm giả bằng cấp để được bổ nhiệm, tuyển dụng, đề bạt vào chức vụ lãnh đạo, làm giảm uy tín của cơ quan Nhà nước. Do đó, với những cán bộ, công chức không đủ năng lực có hành vi gian dối giả mạo về trình độ cần áp dụng hình thức kỷ luật cao nhất là buộc thôi việc đồng thời xem xét xử lý hình sự để làm gương”, Luật sư Lê Hồng Vân đề xuất.