"Xì" bớt áp lực chiếc "nồi hơi" khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên

ANTD.VN - Từ lời đề nghị cho tới khi các bên liên quan tới cuộc khủng hoảng hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên có thể thực sự ngồi lại với nhau còn khoảng cách khá xa, song dù sao điều này cũng giúp làm giảm căng thẳng hiện nay.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và phu nhân (hàng trước) cùng Trưởng đoàn Triều Tiên Kim Yong-nam và bà Kim Yo-jong, em gái nhà lãnh đạo Kim Jong-un (hàng sau) tại Lễ khai mạc Olympic mùa Đông PyeongChang 2018

Trong cuộc gặp với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tại Lễ bế mạc Olympic mùa Đông PyeongChang 2018 diễn ra tối 25-2, Trưởng đoàn Cấp cao Triều Tiên Kim Yong-chol tuyên bố, Triều Tiên sẵn sàng tiến hành đàm phán trực tiếp với Mỹ. Đây được xem là động thái bất ngờ trong bối cảnh quan hệ giữa Triều Tiên và Mỹ đang hết sức căng thẳng sau hàng loạt bước leo thang nguy hiểm từ cả hai phía quanh cuộc khủng hoảng hạt nhân và tên lửa trên Bán đảo Triều Tiên.

Suốt thời gian hơn 1 năm kể từ khi Tổng thống Donald Trump lên cầm quyền tới nay, Triều Tiên đã liên tục tiến hành các vụ thử hạt nhân và tên lửa, những bước đi mà Mỹ cho rằng nhằm phát triển khả năng tấn công hạt nhân của Bình Nhưỡng. Triều Tiên cùng với việc tiến hành các vụ thử hạt nhân và nhiệt hạch (bom H), cũng đã thử loại tên lửa đạn đạo vượt đại châu (ICBM) có tầm bắn lý thuyết tới 13.000km, tức có khả năng vươn tới bất cứ vị trí nào trên lãnh thổ nước Mỹ.

Đáp lại, Mỹ cùng các đồng minh ở Đông Bắc Á cũng liên tục có những động thái tăng cường khả năng phòng thủ cũng như tấn công phủ đầu trước các cuộc tấn công hạt nhân. Bên cạnh đó, Mỹ liên tục siết chặt thêm các biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên. Mới đây nhất, ngày 23-2, đích thân Tổng thống Donald Trump đã công bố áp đặt những biện pháp trừng phạt mới mà ông cho là “lớn nhất từ trước tới nay” nhằm vào Triều Tiên. Theo đó, các biện pháp này nhằm vào 27 công ty thương mại và vận tải đường biển, 28 tàu thuyền và 1 cá nhân bị tình nghi giúp Triều Tiên “lách” các biện pháp trừng phạt hiện hành. 

Những biện pháp của Mỹ cùng Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thời gian qua tuy chưa đủ để buộc Triều Tiên dừng các chương trình hạt nhân và tên lửa gây tranh cãi, song rõ ràng đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế vốn rất khó khăn của nước này. Bình Nhưỡng có thể phải trả cái giá rất đắt về kinh tế cùng những hệ lụy khôn lường khác từ khó khăn kinh tế nếu tiếp tục có những động thái leo thang trong cuộc khủng hoảng hạt nhân.

Giới quan sát cho rằng, tìm cách cải thiện quan hệ liên Triều là một cách thức Bình Nhưỡng thường tiến hành khi gặp phải áp lực trừng phạt quá lớn. Thế nên, chẳng phải là ngẫu nhiên khi trước cuộc gặp bên lề lễ bế mạc, Đoàn đại biểu cấp cao Triều Tiên do Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Hội nghị Nhân dân Tối cao Triều Tiên Kim Yong-nam dẫn đầu (trong phái đoàn có bà Kim Yo-jong, em gái nhà lãnh đạo Kim Jong-un) cũng đã có cuộc gặp với Tổng thống Moon Jae-in khi sang dự lễ khai mạc.

Ngỏ tín hiệu xuống thang khi bất ngờ đề nghị đối thoại với Mỹ, nhưng Triều Tiên vẫn khẳng định quyết tâm phát triển năng lực tên lửa và hạt nhân như là “thanh gươm sức mạnh” để bảo vệ hòa bình để đối phó với các mối đe dọa từ Mỹ. Trong khi đó, phản ứng về đề nghị của Bình Nhưỡng, Thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Sanders lại tuyên bố cứng rắn rằng, sẽ có một “con đường tươi sáng hơn” sẵn sàng chờ đón Triều Tiên nếu nước này lựa chọn việc phi hạt nhân hóa.

Chia sẻ quan điểm với đồng minh Washington, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga nhấn mạnh, Tokyo hợp tác chặt chẽ song phương với Mỹ, cũng như hợp tác 3 bên Mỹ - Nhật - Hàn, nhằm buộc Triều Tiên thay đổi chính sách về phát triển hạt nhân và tên lửa.

Song dù với bất cứ lý do gì và triển vọng ra sao thì việc Triều Tiên liên tục có các cuộc đối thoại cấp cao với Tổng thống Moon Jae-in, đồng thời đề nghị đàm phán trực tiếp với Mỹ vẫn được xem là động tác “xì” bớt chứ không phải tăng thêm áp lực cho chiếc “nồi hơi” khủng hoảng hạt nhân.