Xóm núi

ANTĐ - Cuối tuần, Quốc - một cậu em bảo: “Về nhà em đi, đằng nào ở Hà Nội chị cũng ngủ cho hết hai ngày”. Vậy là đi. Từ điểm dừng xe ven quốc lộ phải chạy 20km đường núi ngoằn ngoèo nữa mới tới nhà.

Bữa trưa muộn, cả nhà ngồi đợi khi Quốc gọi điện nhờ hàng xóm nhắn hôm nay có khách. Cơm có măng rừng đắng đến chảy nước mắt, chấm với muối ớt lại thấy hợp nhau kỳ lạ, ăn không biết no. Bà nội và bố mẹ Quốc quý mến khách của con rất hồn nhiên, xưng “tao” gọi “mày” tự nhiên như người nhà: “Gắp cá gắp thịt đi, bổ béo gì cái măng ấy mà mày ăn tài thế”

Nửa buổi chiều, Quốc giắt con dao quắm thắt lưng, rủ: “Lên núi với em”. Ngay phía sau nhà Quốc là dãy núi thấp, nhìn thì rất gần, tưởng có thể chạm được vào màu xanh của rừng ngay được. Đường mòn theo dọc triền suối, mùa này nước cạn, chỉ róc rách luồn quanh những tảng đá nhẵn lì nằm cạnh nhau từ triệu năm trước. Quốc phăm phăm đi trước, tay phạt lia lịa những cành cây chìa ra lối đi. Được nửa quãng đường thì cảm giác hai bàn chân phồng rộp trong giày, cổ họng khô cháy. Quốc chạy xuống sát bờ suối, mang lên một cành cây có lá giống loại đót dùng làm miến được chặt vát một đầu: “Chị hút đi”. Nước trong thân cây ngọt mát, có mùi thanh thanh, sau này mới biết đó là cây sa nhân. Người đi rừng không mang theo nhiều thứ lỉnh kỉnh, chỉ cần óc quan sát và phán đoán vì trong rừng luôn có sẵn những thứ cần cho sự sống.

Quốc xoải tay nằm bên cạnh hố nước rộng chừng một gian nhà (sao người ta lại đào... ao trên đỉnh núi nhỉ?), miệng nhấm nhấm cọng cỏ mật, giải đáp: “Bọn em đào hố nước này để giữ trâu. Nhà nông đi làm theo mùa vụ, phải luân phiên nhau thả trâu cho cả xóm. Một người không thể trông được mười mấy con trâu, đào cái hố này để chứa nước mưa, buổi trưa trâu mò lên đây tìm nước uống, không chạy lung tung nữa. Chiều ăn no sẽ tự theo đàn về tận nhà”. Ra là vậy, không phải nước lúc nào cũng chảy về chỗ thấp. Có lúc phải đi ngược quy luật để hình thành phản xạ có điều kiện cho vật nuôi khiến chúng tuân theo ý muốn của con người.

Đường quay về đã quen, lại xuống dốc nên nhanh hơn lúc đi. Quốc dặn: “Chị cẩn thận đấy, đi xuống dễ bị ngã vì chùn chân”. Xuống đến chân núi là quãng đồng bằng phẳng hiếm hoi, mạ vừa bén rễ, một màu xanh non ánh lên trong ráng chiều. Đây là xã cuối cùng của huyện vừa được kéo điện về, những cột điện tự tạo từ thân tre, cây bạch đàn lêu nghêu đứng giữa đồng, trên đầu mắc song song hai sợi dây màu xanh đỏ. Trên hai đường dây, cứ khoảng 2-3m lại mắc vào đó một ngọn tre hoặc cành cây nhỏ còn nguyên gai góc. Quốc giải thích: “Đường dây này phải mắc lại đến lần thứ ba rồi đấy chị ạ. Bọn nghiện liều lắm, dây mắc buổi sáng thì đến tối, chúng mang kìm ra cắt nghiến đi bán đồng nát. Có đứa bị điện giật chết mà chúng cũng chẳng sợ. Sau dân làng mới nghĩ ra cách buộc thêm những cành gai vào để chúng cắt xuống thì cũng phải mất thời gian gỡ gai, may ra bảo vệ đi tuần phát hiện được”.

 Sáng hôm sau cả nhà Quốc ra vườn dỡ khoai lang. Ruộng khoai ngay trước nhà, cạnh con ngòi nhỏ. Bà nội nhặt một rổ mang về luộc trước. Dỡ hết khoai, ra ngòi rửa chân tay, Quốc chỉ cây cầu tràn, bảo: “Từ khi có cây cầu này mấy đứa trẻ con trong xóm mới đỡ nghỉ học đấy”. Cầu, nhưng lại chỉ cao hơn mặt nước một chút trong mùa cạn. Địa hình dốc nên mùa mưa, nước đổ về con ngòi này rất nhanh, nếu xây cầu có trụ sẽ bị cuốn phăng đi ngay bởi những trận lũ ống, lũ quét. Vì vậy phải có những cây cầu chịu “chung sống với lũ”, cầu xây sát mặt nước, phía dưới có những cửa cống ngầm cho nước chảy qua, khi có lũ, nước “tự do” tràn lên mặt cầu nên gọi là “cầu tràn”. Nước tràn mặt cầu thì ngòi biến thành sông, lại cần đến thuyền tôn và người chèo thuyền như… bố Quốc. Ông làm việc này tự nguyện như một “công bộc” không lương cho người dân trong xóm đi chợ và lũ trẻ đi học bao năm nay.

Nồi khoai lang mới đổ ra rổ còn bốc hơi nghi ngút, những củ khoai mới dỡ tròn ủng, chưa có vị ngọt của mật, nhưng lại bở tơi, bùi ngậy. Mẹ Quốc cười: “Khoai này dưới phố chắc không có. Ở đây người ta về mua rẻ quá nên toàn để cho trâu bò ăn dần, không ai bán”. Dưới phố, các chị hàng rong vẫn bán khoai luộc, củ nhỏ như chuôi liềm, ngọt lịm đường hóa học, đon đả mời: “Ăn đi em, khoai ta mới nhỏ thế này đấy, chứ khoai nhập to tướng mà nhạt phèo”. Nghe mà buồn, không lẽ thứ gì còi cọc, sâu đục lỗ chỗ mới là của ta, mới mang lại sự an toàn cho sinh mạng?

Chiều chủ nhật Quốc chở ra bến xe, bà nội cố ấn vào tay cân chè Tân Cương chính hiệu: “Mang về mà uống con ạ, chúng mày còn trẻ mà cứ cà phê cà pháo nó hư người ra”. Bà ơi, bà ở tận xóm núi này sao biết đi uống cà phê là “hư người”…

Xóm núi lùi dần ở phía sau, lại sắp trở về với đời phố ồn ã. Quốc đứng bên cửa xe, tần ngần: “Chị về nhé. Có dịp nào đi công tác trên này nhớ rẽ vào nhà em. Tuần sau em bay rồi, không biết bao giờ về để gặp chị”.

Bây giờ mới nhớ, Quốc đã hoàn tất thủ tục xuất khẩu lao động tận bên kia địa cầu…