Xử lý công trình không phép, sai phép: Không thể phạt tiền cho tồn tại

ANTĐ - Sau khi Bộ Xây dựng ban hành Thông tư 02/TT-BXD hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 121/NĐ-CP, có hiệu lực từ 2-4-2014, nêu các trường hợp xây dựng sai phép, không phép được nộp tiền phạt và cho tồn tại, không phải cưỡng chế phá dỡ (Báo An ninh Thủ đô đã đưa tin), nhiều chuyên gia tỏ ra không đồng tình.

Xử lý công trình không phép, sai phép: Không thể phạt tiền cho tồn tại ảnh 1
Dư luận chưa đồng tình với quy định phạt tiền cho tồn tại hạng mục vi phạm
(Trong ảnh: Cưỡng chế phá dỡ công trình vi phạm tại Dương Nội, Hà Đông)

Theo Bộ Xây dựng, quy định mới này nhằm để xử lý một số trường hợp xây dựng sai phép, không phép, sau khi hoàn thành xây dựng đưa vào sử dụng mới bị phát hiện. Trong trường hợp nếu buộc phá dỡ, sẽ gây lãng phí lớn cho xã hội. Có những trường hợp đã kéo dài nhiều năm nhưng cũng chưa xử lý được triệt để. Ở đây, bên cạnh việc “mở” ra hướng mới trong xử lý công trình vi phạm, Thông tư 02 cũng đã đặt ra rất nhiều điều kiện nhất định để có thể “phạt tiền cho tồn tại”. Nhiều chuyên gia đô thị không đồng tình với quy định này, thậm chí coi đây là bước thụt lùi trong xây dựng chế tài xử lý vi phạm.

TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội cho rằng, công trình sai phép, không phép phát sinh chủ yếu do quản lý Nhà nước yếu kém. Nay, trong khi còn tồn đọng số lượng lớn công trình sai phạm chưa xử lý, nếu áp dụng quy định “phạt tiền cho tồn tại” sẽ là mâu thuẫn lớn về luật pháp. 

Ngoài ra, việc cho phép hợp thức công trình sai phép, không phép còn phá vỡ diện mạo kiến trúc đô thị. Ông Đào Ngọc Nghiêm bức xúc: “Dường như, quy định phạt cho tồn tại này nhằm hợp thức hóa cho sự yếu kém trong quản lý!? Điều này thể hiện sự không hiểu biết giá trị văn hóa đô thị. Bộ Xây dựng không nên đưa ra quy định như vậy”.

Chiều 12-3, Người phát ngôn, Chánh Văn phòng Bộ Xây dựng, ông Đỗ Đức Duy thừa nhận, sau khi Thông tư số 02 được ban hành, đã có nhiều ý kiến khác nhau. Trong đó, có những ý kiến không đồng tình với quy định phạt tiền cho tồn tại đối với các trường hợp xây dựng sai phép, không phép quy định tại khoản 9 Điều 13, khoản 2 Điều 70 của Nghị định số 121/NĐ-CP và hướng dẫn cụ thể tại Điều 8, Điều 11 của Thông tư số 02/2014/TT-BXD. Nhiều người lo ngại rằng, việc thực hiện quy định này có thể làm gia tăng các trường hợp sai phạm, ảnh hưởng tiêu cực đến công tác quản lý trật tự xây dựng đô thị.

Ông Đỗ Đức Duy cho biết, với trách nhiệm là cơ quan chủ trì soạn thảo Nghị định số 121/NĐ-CP và là cơ quan ban hành Thông tư số 02, Bộ Xây dựng đã lắng nghe và tập hợp các ý kiến phản ánh của các cơ quan, tổ chức, cộng đồng xã hội, người dân, đồng thời đang tích cực phối hợp với các bộ, ngành hữu quan rà soát các quy định có liên quan tại Nghị định số 121/NĐ-CP và Thông tư số 02/ để báo cáo Chính phủ. 

Ông Đỗ Đức Duy nói: “Trong trường hợp xét thấy còn có các quy định chưa thực sự phù hợp, Bộ Xây dựng sẽ đề xuất với Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 121/NĐ-CP, đồng thời tiến hành sửa đổi, bổ sung Thông tư số 02 cho phù hợp để đảm bảo kỷ luật, kỷ cương trong quản lý trật tự xây dựng đô thị, cũng như tránh làm lãng phí các nguồn lực xã hội trong hoạt động đầu tư xây dựng”.