Xét xử vụ Gang thép Thái Nguyên: Lựa chọn nhà thầu vì cấp trên giới thiệu?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Cựu Tổng giám đốc Gang thép Thái Nguyên khai đã lựa chọn nhà thầu phụ là doanh nghiệp của Bộ Công Thương vì được giới thiệu. Thực tế nhà thầu phụ không đủ năng lực...

Chiều 12-4, phiên tòa xét xử 19 bị cáo trong vụ Gang thép Thái Nguyên, gây thất thoát 830 tỷ đồng chuyển sang phần thẩm vấn. Cựu Tổng giám đốc Công ty CP Gang thép Thái Nguyên (TISCO) Trần Trọng Mừng là bị cáo đầu tiên bị thẩm vấn.

Phải ra hầu tòa khi tuổi đã hơn 70 nên bị cáo Mừng tỏ ra không nghe rõ nhiều câu hỏi của chủ tọa phiên xử, khiến HĐXX liên tục phải nhắc lại… Khai báo trước tòa, cựu Tổng giám đốc TISCO thừa nhận bản thân có trách nhiệm trong việc giới thiệu nhà thầu phụ không đủ năng lực thi công nhưng cho rằng, cáo trạng xác định ông giữ ta giữ vai trò chủ mưu cầm đầu là không chính xác.

Bị cáo Trần Trọng Mừng được dẫn giải vào phòng xử án.

Bị cáo Trần Trọng Mừng được dẫn giải vào phòng xử án.

Trong khi ấy, cáo trạng truy tố các bị cáo thể hiện, Dự án Mở rộng giai đoạn 2 của TISCO được triển khai năm 2007 và do Tổng công ty Thép Việt Nam (VNS) chỉ đạo, kiểm soát. Đơn vị trúng thầu là Tập đoàn Khoa học công nghệ và Thương mại luyện kim Trung Quốc (MCC).

Quá trình triển khai dự án, TISCO ký với MCC hợp đồng EPC trị giá hơn 160 triệu USD. Trong đó, phần E (thiết kế) trị giá hơn 3,1 triệu, phần P (cung cấp thiết bị) giá gần 115 triệu và phần C (xây lắp) trị giá hơn 42 triệu USD.

Nội dung hợp đồng EPC thể hiện, MCC phải thi công, chạy thử, chuyển giao công nghệ, sửa chữa lỗi nếu có... trong vòng 30 tháng. Tuy nhiên, MCC sau đó không thi công dự án và đòi tăng giá trị hợp đồng.

Các bị cáo tại TISCO và VNS chấp thuận yêu cầu này của nhà thầu Trung Quốc, đồng thời giới thiệu Tổng công ty Xây dựng Công nghiệp Việt Nam (VINAINCON) làm nhà thầu phụ thực hiện phần C.

Ngoài ra, phần C bị chuyển từ hợp đồng trọn gói (không điều chỉnh, thay đổi giá trị hợp đồng) sang hợp đồng theo đơn giá (giá trị hợp đồng thay đổi theo thời gian). Đến năm 2011, VINAINCON dừng thi công do không đủ năng lực nên dự án của TISCO bị tạm dừng đến nay.

Cơ quan truy tố cho rằng, việc các bị cáo chấp thuận tăng giá trị hợp đồng EPC và chọn nhà thầu phụ không đủ năng lực khiến dự án chậm tiến độ, làm phát sinh lãi vay… gây thiệt hại 830 tỷ đồng. Cáo trạng xác định, bị cáo Trần Trọng Mừng phải chịu trách nhiệm chính về vụ án.

Trả lời các câu hỏi của HĐXX, bị cáo Mừng không đồng tình với cáo buộc nêu trên và đề nghị tòa án xem xét cho ông ta. Cựu Tổng giám đốc Công ty CP Gang thép Thái Nguyên khai, khi MCC vi phạm hợp đồng, bản thân ông ta đã thay mặt TISCO làm văn bản nhắc nhở, đốc thúc nhà thầu.

TISCO cũng báo cáo sự việc lên VNS và Bộ Công thương, đề xuất dừng hợp đồng với MCC và phạt doanh nghiệp này nhưng lại nhận được chỉ đạo là phải tìm mọi cách tháo gỡ khó khăn, đảm bảo tiến độ.

Cũng theo bị cáo Mừng, TISCO đã lên phương án kiện doanh nghiệp Trung Quốc ra trọng tài quốc tế nên đã thuê một hãng luật của Singapore tư vấn. Hãng luật này sau đó thay chủ đầu tư nói rõ với MCC là nếu tiến độ dự án không được cải thiện thì sẽ phải chấm dứt hợp đồng.

Về việc điều chỉnh giá trị phần C lên thêm 15,6 triệu USD, bị cáo Trần Trọng Mừng khai đây là số liệu được VINAINCON đưa ra và TISCO đã trình số liệu này lên Tổng công ty Thép phê duyệt.

Việc tăng giá dù hợp đồng EPC là không đổi được bị cáo Mừng lý giải vì Thông tư 09 của Bộ Xây dựng cho phép và ngoài ra hợp đồng EPC cũng có điều khoản khi chính phủ có chính sách làm thay đổi giá thì các bên sẽ đàm phán lại.

Đáng chú ý, bị cáo Mừng khai đã giới thiệu VINAINCON làm nhà thầu phụ bởi đây là doanh nghiệp của Bộ Công Thương; TISCO đã nhận văn bản giới thiệu VINAINCON từ một Thứ trưởng Bộ Công Thương, nói doanh nghiệp này của bộ, có kinh nghiệm, từng xây lắp nhiều công trình quan trọng.

Dù vậy, bị cáo Mừng cho rằng ông ta không có trách nhiệm trong việc thay đổi phần C của hợp đồng, từ trọn gói sang đơn giá. Bởi bị cáo này cho rằng thời điểm thay đổi hình thức hợp đồng thì bị cáo Mừng đã nghỉ hưu.

“Lý do tôi đưa ra đúng như sau này thực tế diễn ra là điều chỉnh theo đơn giá sẽ tăng tổng mức đầu tư vì giá quý sau cao hơn quý trước, đến mức nào đó nó vượt tổng mức đầu tư thì không làm được nữa. Việc điều chỉnh theo đơn giá cũng không khuyến khích nhà thầu làm việc vì họ chờ quý sau giá tăng mới làm. Trên thực tế, sau này dự án hết vốn không làm được cũng vì vậy” – bị cáo Trần Trọng Mừng trình bày.