Xử lý nghiêm hành vi lợi dụng dịch bệnh Covid để trục lợi

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  N hững ngày gần đây, số ca mắc Covid -19 (F0) trên địa bàn cả nước nói chung và TP Hà Nội tăng nhanh đã khiến cho các loại vật tư y tế, thuốc hỗ trợ, phòng ngừa thậm chí là cả điều trị Covid-19 được giao bán, buôn lậu gia tăng, gây “đột biến” về giá đồng thời cũng làm đảo loạn đời sống người dân…

Nhận thức…đáng lo ngại

Nếu muốn mua kit test nhanh Covid-19, thuốc điều trị hay các thiết bị y tế khi nhiều hiệu thuốc đã “cạn”, chỉ cần vào mạng Internet, bất kỳ ai chẳng khó khăn để đặt mua những thứ cần thiết phục vụ bệnh nhân F0. Tuy nhiên, chất lượng như thế nào thì là câu hỏi vẫn còn bỏ ngỏ.

Hơn 10 vụ mua bán, vận chuyên thuốc, vật tư y tế liên quan đến dịch bệnh Covid bị lực lượng chức năng Hà Nội phát hiện, xử lý trong 2 tuần qua

Hơn 10 vụ mua bán, vận chuyên thuốc, vật tư y tế liên quan đến dịch bệnh Covid bị lực lượng chức năng Hà Nội phát hiện, xử lý trong 2 tuần qua

Chị Trần Thị Như Ngà (phường Mai Động, quận Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ: gia đình có 5 thành viên; công việc của chị thường xuyên phải tiếp xúc với nhiều người. Lo ngại sẽ “mang” dịch về cho cả nhà lúc nào không hay biết, để chắc ăn, chị Ngà ra hiệu thuốc mua trữ 2 hộp kit test nhanh Covid-19 (1 hộp để ở nhà và 1 hộp để ở nơi làm việc).

“Mỗi que test nhanh có giá từ 70 nghìn - 100 nghìn đồng. Hàng ngày khi đi làm về tôi cũng test để chắc chắn mình chưa bị nhiễm bệnh mới vào nhà. Thành viên trong gia đình cũng test nhanh một lần/tuần...", chị Ngà kể.

Người phụ nữ này cho rằng, việc test nhanh là cần thiết vì Hà Nội đang rất nhiều F0, khi mỗi ngày nghi nhận hàng nghìn ca, thậm chí mấy ngày gần đây lên tới hơn 20 nghìn ca. Và để “củng cố” nhận thức của minh, chị Ngà lên mạng xã hội đặt mua que thử nhanh, chấp nhận tất cả đều không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.

Tâm lý và nhận thức của nhiều người dân đang khiến thị trường thuốc, vật tư y tế điều trị Covid diễn biến phức tạp

Tâm lý và nhận thức của nhiều người dân đang khiến thị trường thuốc, vật tư y tế điều trị Covid diễn biến phức tạp

Tương tự, chị Nguyễn Minh Phương - làm việc trên phố Bà Triệu (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cũng cho hay, mấy ngày gần đây, khi ra hàng thuốc mua thấy giá kit test tăng mạnh và mua còn khó khăn, nên chị Phương cũng lên mạng xã hội lùng mua được 1 hộp, với số tiền lên tới gần 2 triệu đồng. Chị Phương cho rằng mình vẫn còn may mắn khi mua được hàng, và cũng không quan tâm đến nguồn gốc của hộp Kit test mình mua.

Cách nghĩ, nhận thức như của chị Phương và chị Ngà đang không hề mang tính cá biệt. Và theo khuyến cáo của chuyên gia y tế, điều này không chỉ khiến tốn kém, mà ở góc độ y học, việc test mỗi ngày trước khi về nhà thực sự không cần thiết. Chưa kể trong nhiều trường hợp, với biến thể mới của Covid, kết quả test nhanh chưa thêt nói lên tất cả! Đáng lo ngại, những cách nghĩ trên đã và đang khiến thị trường thuốc, vật tự liên quan đến dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp!

Chặn hàng loạt “đại lý” cung cấp thuốc, vật tư trị Covid…lậu

Trong khoảng tuần cuối tháng 2 và đầu tháng 3, ghi nhận tại Hà Nội, lực lượng Cảnh sát kinh tế, Cảnh sát môi trường, Quản lý thị trường và Công an quận, huyện, thị xã bắt giữ trên 10 vụ mua bán, vận chuyển hàng hóa liên quan đến thuốc, vật tư y tế trị Covid, và đều là…hàng nhập lậu.

Tùy theo tính chất vi phạm, đối tượng buôn bán thuốc trị Covid giả sẽ phải đối diện án phạt tù

Tùy theo tính chất vi phạm, đối tượng buôn bán thuốc trị Covid giả sẽ phải đối diện án phạt tù

Điển hình, khoảng 15h30 ngày 3-3, tại khu vực ngõ Chùa Liên Phái (phường Cầu Dền, quận Hai Bà Trưng), tổ công tác Đội CSKT Công an quận Hai Bà Trưng cùng Đội QLTT số 5 (Cục QLTT Hà Nội) phát hiện quả tang Lê Mạnh Hoàng (SN 1988, HKTT: phường Mai Động, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội) đang giao dịch, mua bán 400 hộp thuốc “Liên hoa Thanh Ôn”, được giới thiệu công dụng điều trị Covid-19, do nước ngoài sản xuất (bao bì sản phẩm có nhãn chữ nước ngoài, không có nhãn phụ bằng tiếng Việt).

Thời điểm kiểm tra, Hoàng không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của số thuốc trên và giải trình mua ngoài thị trường với giá gần 20 triệu mục đích bán kiếm lời.

Trước đó, khoảng 14h cùng ngày, tại khu vực đê Trần Khát Chân, phường Thanh Lương, tổ công tác Đội Cảnh sát kinh tế Công an quận Hai Bà Trưng cùng đội QLTT số 5 đã phát hiện Nguyễn Thị Hà (SN 1991) đang vận chuyển 1.000 que test nhanh Covid-19. Quá trình kiểm tra, Nguyễn Thị Hà không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc của số que test trên và khai nhận vừa mua thu gom ngoài trị trường trôi nổi mục đích rao bán trên mạng internet kiếm lời.

Một “đại lý” khác bị Đội QLTT số 17 phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế - CATP Hà Nội phát hiện, xử lý hôm 28-2, tại cơ sở kinh doanh số 115 Trung Phụng, quận Đống Đa. Cơ sở này do Nguyễn Thị Ngân Hà (SN 1992) làm chủ. Tại đây, lực lượng chức năng phát hiện 3.030 sản phẩm ghi tác dụng hỗ trợ điều trị Covid-19.

Tuy nhiên, bao bì hàng hóa ghi chữ nước ngoài, không có nhãn phụ tiếng Việt Nam. Chủ cơ sở kinh doanh chưa xuất trình được hóa đơn chứng từ liên quan đến số hàng hóa trên, và khai nhận thu mua 3.030 sản phẩm “hỗ trợ điều trị Covid-19” trôi nổi trên mạng, về bán kiếm lời. Theo chỉ huy Đội QLTT số 17, nhiều sản phẩm bị phát hiện, thu giữ những ngày qua chưa được cấp phép lưu hành ở Việt Nam, nhưng vẫn được nhiều người rỉ tai, đồn thổi, rủ nhau mua về dùng để “trị” Covid. Không chỉ phải mua với giá thành cao, vấn đề ở đây là không ai đảm bảo được sức khỏe, an toàn tính mạng người dùng".

Nguy cơ đối diện án phạt tù

Trao đổi với phóng viên ANTĐ, chỉ huy Đội QLTT số 17 đánh giá, lợi dùng tình hình dịch bệnh căng thẳng, nhiều đối tượng đã thu mua các sản phẩm phục vụ công tác phòng, chống dịch như Kit test nhanh, thuốc hỗ trợ điều trị F0 trôi nổi, không nguồn gốc về bán kiếm lời.

Thủ đoạn của các đối tượng này khá tinh vi, như không có địa điểm kinh doanh cố định. Phương thức giao hàng, nhận hàng ở những nơi khuất nẻo, hoặc gọi giao hàng qua các ứng dụng công nghệ. Điều này gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong quá trình nắm bắt, kiểm soát và phát hiện.

Liên quan đến câu chuyện chế tài đối với các hành vi mua gom, tàng trữ, tăng giá bán thuốc hỗ trợ điều trị và vật tư y tế phòng chống dịch bệnh Covid, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết, đối với những loại kit test Covid-19 và thuốc hỗ trợ điều trị Covid-19 mà không có nguồn gốc, chứng từ hợp lệ, cơ quan chức năng khi phát hiện trước tiên sẽ tiến hành niêm phong, thu giữ để xác định nguồn gốc hàng hóa cũng như làm rõ chất lượng, sự nguy hại để tùy từng trường hợp sẽ xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đối với những loại kit test xét nghiệm Covid -19, nếu xác định là hàng giả về nguồn gốc xuất xứ, mẫu mã, chất lượng, bao bì..., đối tượng vi phạm có thể bị xử lý hình sự theo Điều 192 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung 2017) về tội Sản xuất, buôn bán hàng giả và có thể bị phạt lên đến 20 năm tù; và với pháp nhân thương mại có thể bị phạt lên đến 9 tỷ đồng...