Xử lý cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng: Lòng vòng đổ trách nhiệm

ANTĐ - Dù đã có hàng nghìn cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý dứt điểm, song, số cơ sở còn tồn tại và phát sinh mới vẫn rất lớn, gây nhiều bức xúc trong dư luận.

Nhiều địa phương còn xem nhẹ vấn đề bảo vệ môi trường

Nương nhẹ trong xử lý

Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT) cho biết, hơn 9 năm qua, đã có một số lượng lớn cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng (ONMTNT) được xử lý. Trong 3.856 cơ sở gây ONMTNT được thống kê tại thời điểm trước năm 2003, đến nay, chỉ còn 372 cơ sở gây ONMTNTđang tiến hành các biện pháp xử lý ô nhiễm triệt để. Dù vậy, tại các địa phương, hiện vẫn còn tồn tại một số lượng khá lớn các cơ sở gây ONMTNT, gây bức xúc trong đời sống nhân dân. Trong số này, có cả những cơ sở gây ONMTNT do lịch sử để lại và những cơ sở mới phát sinh. 

Theo Thứ trưởng Bộ TN-MT Bùi Cách Tuyến, dù đã có nhiều nỗ lực song thực chất công tác xử lý ô nhiễm triệt để chưa hoàn thành theo đúng tiến độ đề ra. Trên thực tế, nguồn lực dành cho giải quyết vấn đề ONMTNT chưa đủ mạnh. Nhận thức về bảo vệ môi trường tại một số bộ, ngành và địa phương có chuyển biến nhưng vẫn còn hạn chế. Nhiều cơ sở gây ONMTNT chây ỳ, không tích cực xử lý ô nhiễm mà có biểu hiện đối phó với cơ quan chức năng. Trong khi đó, một số địa phương để kêu gọi đầu tư đã xem nhẹ vấn đề bảo vệ môi trường, cho phép sử dụng các công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường. Một số bộ, ngành, địa phương thiếu tích cực, chủ động, thậm chí có biểu hiện nương nhẹ trong việc xử lý các cơ sở gây ONMTNT. Đặc biệt, các cơ sở hoạt động công ích như bãi rác, bệnh viện... chưa quan tâm đến việc tổ chức xử lý các cơ sở gây ONMTNT thuộc trách nhiệm quản lý của mình. Công tác kiểm tra, giám sát cũng còn nhiều hạn chế. Đến nay, có 3 địa phương chưa có cơ sở nào được chứng nhận hoàn thành các biện pháp xử lý ô nhiễm triệt để.

Không dễ đình chỉ ngay lập tức

Dư luận thường phẫn nộ mỗi khi phát hiện một cơ sở gây ONMTNT bị phát hiện. Nhiều người cho rằng, nên đóng cửa ngay các cơ sở này. Thế nhưng, với hàng nghìn lao động đang làm việc, nếu áp dụng ngay các biện pháp tạm đình chỉ hoạt động, cấm hoạt động đối với những cơ sở này, sẽ gây ra những xáo trộn và bất ổn lớn trong xã hội cũng như đối với nền kinh tế của đất nước, như sự gia tăng tình trạng thất nghiệp, đói nghèo và tệ nạn xã hội. Chính vì vậy, theo Tổng cục Môi trường, việc xây dựng một lộ trình hợp lý để các cơ sở nói trên tiến hành biện pháp xử lý ô nhiễm triệt để là giải pháp thích hợp, vừa bảo đảm các yêu cầu về bảo vệ môi trường, vừa bảo đảm sự phát triển kinh tế, an sinh xã hội. Đương nhiên, lộ trình khắc phục phải có sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ của cơ quan chức năng và cộng đồng.

Do đó, Bộ TN-MT đã chỉ đạo xây dựng Kế hoạch xử lý triệt để cơ sở gây ONMTNT đến năm 2020. Mục tiêu của kế hoạch là sau năm 2020, sẽ không còn cơ sở gây ONMTNT. Bắt đầu từ năm 2012, sẽ tổng rà soát, thống kê toàn bộ các cơ sở đang hoạt động có phát sinh chất thải gây ONMTNT đưa vào danh mục kèm theo thời gian và các biện pháp xử lý ô nhiễm triệt để có tính khả thi, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Để tránh tình trạng đổ trách nhiệm lòng vòng, Kế hoạch sẽ phải quy định rõ cơ chế chịu trách nhiệm của cơ quan chỉ đạo hay chủ trì, phối hợp; thủ trưởng cơ sở gây ONMTNT trong quá trình xử lý. Đây là điểm nhấn quan trọng của kế hoạch, chấm dứt tình trạng đổ trách nhiệm lòng vòng trong quá trình xử lý cơ sở gây 

ONMTNT.

Thứ trưởng Bộ TN-MT Bùi Cách Tuyến cho rằng, để đạt được mục tiêu đến năm 2020 không còn cơ sở gây ONMTNT trên phạm vi cả nước, bên cạnh việc xử lý, phải triển khai đồng bộ các giải pháp phòng ngừa ô nhiễm, ngăn chặn việc phát sinh các cơ sở gây ONMTNT mới. Thứ trưởng Bộ TN-MT nói: “Trách nhiệm của các cơ quan có liên quan ra sao? Đây là vấn đề cần phải suy nghĩ để có câu trả lời thấu đáo. Nếu không có cơ chế kiểm soát này, không ngăn chặn được tình trang phát sinh mới cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng sẽ chắc chắn sẽ không bao giờ chúng ta đạt được mục tiêu đề ra..."