“Xóm ốc đảo” và cây cầu tử thần

ANTĐ - Đã 12 năm nay, hơn 100 hộ dân ở xóm Hùng Sơn muốn giao lưu với “thế giới bên ngoài” chỉ có một con đường duy nhất đó là đi qua cây cầu phao tự chế. Điều rùng rợn hơn là đến nay ít nhất đã chục người thiệt mạng do trong lúc đi qua cầu ngã xuống sông chết đuối. Đó là cây cầu Cóc bắc qua dòng sông Yên ở thôn Hùng Sơn, xã Tượng Văn, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa.

Mỗi ngày hàng trăm học sinh làng Hùng Sơn phải đánh cược tính mạng của mình

để đi qua cây cầu Cóc rùng rợn này

Không biết bơi chỉ có chết

Vượt hơn 100km từ thành phố Thanh Hóa về đến xã Tường Văn (huyện Nông Cống), điều làm chúng tôi ngạc nhiên khi hỏi đường về làng Hùng Sơn thì đều nhận được câu nhắc nhở “ Các chú vào làng Hùng Sơn nguy hiểm lắm. Nếu các chú biết bơi thì hãy đi qua cây “cầu tử thần” nhé…”.

Hùng Sơn là một làng nghèo của xã Tượng Văn, nằm cách biệt với trung tâm của xã, được bao bọc bởi những dãy núi và dòng sông Yên rộng lớn. Hiện tại nếu muốn vào Hùng Sơn chỉ có một con đường duy nhất là đi qua cây cầu tử thần. Cũng vì lẽ đó mà người ta đã quen gọi làng Hùng Sơn là “xóm ốc đảo”.

Ông Nguyễn Ngọc Toàn - Bí thư Chi bộ thôn Hùng Sơn cho biết, trước đây khi mà “cây cầu tử thần” chưa được bắc qua, người dân Hùng Sơn nếu muốn đến trung tâm xã Tượng Văn phải vượt hàng chục kilômét đường vòng sang huyện Tĩnh Gia rồi vòng quay trở lại. Tuy nhiên con đường rừng rú này quanh năm lầy lội, rất khó qua.

Không chấp nhận cảnh con em mù chữ nên người dân ở đây đã quyên góp làm một chiếc cầu phao bắc qua sông Yên để sang bên bờ sông tiện việc đi lại, làm ăn buôn bán.

Cây cầu phao tự chế này được người dân đặt tên là cầu Cóc, dựng vào năm 2000, do người dân làng Hùng Sơn quyên góp và UBND xã Tượng Văn hỗ trợ thêm kinh phí.

Với đồng vốn ít ỏi, cầu được làm rất sơ sài, chỉ với 4 cái thuyền xi măng dàn đều, bên trên đặt những thanh tre và gỗ nối với nhau bằng dây thép. Cây cầu chỉ dài khoảng 50m, rộng gần 1mét, dựa hoàn toàn vào 4 cây cọc đóng ở hai đầu bờ sông.

Đứng ở đầu cầu quan sát sẽ thấy nổi da gà khi cứ mỗi lần có người bước lên cầu là chiếc cầu phao đung đưa. Rùng mình nhất phải kể đến mỗi lúc tan học, cả trăm em học sinh ở làng Hùng Sơn lại nối đuôi nhau qua cầu Cóc về nhà. Cầu quá hẹp nên mỗi lần thấy có người dắt xe máy lên cầu là tất cả ở hai đầu cầu phải đứng đợi cho xe máy đó qua hẳn thì người khác mới được lên bởi nếu đối đầu nhau trên cầu thì chỉ có cách… rơi xuống sông.

Theo tìm hiểu, làng Hùng Sơn có tất cả hơn 100 hộ dân, mỗi ngày có hàng trăm lượt người qua lại trên cầu Cóc. Một con số giật mình là kể từ lúc dựng cầu đến nay gần chục người thiệt mạng do qua cầu bị ngã xuống sông và chết. Như vào năm 2010, chị Nguyễn Thị Tâm, đi gặt về dắt xe máy qua cầu, không may trượt chân ngã, do không biết bơi nên bị chết đuối.

Ông Bí thư Chi bộ thôn cho biết: “Biết là nguy hiểm nhưng không thể làm khác được, nếu không cho dân qua cầu thì họ không biết đi đường nào cả. Mỗi lúc mưa to, hay nước sông chảy xiết là chúng tôi phải tháo cầu”.

Nguy hiểm hơn, mỗi khi mùa mưa bão về, cầu phải tháo ra, người dân nơi đây lấy thuyền thúng chở học sinh qua sông đến trường, mỗi thuyền chở đến gần một chục em. Nếu nước chảy quá xiết, thuyền không qua được thì dùng bè kéo dây qua sông.

“Tôi làm nghề buôn bán nên ngày nào cũng phải đi xe qua cầu để lấy hàng. Cứ mỗi lần qua cầu là tim lại nằm trên mây, nhất là những lúc trời mưa gió cầu rất trơn chỉ cần sơ suất là trượt té xuống sông. Biết là nguy hiểm nhưng đành liều mình vậy”, chị Trần Thị Hà, một người dân làng Hùng Sơn tâm sự.

Người dân nơi đây cho biết, chuyện người ngã xuống sông ở cầu Cóc xảy ra như cơm bữa. Người biết bơi thì không sao, những người không biết bơi, nếu không phát hiện được hoặc không cứu kịp thì chỉ có chết đuối, vì sông Yên sâu đến gần 7m, nước lại chảy xiết.

 “Đã hàng chục năm nay, hầu hết người dân xóm đảo Hùng Sơn chúng tôi, từ người già cho đến trẻ em không ai là không biết bơi, trừ những người làm dâu làm rể từ nơi khác đến, chứ nếu không biết bơi thì chắc ngày nào cũng có người chết”, ông Nguyễn Thế Đức - một cao niên của làng tâm sự.


“Thèm” cầu hơn thèm cơm thịt

Dân làng Hùng Sơn hiện nay, cuộc sống bà con thiếu thốn đủ thứ nhưng nếu làm một cuộc khảo sát nho nhỏ với câu hỏi gửi đến bà con Hùng Sơn mong cái gì nhất thì chắc chắn 100% người dân đều trả lời họ chỉ mong có cây cầu vững chãi. Anh Lê Hoài Nam, nhà ở sát bên cầu Cóc cho biết: Cuối năm ngoái, mưa bão bất ngờ, vì dân không kịp tháo cầu, toàn bộ cây cầu bị cuốn phăng. Khốn khó lắm nhưng dân lại phải quyên góp làm lại cầu cho các cháu đi học. Đời mình thất học đã đành chứ các con em sau này thất học thì tội”.

Về mong mỏi này của người dân, ông Hoàng Công Thi, Chủ tịch UBND xã Tượng Văn, chia sẻ: “Thực ra, cũng muốn xây cho dân một cây cầu đi lại cho an toàn, không chỉ riêng người dân làng Hùng Sơn mà cả những người dân trong xã và các huyện lân cận đi. Nhưng kinh phí xây dựng một cây cầu quá lớn, nằm ngoài ngân sách của xã. Chúng tôi cũng đã kiến nghị lên các cơ quan huyện, tỉnh. UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã có công văn phê duyệt và có dự án xây dựng cầu với kinh phí là 12,5 tỉ đồng, dự định đầu năm 2010 sẽ xây cầu cho dân đi lại. Nhưng sau đó, việc xây dựng cây cầu bị tạm hoãn lại do ngân sách của tỉnh phải tiết giảm”.

Cụ Tâm, một người trong làng Hùng Sơn thì thào: “Đời tôi đã già rồi, không biết đến lúc nhắm mắt có được nhìn thấy một cây cầu cho đúng nghĩa bắc qua sông này để con cháu nơi đây đỡ khổ hay không…”.

Rời làng Hùng Sơn khi trời sập tối, tôi vẫn day dứt bởi câu hỏi của một cậu học trò nhỏ: “Khi nào chúng cháu mới có thể ung dung đạp xe qua cầu đi học mà không phải lo chết đuối hả chú?”.