Xót lòng cô dâu 13 tuổi

ANTĐ - Một ngày trước khi lễ cưới diễn ra, vị hôn thê của Amira thì thầm rằng đã phải lòng cô từ cái nhìn đầu tiên. “Anh ta nói sẽ cho tôi mọi thứ. Nhưng chỉ một tuần sau hắn đã đánh tôi” – Amira kể lại. Đáng chú ý, cô chỉ là một trong nhiều bé gái bị cuốn vào nạn tảo hôn do ảnh hưởng của khủng hoảng di cư.

Xót lòng cô dâu 13 tuổi ảnh 1

Cô dâu Amira từng bị chồng liên tục bạo hành 

Thiếu nữ bị đánh đập triền miên

Thiếu nữ 13 tuổi này và gia đình cô đã từ miền bắc Syria trốn sang Lebanon 2 năm trước. Amira cùng bố mẹ và các anh trai trú ẩn tại thị trấn Qab Elias, cách biên giới không xa. Khi người chồng 20 tuổi với bố của anh ta tới nơi Amira ở để hỏi cưới, cô đã rất vui mừng, nghĩ rằng sẽ có một cuộc sống mới. Nhưng bi kịch diễn ra sau ngày cưới không lâu, cô bị bạo hành liên tục. 

Amira kể lại những ký ức đau buồn: “Hắn đánh tôi từ sáng đến tối. Hắn nói rằng sẽ khiến tôi chán ghét cuộc sống này”. Một lần, khi Amira cùng gã chồng bạo lực trên đường tới dự đám cưới người họ hàng, hắn đã đẩy cô ngã từ xe máy xuống đất. Cô phải nói với gia đình là tự ngã. Sau đó, chồng Amira còn bịa chuyện rằng cô có quan hệ mờ ám với bố chồng. 

Cô gái trẻ tội nghiệp đã tâm sự với gia đình về ý định rời bỏ nhà chồng, nhưng bố cô khuyên rằng nên tiếp tục chịu đựng. Chỉ một thời gian sau, chồng của Amira biểu hiện rõ ý muốn đuổi cô đi bằng cách mang những cô gái khác về nhà. Hắn ta cũng nói với Amira rằng sẽ đồng ý ly dị nếu cô từ bỏ “mouakhar” - khoản tiền bắt buộc theo luật Sharia khi người chồng muốn bỏ vợ. Sau những tháng ngày địa ngục đã trải qua, Amira do dự từ bỏ quyền lợi này.

May mắn đến với Amira khi cô tiếp cận được một nhân viên của tổ chức Kafa chống tảo hôn trong một buổi tuyên truyền tại khu trại tập trung cô sinh sống. Sau khi nghe Amira kể chuyện, tổ chức này đã giới thiệu một luật sư giúp cô ly dị với chồng mà vẫn lấy được khoản đền bù xứng đáng của mình. 

Không chỉ là tảo hôn, mà còn là phạm tội 

Được biết, tổ chức Kafa đã đưa vấn đề tảo hôn ra trước dư luận quốc tế vào tháng 2-2016 khi một đoạn video do họ sản xuất lan truyền trên mạng. Đoạn video quay cảnh một bé gái 12 tuổi chụp ảnh cưới bên bờ biển với người chồng đáng tuổi ông. Một người qua đường đã gọi chú rể là “tội phạm” nhưng ông ta đáp rằng mình được sự cho phép của cha mẹ vợ.

Thực tế, người tham gia quay video là các diễn viên do Kafa thuê để thúc đẩy chiến dịch chống nạn tảo hôn. Chiến dịch này vừa nhằm tìm kiếm sự ủng hộ của quốc tế, vừa để giúp đỡ những cô gái trẻ trong các trại tị nạn hay tại miền nông thôn hẻo lánh ở Lebanon. Một số cộng đồng tôn giáo ở Lebanon vẫn cho phép kết hôn trước 18 tuổi, trong khi cộng đồng người Hồi giáo có thể để các cô bé cưới lúc mới 9 tuổi khi có sự đồng ý của cha mẹ cô dâu.

Nạn tảo hôn đang trở nên tồi tệ

Đám cưới của cô dâu vị thành niên vốn tương đối hiếm gặp ở Lebanon - nơi chỉ khoảng 13% phụ nữ người Lebanon kết hôn trước tuổi 18. Tuy nhiên, tình trạng cô dâu trẻ em đã hồi sinh khi dòng người Syria đổ đến quốc gia này để chạy trốn chiến tranh. 

Lượng lớn người Syria đang sống trong các trại tập trung không chính thức và có điều kiện khắc nghiệt, do đó một số phụ huynh phải chấp nhận để con gái sớm lấy chồng. Đối với một số khác, đây là cách để tìm thấy sự ổn định khi họ đang phải ở xa quê nhà và bao vây bởi hỗn loạn.

“Đối với người tị nạn Syria - những người đang chìm ngập trong nợ nần và mỗi ngày phải đấu tranh để tồn tại, việc sớm gả con gái được xem là cách tốt nhất để lo đủ cái ăn cái mặc cho con mình” – Caroline Anning, một quan chức thuộc nhóm bảo vệ trẻ em STC lý giải. 

Khó thống kê chính xác con số người Syria tị nạn ở Lebanon khi tại đây vẫn tràn lan các trạm tập trung người di cư không chính thức. Dù vậy, các tổ chức vẫn cho rằng, tình trạng tảo hôn đang trở nên tồi tệ hơn tại cộng đồng người Syria ở Lebanon. Một nghiên cứu của đại học Saint Joseph ở Beirut cuối năm 2015 cho thấy, 23% phụ nữ Syria hiện ở Lebanon đã kết hôn trước 18 tuổi.

Điều này diễn ra ở bất cứ nơi nào có cộng đồng người tị nạn lớn. Tại Jordan – nơi có số người tị nạn đông thứ ba, sau Thổ Nhĩ Kỳ và Lebanon, tỷ lệ đăng ký kết hôn cho con gái dưới 18 tuổi trong cộng đồng di cư người Syria đã tăng từ 12% năm 2011 tới khoảng 32% vào năm 2014.