“Xử lý nghiêm” cán bộ thuế làm khó doanh nghiệp

ANTĐ - Ngành Thuế cam kết sẽ không dung túng cán bộ công chức vi phạm và rất mong nhận được sự hợp tác của doanh nghiệp trong việc phản ảnh tiêu cực của nhân viên thuế, giúp ngành có giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn tiêu cực kịp thời. Đây là khẳng định của lãnh đạo Tổng cục Thuế trước tình trạng cán bộ thuế nhũng nhiễu gây khó khăn cho doanh nghiệp, cố tình làm sai, hoàn thuế không đúng quy định… 

Ngành thuế nỗ lực cải cách và chấn chỉnh nhằm phục vụ doanh nghiệp ngày càng tốt hơn

Đủ kiểu hành doanh nghiệp

Tại cuộc đối thoại giữa doanh nghiệp với lãnh đạo ngành thuế tại TP.HCM diễn ra cách đây chưa lâu, lãnh đạo một doanh nghiệp bức xúc: “Tháng 11-2012, cơ quan thuế công bố quyết định kiểm tra tại doanh nghiệp, nhưng đoàn kiểm tra lại yêu cầu doanh nghiệp mang bản chính các tài liệu liên quan như hóa đơn đầu vào đầu ra, sổ kế toán, hợp đồng mua bán hàng hóa, bảng lương… đến trụ sở cơ quan thuế. Sau khi kiểm tra xong lại yêu cầu doanh nghiệp lên lấy tài liệu về và nói khi nào lập xong biên bản sẽ báo doanh nghiệp lên lấy. Tuy nhiên đến nay hơn một năm, doanh nghiệp chưa được mời lên ký biên bản”. 

Theo các chuyên gia, thực tế chính sách thuế vốn rất tốt, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Tuy nhiên, một số cán bộ thuế lại lợi dụng danh nghĩa, uy tín của ngành thuế để bắt chẹt, vòi tiền doanh nghiệp. Không ít trường hợp cán bộ thuế đã phải đứng trước vành móng ngựa. Ví dụ như việc Tòa án nhân dân TP.HCM đã xét xử sơ thẩm, tuyên phạt Trần Văn Báu (nguyên Đội trưởng đội Kiểm tra thuế số 8 - Chi cục Thuế quận 1) 4 năm tù, Nguyễn Thị Thu Thuỷ (viên chức của Chi cục Thuế quận 1) bị phạt 3 năm tù và Hoàng Đình Thuấn (viên chức Chi cục Thuế quận 1) bị phạt 2 năm tù cùng về tội nhận hối lộ.

Không chỉ gây khó dễ cho doanh nghiệp, tình trạng cán bộ thuế cố tình vi phạm các quy định về hoàn thuế thời gian vừa qua cũng được đưa ra kiểm điểm. Cụ thể, Bộ Tài chính vừa ra quyết định tạm đình chỉ công tác và kỷ luật một số cán bộ thuế liên quan đến vụ án các doanh nghiệp xuất nhập khẩu tại An Giang gian lận nhiều tỷ đồng tiền hoàn thuế VAT....

Không bao che sai phạm

Trong 6 tháng đầu năm 2013, Tổng cục Thuế thực hiện 1.064 cuộc thanh, kiểm tra nội bộ (riêng kiểm tra chuyên đề về thuế giá trị gia tăng là 577 cuộc), qua đó đã kiến nghị truy thu 2,375 tỷ đồng. Qua kiểm tra đã phát hiện 58 cán bộ công chức thuế và ủy nhiệm thu vi phạm, trong đó đã tiến hành xử lý 44 trường hợp (kiểm điểm 42 người, cách chức 1 người, chuyển cơ quan điều tra 1 trường hợp).

Phó Tổng cục trưởng    Tổng cục Thuế Lê Hồng Hải cho biết, thực tế qua phản ảnh của dư luận, cơ quan chức năng và kiểm tra của Tổng cục Thuế cho thấy vẫn còn một số cán bộ, công chức  thuế chưa nghiên cứu, nắm bắt và chấp hành nghiêm túc các quy định về ý thức kỷ luật của ngành. Do vậy, vẫn còn có trường hợp cán bộ, công chức thuế vi phạm pháp luật, vi phạm quy định của Nhà nước, của ngành, điều này ảnh hưởng không tốt đến hình ảnh của ngành Thuế với xã hội.

Lãnh đạo Tổng cục Thuế cho biết, ngành Thuế đã và đang rất quyết liệt để có thể ngăn chặn, đẩy lùi và xử lý những công chức thuế tiêu cực, gây phiền hà, sách nhiễu doanh nghiệp. Đã có trên 4 vạn cán bộ công chức ngành Thuế thực hiện ký cam kết thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ của mình trong thực thi công vụ. Ngành Thuế cam kết sẽ không dung túng cán bộ công chức vi phạm và rất mong nhận được sự hợp tác của doanh nghiệp trong việc phản ảnh tiêu cực của nhân viên thuế, giúp cho ngành có giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn tiêu cực kịp thời. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần cung cấp danh tính, địa chỉ cụ thể để trên cơ sở đó, Tổng cục Thuế có biện pháp chấn chỉnh, xử lý đúng người, đúng địa chỉ, giúp cho doanh nghiệp thuận lợi trong việc thực hiện các chính sách thuế.

Ngành cũng đã đề ra nhiều giải pháp về phòng ngừa, ngăn chặn, chấn chỉnh, xử lý tình trạng gây phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực, tham nhũng trong cán bộ công chức như quy định 10 điều kỷ luật đối cán bộ công chức, quy định những tiêu chuẩn cần “Xây” và những điều cần “Chống” đối với công chức, viên chức ngành Thuế, Tuyên ngôn ngành Thuế, thường xuyên tổ chức hội nghị đối thoại với doanh nghiệp....

Bộ Tài chính vừa có quyết định thành lập Ban chỉ đạo phòng chống vi phạm quản lý thuế giá trị gia tăng (VAT) do Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng làm trưởng ban. Ban chỉ đạo có nhiệm vụ chỉ đạo công tác đấu tranh phòng chống, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm; phối hợp với cơ quan công an để kịp thời truy tố các tổ chức, cá nhân có sai phạm về nộp thuế VAT trước pháp luật.