Xử lý nghiêm tội phạm tham nhũng, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng (Bài 2): Điểm tên những vụ án “nhuốm màu” lợi ích nhóm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trong những năm gần đây, với quyết tâm chính trị, các cơ quan tố tụng đã liên tục điều tra, truy tố và xét xử hàng loạt vụ án tham nhũng lớn, gây sự chú ý đặc biệt của dư luận quần chúng nhân dân.
Cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son bị di lý tới phiên tòa trong vụ án MobiFone

Cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son bị di lý tới phiên tòa

trong vụ án MobiFone

Biết sai vẫn cố làm

Cuối năm 2017, đầu năm 2018, bị cáo Đinh La Thăng (cựu Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch HĐTV/HĐQT Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam - PVN) và đồng phạm đã liên tiếp bị xét xử về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” trong 2 vụ án gây chấn động dư luận.

Cụ thể, ở vụ án PVN góp 800 tỷ đồng vào Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank), cuối tháng 6-2018, ông Đinh La Thăng bị cấp phúc thẩm bác đơn kháng cáo, đồng thời giữ nguyên mức án 18 năm tù. Liên quan, Ninh Văn Quỳnh (nguyên Kế toán trưởng PVN ) cùng 9 bị cáo khác cũng lần lượt bị áp dụng những mức án nghiêm minh về những tội danh bị đưa ra xét xử. Các cơ quan tố tụng xác định, PVN là Tập đoàn Nhà nước, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và những Nghị định liên quan.

Thủ tướng Chính phủ có quyền yêu cầu PVN báo cáo thường xuyên về hoạt động tài chính. PVN phải tuân theo các quy định tại Luật Doanh nghiệp, chịu sự giám sát của Chính phủ và phải báo cáo tài chính, cung cấp các thông tin cần thiết để đánh giá hoạt động của tập đoàn này. Khi PVN dùng 800 tỷ đồng góp vốn vào OceanBank, đây là hoạt động đầu tư trực tiếp.

Thế nên chỉ có Thủ tướng mới là người có quyền quyết định chủ trương góp vốn vào ngân hàng. HĐQT/HĐTV của PVN không có quyền quyết định chủ trương này. Vì thế, việc ông Đinh La Thăng ký thỏa thuận góp vốn vào ngân hàng với Hà Văn Thắm (Chủ tịch OceanBank) là không đúng thẩm quyền, vượt quá chức năng. Và hậu quả thì như dư luận xã hội đã biết, do OceanBank bị “cụt” vốn và phải bán với giá 0 đồng nên PVN cũng bị mất toàn bộ 800 tỷ đồng.

Trước đó, tháng 1-2018, bị cáo Đinh La Thăng cũng đã bị tòa án cấp sơ thẩm xử phạt 13 năm tù cũng về tội “Cố ý làm trái…” trong vụ án tham ô tài sản xảy ra ở dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2. Hơn 20 bị cáo liên quan, trong đó có Trịnh Xuân Thanh (cựu Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Xây lắp Dầu khí Việt Nam - PVC) cũng bị áp dụng những hình phạt đích đáng. Cơ quan tố tụng xác định, từ năm 2008 đến năm 2012, PVC do Trịnh Xuân Thanh là Chủ tịch HĐQT đang trong giai đoạn mất cân đối tài chính.

Để tạo điều kiện cho PVC, năm 2010, Đinh La Thăng ký văn bản gửi Thủ tướng xin đưa dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 vào danh mục cần được chỉ định thầu. Sau đó, ông Thăng ký Nghị quyết đồng ý giao PVC thực hiện gói thầu EPC của dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 theo hình thức chỉ định thầu khi chưa có đánh giá về năng lực, kinh nghiệm của PVC, chưa làm các thủ tục liên quan đến việc lựa chọn nhà thầu…

Được ông Thăng “mở đường”, Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVPower) và PVC sau đó ký hợp đồng EPC số 33 thi công Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2. Đáng nói nữa là hợp đồng này được lập, ký không đúng quy định, nhiều nội dung không có thật... Hậu quả là Nhà nước bị thất thoát hơn 119 tỷ đồng và nhiều đối tượng tham ô 13 tỷ đồng.

Đưa Đinh La Thăng và đồng phạm ra trước tòa, Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Nội khẳng định, các bị cáo chủ yếu là những người giữ vị trí chủ chốt trong những đơn vị kinh tế quan trọng, được Nhà nước, nhân dân tin tưởng giao quản lý vốn và thực hiện những dự án, công trình lớn của quốc gia, trong đó có dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2. Nhưng vì những động cơ khác nhau và bao trùm lên đó là lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ, các bị cáo vẫn thực hiện các hành vi phạm tội.

Cựu Bộ trưởng lĩnh án và sự chuyển biến nhận thức

Cuối năm 2019, vụ án Tổng Công ty Viễn thông MobiFone (MobiFone) mua 95% cổ phần của Công ty Cổ phần Nghe nhìn Toàn Cầu (AVG) là vụ án tham nhũng lớn tiếp theo được đưa ra xét xử. Vụ án này, các bị cáo Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn (cùng là cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông) và 12 bị cáo liên quan lần lượt bị truy tố về các tội “Vi phạm quy định về quản lý sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng”, “Nhận hối lộ” và “Đưa hối lộ”.

Con đường tha hóa, biến chất của 2 cựu Bộ trưởng nêu trên bắt nguồn từ việc năm 2015, MobiFone thực hiện Dự án đầu tư dịch vụ truyền hình theo hình thức đầu tư vốn Nhà nước mua 95% cổ phần của AVG với số tiền 8.900 tỷ đồng. Đây là dự án nhóm A - thẩm quyền thuộc Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư. Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) là cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại MobiFone có trách nhiệm chỉ đạo doanh nghiệp này trong quá trình thực hiện dự án, quyết định phê duyệt dự án đầu tư khi có Quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ.

Quá trình thực hiện dự án này, Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn và các đối tượng liên quan ở mỗi vị trí, vai trò khác nhau đã đề xuất dự án đầu tư, đánh giá về tài chính, kinh doanh của AVG và quyết định giá mua cổ phần không đúng... gây thiệt hại đặc biệt lớn với số tiền hơn 6.590 tỷ đồng. Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn biết rõ những vi phạm trong quá trình thực hiện dự án, nhưng với quyền hạn của mình và vì mục đích tư lợi đã quyết liệt thực hiện, thúc đẩy việc mua bán cổ phần nhanh chóng để mang lại lợi ích cho đối tác.

Từ đó, Nguyễn Bắc Son nhận số tiền hối lộ 3 triệu USD và Trương Minh Tuấn nhận 200.000 USD. Trong những ngày đầu xét xử, cựu Bộ trưởng Bộ TT&TT luôn quanh co, chối tội. Đối với số tiền nhận hối lộ, khi bị đưa ra tòa, ông Son chối bỏ lời khai nhận tội tại giai đoạn điều tra nhưng sau đó lại thành khẩn nhận tội khi phiên tòa chuẩn bị kết thúc. Thậm chí ông Son còn chủ động xin tòa cho được gặp gỡ vợ con để tác động họ nộp thay số tiền 3 triệu USD đã nhận hối lộ. Để rồi khi vụ án hoàn toàn khép lại, Nguyễn Bắc Son chỉ phải nhận án tù chung thân.

Ở vụ án này, khi bày tỏ quyết tâm loại bỏ những “con sâu” ra khỏi hàng ngũ, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân Cấp cao tại Hà Nội khẳng định: “Hành vi của bị cáo Son vi phạm pháp luật hình sự, đi ngược lại chủ trương phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước... Mặc dù bị cáo đã khắc phục hết hậu quả của vụ án và có nhiều tình tiết giảm nhẹ nhưng mức án tù chung thân mà cấp tòa sơ thẩm áp dụng là phù hợp, nhằm bảo đảm tính răn đe”.

Cựu Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Văn Minh và đồng phạm trong vụ án “đất vàng”

Cựu Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Văn Minh và đồng phạm trong vụ án “đất vàng”

Cái giá cho việc chuyển hóa “đất vàng”

Gần đây nhất, ngày 7-5-2020, hai cựu Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng là Trần Văn Minh, Văn Hữu Chiến cùng với bị cáo Phan Văn Anh Vũ (cựu Chủ tịch Công ty Xây dựng 79) và 17 đối tượng trong vụ thâu tóm “đất vàng” tại Đà Nẵng cũng chính thức phải chấp hành hình phạt nghiêm khắc của pháp luật. Kết quả của vụ án này cũng là quyết tâm chính trị cao độ của cả Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án gắn với công cuộc phòng, chống tham nhũng, diệt “giặc nội xâm” do Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo.

Quá trình giải quyết vụ án “đất vàng”, các cơ quan tố tụng đã làm rõ các sai phạm, đồng thời chỉ ra rằng phần lớn các bị cáo trong vụ án này đều là người giữ vị trí lãnh đạo chủ chốt của UBND TP Đà Nẵng, thực hiện chức năng quản lý Nhà nước và bộ máy hành chính của địa phương; lãnh đạo và tổ chức thực hiện các biện pháp phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn TP Đà Nẵng.

Thế nhưng vì nhiều động cơ, Trần Văn Minh và các đồng phạm đã vi phạm pháp luật nghiêm trọng, cố ý làm trái các quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước, các quy định về quản lý đất đai trong thời gian dài (từ năm 2006 đến năm 2014) giúp cho Phan Văn Anh Vũ thu lợi bất chính đặc biệt lớn, thông qua việc nhận nhiều đất dự án, mua nhà thuộc sở hữu Nhà nước, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng cho ngân sách. Cụ thể, Trần Văn Minh và đồng phạm đã tạo điều kiện cho Phan Văn Anh Vũ trực tiếp được nhận chuyển giao tài sản, quyền quản lý, khai thác đối với 15/22 nhà đất công sản và 6/7 dự án đất tại Đà Nẵng.

Hành vi của Trần Văn Minh cùng đồng phạm khiến số tiền Nhà nước bị thiệt hại tại 22 nhà đất công sản là trên 2.400 tỷ đồng và tại các dự án đất là trên 19.600 tỷ đồng. Cơ quan truy tố xác định, Trần Văn Minh có vai trò chính, trực tiếp cùng các bị cáo khác thực hiện hành vi phạm tội. Và hầu hết các sai phạm trong vụ án đều trong giai đoạn ông Minh giữ cương vị đứng đầu UBND TP Đà Nẵng. Do vậy, ông ta hiểu rõ các chủ trương không đúng sẽ kéo theo các sai phạm của bộ máy thành phố trong việc tổ chức thực hiện.

Và khi khép lại vụ án thâu tóm “đất vàng” tại Đà Nẵng, cựu Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Văn Minh bị tuyên phạt tổng cộng 17 năm tù về 2 tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” và “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai”. Cựu Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Văn Hữu Chiến bị tuyên phạt tổng cộng 10 năm tù, Phan Văn Anh Vũ bị áp dụng tổng cộng 25 năm tù cùng về 2 tội danh nêu trên. Ngoài ra, Phan Văn Anh Vũ còn phải tổng hợp hình phạt với các bản án khác trước đó nên tổng mức án bị cáo này phải thi hành là 30 năm tù.

(Còn tiếp)

Bài 3: Hiệu quả từ những điểm mới rõ nét trong công cuộc phòng, chống tham nhũng