Xử lý nghiêm, vi phạm giảm đáng kể

ANTD.VN - Ngày 22-11, trao đổi với phóng viên Báo An ninh Thủ đô xung quanh công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Trọng Đông, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết:

- Trong những năm vừa qua, Sở Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì, phối hợp với Ban quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội, CATP Hà Nội, UBND các quận, huyện, thị xã thành lập các Đoàn thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về tài nguyên nước và bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn Hà Nội. 

Có thể nhận định, tới nay, các vi phạm về bảo vệ môi trường đều được xử lý nghiêm khắc, đúng quy định, không có chuyện nương nhẹ hay “vùng cấm”. Nhờ đó, ý thức của người dân, doanh nghiệp trong công tác bảo vệ môi trường từng bước được nâng cao, giảm đáng kể hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.

- PV: Nguồn thông tin từ cơ quan báo chí, phản ánh của người dân về vi phạm môi trường có được Sở quan tâm, xử lý, thưa ông?

- Ông Nguyễn Trọng Đông - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội: Căn cứ vào các kiến nghị của cử tri, nhân dân; ý kiến chỉ đạo của UBND TP, phản ánh của báo chí, kiến nghị của UBND quận, huyện, thị xã và đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân về việc giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các đơn vị liên quan thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường và quản lý tài nguyên nước tại 55 đơn vị.

Có thể nói, thông tin, phản ánh từ báo chí, người dân là kênh quan trọng để cơ quan bảo vệ môi trường làm tốt hơn nhiệm vụ của mình. Chúng tôi luôn định hướng công tác thanh tra, kiểm tra cần tập trung vào các điểm nóng, các vấn đề dư luận bức xúc để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý các sai phạm, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.

- Qua công tác thanh tra, kiểm tra, ông đánh giá thế nào về ý thức chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường của doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh trên địa bàn?

- Việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường và tài nguyên nước của các tổ chức, đơn vị đã có chuyển biến tích cực so với các năm trước đây. Cùng với việc phát hiện và xử lý vi phạm, các đoàn thanh tra, kiểm tra còn tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các đơn vị thực hiện các quy định của pháp luật. Nhiều đơn vị sau khi được đoàn thanh tra, kiểm tra hướng dẫn, nhắc nhở đã khắc phục, hoàn thiện các thủ tục pháp lý về bảo vệ môi trường và quản lý tài nguyên nước theo quy định. 

Tuy nhiên, việc chấp hành các yêu cầu, cam kết theo nội dung được phê duyệt (quan trắc định kỳ, báo cáo tình hình phát sinh, quản lý chất thải nguy hại tới cơ quan quản lý, kê khai lưu giữ chứng từ vận chuyển, thực hiện nộp nghĩa vụ tài chính về phí nước thải công nghiệp…) vẫn chưa được đầy đủ và nghiêm túc.

Thực tế vẫn còn một số đơn vị có loại hình sản xuất, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm cao (sản xuất vật liệu xây dựng, mạ kim loại, bệnh viện, vận chuyển và xử lý chất thải sinh hoạt, chất thải nguy hại) chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường theo kiểu đối phó, thậm chí không cử lãnh đạo đại diện có thẩm quyền làm việc với đoàn thanh tra, kiểm tra, cố tình không cung cấp đầy đủ hồ sơ  liên quan...

- Nhiều quận, huyện phản ánh lực lượng cán bộ làm công tác thanh tra, kiểm tra môi trường còn thiếu và yếu, rất khó kiểm soát chặt chẽ địa bàn? 

- Đúng là lực lượng làm công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành hiện còn thiếu so với khối lượng công việc cần phải xử lý. Cán bộ phụ trách môi trường tại một số quận, huyện còn mỏng nên công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường và quản lý tài nguyên nước chưa đạt hiệu quả và đồng bộ.

Kinh phí ngân sách Nhà nước phân bổ cho công tác này hàng năm còn thấp. Vì vậy, việc lấy mẫu chất thải tại các đơn vị còn hạn chế, chỉ thực hiện tại một số cơ sở đại diện, không đánh giá được hết thực trạng gây ô nhiễm môi trường của các cơ sở sản xuất, kinh doanh. 

- Là cơ quan nòng cốt trong lực lượng bảo vệ môi trường của thành phố, Sở có kiến nghị gì để công tác thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực này đạt hiệu quả cao hơn?

- Trước hết, cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế để tạo  hành lang pháp lý cho hoạt động đôn đốc, xử lý sau thanh tra, kiểm tra được thuận lợi hơn; xây dựng quy định về cưỡng chế trong xử lý sau thanh tra, kiểm tra; xây dựng hệ thống mạng thông tin quản lý thanh tra, kiểm tra, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra, kiểm tra. Đồng thời, cần kiện toàn hoạt động của bộ phận xử lý sau thanh tra, kiểm tra từ Trung ương đến địa phương. 

Chúng tôi cũng đề nghị thành phố xem xét bổ sung biên chế cho lực lượng thanh tra, kiểm tra để đảm bảo việc thực thi các nhiệm vụ được giao. Cùng đó, cần xem xét việc đầu tư hiện đại hóa trang thiết bị, cơ sở vật chất cho hoạt động thanh tra, kiểm tra. 

Đặc biệt, UBND các quận, huyện, thị xã; phường, xã, thị trấn cũng phải vào cuộc quyết liệt hơn; chủ động rà soát, thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra trên địa bàn; đôn đốc, kiểm tra, giám sát các đơn vị thực hiện Kết luận thanh tra, kiểm tra, chỉ đạo sau thanh tra của UBND TP. Nếu đơn vị nào không thực hiện thì UBND các quận, huyện, thị xã phải có văn bản báo cáo để UBND TP chỉ đạo xử lý theo quy định.

- Xin cảm ơn ông!

Tin cùng chuyên mục