Xiếc kết hợp cùng cải lương, dựng vở về huyền thoại tứ bất tử Việt Nam

ANTD.VN - Liên đoàn Xiếc Việt Nam và Nhà hát Cải lương Việt Nam đang triển khai thực hiện dự án có sự kết hợp của 2 hình thức nghệ thuật này trong cùng tác phẩm sân khấu "Huyền sử Việt". Dự án được triển khai trong 4 năm (2020-2023) với kỳ vọng sẽ tạo ra sự mới mẻ, thu hút khán giả đến rạp hát. 

 

 

Lý do để những người tổ chức tin tưởng, dự án sẽ thành công và không tạo nên một sản phẩm nghệ thuật khiên cưỡng là bởi, nghệ thuật cải lương vốn được ra đời từ những cách tân. Và theo một số tài liệu, ngay từ những năm 60, cải lương có pha thêm những cảnh múa, đu bay, diễn võ cốt chỉ để thêm sinh động cho cảnh diễn.

Sự dung nạp không thành kiến của cải lương có thể coi là sự lai tạp, nhưng đây cũng là  đặc điểm để làm cải lương mang hấp dẫn hơn và phục vụ nhu cầu thưởng thức của khán giả. Còn xiếc không quá xa lạ việc biểu diễn trong tác phẩm nhạc kịch xiếc. Vậy nên, lần này, thay vì diễn trong một vở nhạc kịch xiếc sẽ là một vở kịch hát cải lương. Các thể loại như đu dây, ảo thuật, thú biểu diễn, nhào lộn sẽ xuất hiện trong tác phẩm nhằm minh họa cho nội dung của vở diễn.

 Ê kíp sáng tạo gặp gỡ chị Xuân Hồng, con gái của cố tác giả Hoàng Luyện, tác giả kịch bản “Chử Đồng Tử, Tiên Dung”

Đây là cơ hội để các nghệ sĩ xiếc được nâng cao nghệ thuật diễn xuất trên sân khấu, đồng thời các nghệ sĩ cải lương sẽ bổ sung các kỹ năng phụ trợ mang tính hấp dẫn và giải trí do các nghệ sĩ xiếc hỗ trợ tập luyện và biểu diễn.

Đồng thời, những người tổ chức rất chú trọng việc sử dụng các ứng dụng công nghệ cho sân khấu, đạo cụ và âm thanh ánh sáng, cũng như việc lựa chọn các phần diễn mang kỹ năng, kỹ thuật cao của cả hai loại hình, tạo nên những màn trình diễn độc đáo của chương trình.

Dự kiến sẽ có 20 diễn viên, nhạc công cải lương và 25 diễn viên xiếc sẽ tham gia chương trình. Sân khấu trang trí theo từng cảnh của vở, sử dụng không gian, các sân khấu phụ kết hợp tương tác cùng khán giả.

"Huyền sử Việt" được dàn dựng từ kịch bản "Chử Đồng Tử, Tiên Dung" của cố tác giả Hoàng Luyện, Giải thưởng Nhà nước về VHNT. Kịch bản này sẽ được tác giả Lê Thế Song bố cục lại về nội dung, cho phù hợp thời lượng của sản phẩm nghệ thuật này. 

Tác phẩm phản ánh những huyền thoại về tứ bất tử, bốn vị thánh trong đời sống tín ngưỡng Việt Nam. Ðó là Tản Viên Sơn Thánh, Phù Ðổng Thiên Vương, Chử Ðồng Tử và Công chúa Liễu Hạnh. Nếu Tản Viên Sơn Thánh là vị thần đại diện cho ước vọng chinh phục tự nhiên, chiến thắng thiên tai của người Việt; thì Phù Ðổng Thiên Vương đại diện cho sức mạnh tuổi trẻ, tinh thần chống ngoại xâm quật cường.

Vở "Chuyện tình Khau Vai" có sự kết hợp giữa cải lương và âm nhạc dân gian miền núi

Trong khi đó, Chử Ðồng Tử tượng trưng cho lòng hiếu nghĩa, tình yêu và ước mơ về sự sung túc. Công chúa Liễu Hạnh tượng trưng cho đức hạnh, trí tuệ, sự thịnh vượng. Các nhân vật sẽ được thể hiện qua các công trình nghệ thuật được dàn dựng liên tiếp qua các năm. Trước mắt, công trình nghệ thuật đầu tiên của dự án tập trung thể hiện hình tượng Chử Ðồng Tử. 

NSND Triệu Trung Kiên, Quyền Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam phấn khởi cho biết, dù xiếc và cải lương có sự khác nhau và mỗi loại hình mang tính đặc thù riêng. Nhưng khi đứng chung trên sân khấu, nếu được xử lý khéo léo sẽ giúp tôn vẻ đẹp của nhau và tạo ra sự hứng khởi với khán giả. Trong khi ấy, NSND Tống Toàn Thắng, Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam dường như khẳng định chắc chắn, khi cải lương kết hợp cùng xiếc, các nghệ sĩ của 2 đơn vị nghệ thuật sẽ được học hỏi và nâng cao nghệ thuật biểu diễn. Từ đó trau dồi kiến thức và kỹ năng nghề nghề.