Xin đừng nhắc đến danh từ... "ca sỹ"

ANTĐ - Khán giả đã chứng kiến không ít thành công và thất bại của những ca sĩ “tay ngang”. Do sự phát triển đến chóng mặt của sân khấu âm nhạc Việt Nam, sức hút từ nghề ca sĩ ngày càng lớn,  khiến nhiều người  đua nhau thử sức lấn sân sang sân khấu âm nhạc vì họ lầm tưởng rằng cứ lên sân khấu cầm mic là trở thành ca sĩ.

Ai cũng muốn “cầm mic”

Có lẽ thành công nhất cho đến thời điểm này, sân khấu âm nhạc ghi nhận cái tên Hồ Ngọc Hà. Sau khi từ giã nghiệp diễn thời trang, Hồ Ngọc Hà được nhiều nhạc sĩ tên tuổi như Huy Tuấn, Đức Trí… nâng đỡ. Với lợi thế ngoại hình, Hồ Ngọc Hà đã dành chiến thắng ở lĩnh vực ca sĩ của thị trường. Từ những vũ điệu bốc lửa, “giật tóc móc mắt” cho đến những bản tình ca lấy hết nước mắt của những bạn trẻ đang yêu, Hồ Ngọc Hà trở thành ca sĩ đa-zi-năng trong mọi thể loại âm nhạc.

Và có lẽ Hồ Ngọc Hà đã trở thành “động lực” khiến nhiều người mẫu, diễn viên… tự tin hơn khi cầm mic. Đồng nghiệp với Hồ Ngọc Hà trên những sàn diễn thời trang, siêu mẫu dao kéo Phi Thanh Vân cũng đã quyết tâm cầm micro thể hiện những ca khúc mà cho đến giây phút này, chúng đều được liệt vào danh sách “thảm họa nhạc Việt”. Không biết là do đam mê ca hát hay cố tính phớt lờ sự phản ứng của khán giả, Phi Thanh Vân tiếp tục tung ra những ca khúc Hits thảm họa. Nhưng chất giọng cố gắng để trở thành ca sĩ của cô vẫn còn phải rèn luyện rất nhiều, và còn khó có thể so sánh với những “ca sĩ” trong những phòng hát karaoke.

Thêm một “chân dài” nữa dấn thân vào con đường ca hát,  danh hiệu nữ hoàng Dance Sport là xứng đáng, nhưng bấy nhiêu danh tiếng đó cũng chưa thể giúp cô trở thành ca sĩ. Ở lĩnh vực của mình, Khánh Thi dường như chưa có đối thủ, cô liên tiếp gặt hái được những thành công. Nhưng sức hấp dẫn của sân khấu âm nhạc khiến Khánh Thi ấp ủ những dự định và xác định cho mình một lộ trình trở thành ca sĩ. Khánh Thi cũng xác định con đường ca hát vừa để thỏa mãn niềm yêu thích, và năng lực ca hát của cô vẫn chưa được khán giả cùng giới chuyên môn đánh giá cao cho đến thời điểm này.

Siêu mẫu Hà Anh với vẻ đẹp “lạ” của mình từ lâu đã trở thành gương mặt yêu thích của nhiều tạp chí, nhãn hiệu thời trang hàng đầu. Sau series chương trình Cặp đôi hoàn hảo, Hà Anh cũng nuôi cho mình ước muốn trở thành ca sĩ. Với single “ Model” mới được ra mắt, Hà Anh mang đến cho khán giả hình ảnh người mẫu hát. Tiết tấu giai điệu của ca khúc không đặc sắc, cộng thêm việc “hát như nói” của Hà Anh khiến việc “thẩm định” chất lượng chưa được rõ ràng.

Đương nhiên việc thể hiện niềm đam mê ca hát là không hề xấu, thực sự nên phát huy trong một chừng mực nào đó. Và nếu như họ có khả năng, thì việc tự tin cầm mic cũng là điều khỏi phải bàn. Nhưng nếu hát để thương mại hóa hành động ca hát của mình thì phải xem lại. Lên sân khấu mà không biết hát tức là cưỡng bức người nghe. Hay nói đúng hơn, không biết hát mà cứ đòi cầm mic sẽ làm biến dạng đời sống âm nhạc

Sau cuộc thi Cặp đôi hoàn hảo, chàng lực sĩ trẻ Phạm Văn Mách đã được khán giả biết đến và yêu thích bởi ở anh có chất giọng “tạm nghe”. Và ấn tượng của anh trong cuộc thi vẫn còn đâu đó trong lòng khán giả. Nhưng nếu Phạm Văn Mách tiếp tục theo đuổi con đường ca hát thì quả là có quá nhiều khó khăn đối với anh. Nhiều khán giả cho rằng anh đã quá ảo tưởng với tương lai ca sĩ mà quyết tâm đi theo sự nghiệp cầm mic...

Hãy tránh xa ảo ảnh

Ngoài những cái tên đình đám được nhắc đến ở trên, khán giả sẽ không hề lạ lẫm với những dự án âm nhạc của siêu mẫu Thanh Hằng, Trúc Diễm, Trang Nhung… Ít nhiều khán giả đều cho rằng sự lấn sân sang sân khấu âm nhạc có thể sẽ là làn gió mới cho nhạc Việt, hoặc cũng có thể làm những sản phẩm hài hước cho làng nhạc.

Để trở thành một ca sĩ không hề đơn giản như nhiều người suy nghĩ, nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc cho biết: “Ca sĩ là người thể hiện tinh thần tác phẩm của nhạc sĩ. Hiện nay có một quan niệm hết sức ấu trĩ, sai lầm của không ít bạn trẻ khi cho rằng cứ có giọng, hát đúng nhạc là có thể trở thành ca sĩ. Khoa Thanh nhạc, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam đào tạo từ trung cấp lên tới đại học là 9 năm ròng rã. Ngoài việc luyện thanh, lấy hơi, nhả chữ, xử lý tác phẩm, sinh viên còn được học về thẩm mỹ âm nhạc, phân tích tác phẩm, lịch sử âm nhạc… Ngoài việc học về kỹ thuật thanh nhạc, người được đào tạo làm ca sĩ còn phải được bồi đắp kiến thức về âm nhạc, về văn hóa, thẩm mỹ học. Đành rằng yếu tố năng khiếu là tiền đề, nhưng có năng khiếu mà không được học hành bài bản sẽ không bao giờ trở thành chuyên nghiệp được. “Vụt sáng” rồi lại “Vụt tắt” rất nhanh”.

Việc các nghệ sĩ lấn sân sang ca hát đó là quyền của họ. Và thực tế, những điểm nhấn từ những ca sĩ tay ngang cũng chỉ là những nốt nhạc vui trong làng nhạc Việt Nam.  Nhưng họ cần hiểu rằng để trở thành ca sĩ, để thành công với nghề là cả một sự khổ luyện và phải được đào tạo bài bản. Nếu thật sự có khả năng, có đủ đam mê, có kiến thức thanh nhạc, các nghệ sĩ sẽ làm được những điều mình muốn. Nhưng nếu họ không có đủ yếu tố đó, thì việc “lấn sân” sẽ không những không làm họ tỏa sáng trên sân khấu mà còn phản tác dụng. Khán giả sẽ quay lưng với họ... Hãy tránh xa ảo ảnh của những hào quang vụt qua, chạy theo hư danh, xem sân khấu âm nhạc là một cuộc vui thì xin đừng nhắc đến danh từ “ca sĩ”.