Xử lý nợ xấu

ANTĐ - Theo công bố của Ngân hàng Nhà nước cũng như giải trình trước Quốc hội của Thống đốc Ngân hàng, số nợ xấu trong hệ thống Ngân hàng ước khoảng 8,6-10% trên tổng dư nợ (khoảng 2,5 - 2,8 triệu tỷ đồng). Tuy vậy, các đại biểu Quốc hội và người dân vẫn cần những số liệu cụ thể hơn về “sức khỏe” của các tổ chức tín dụng, yếu đến mức độ nào, cần “thuốc bổ” hay “thuốc cấp cứu”. Đó là ý kiến của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.

Trên thực tế, vấn đề xử lý nợ xấu đã được đưa ra từ cuối quý I-2012, chứ không đợi đến kỳ họp Quốc hội lần này. Các phương án xử lý nợ xấu đã được bàn nhiều, đặc biệt là phương án thành lập Công ty mua bán nợ xấu quốc gia, nhưng đến nay, quá trình xử lý vẫn diễn ra chậm chạp, chưa có động thái nào cho thấy các giải pháp được triển khai. Sự chậm trễ đã và đang để lại những hậu quả xấu cho hoạt động của ngân hàng và doanh nghiệp. Nếu xử lý chậm ngày nào thì cả ngân hàng và doanh nghiệp sẽ chồng chất thêm khó khăn ngày ấy.

Mặc dù nhiều khoản nợ không quá xấu bởi các khoản nợ có tài sản đảm bảo chiếm 84%, nhiều khoản được trích lập quỹ dự phòng, tức là nợ không sinh lời và có cơ sở để xử lý. Song, nợ xấu đã trở thành điểm nghẽn của nền kinh tế, nhất là phần lớn tài sản thế chấp nằm trong bất động sản đang “đóng băng” rất khó phá. Một chuyên gia tài chính nhận định, nếu nợ xấu tiếp tục ở mức cao sẽ khiến doanh nghiệp càng khó khăn khi tiếp cận vốn, còn ngân hàng thì càng bị “ăn mòn” vào lợi nhuận. Điều này đã thấy rất rõ khi nhiều ngân hàng công bố lợi nhuận giảm mạnh trong quý III này.

Để phá vỡ “cục máu đông” nợ xấu, Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong tháng 11 này sẽ trình Chính phủ đề án thành lập Công ty mua bán nợ xấu quốc gia. Tuy nhiên, một số ủy viên Ủy ban Kinh tế, Tài chính - Ngân sách, Tư pháp của Quốc hội lại cho rằng, Chính phủ cần phân tích, làm rõ về bản chất và những nguyên nhân chủ quan dẫn đến nợ xấu. Phải chăng cơ chế giám sát của ngành ngân hàng còn lỏng lẻo,  tinh thần trách nhiệm của lãnh đạo, nhân viên ngân hàng còn hạn chế, một số đối tượng còn vi phạm luật?

Chưa đồng tình với giải thích của Thống đốc, ý kiến của một số ủy viên của Ủy ban này nhấn mạnh, để xảy ra nợ xấu, trước hết trách nhiệm chính trong việc thu hồi nợ là chủ nợ (ngân hàng thương mại), trong đó Ngân hàng Nhà nước có vị trí quan trọng và con nợ (doanh nghiệp) vay vốn. Một ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách chỉ rõ, do những nguyên nhân chủ quan dẫn đến nợ xấu chưa được làm rõ nên chưa đề ra được những giải pháp xử lý phù hợp như cơ cấu lại nợ xấu, xử lý nợ giữa doanh nghiệp với ngân hàng. Trong khi nợ xấu ngày càng tăng cao, nói cách khác là hiệu quả của hệ thống ngân hàng thấp, nhưng lương và thưởng của ngành ngân hàng không thể nói là thấp so với mặt bằng chung của xã hội.

Khi thẩm tra về vấn đề nợ xấu, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước cần xác định chính xác, minh bạch quy mô nợ xấu. Trách nhiệm trước tiên trong xử lý nợ xấu phải là Ngân hàng Nhà nước. Chánh văn phòng Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng khẳng định rằng, ngân hàng phải trả giá vì nợ xấu và phải trích lập thêm dự phòng rủi ro.