Xét xử vụ án Đồng Tâm: Các bị cáo đầu vụ nhận tội

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Chiều 7-9, phiên tòa xét xử 29 bị cáo trong vụ án giết người và chống người thi hành công vụ, xảy ra tại xã Đồng Tâm (Mỹ Đức, Hà Nội) tiếp diễn với nội dung đại diện Viện Kiểm sát nhân dân công bố cáo trạng; và Hội đồng xét xử thẩm vấn các bị cáo…

Trong vụ án này, 29 bị cáo đều trú ở xã Đồng Tâm (Mỹ Đức, Hà Nội) bị Viện KSND TP Hà Nội truy tố với 2 tội danh là “Giết người” và “Chống người thi hành công vụ”. Trong đó, các bị cáo Lê Đình Công (SN 1964), Bùi Viết Hiểu (SN 1943), Nguyễn Văn Tuyển (SN 1974), Lê Đình Chức (SN 1980) và Lê Đình Doanh (SN 1988) được đánh giá là chủ mưu, cầm đầu…

Cái gọi là “Tổ đồng thuận” ở Đồng Tâm…

Cáo trạng truy tố do đại diện Viện KSND thành phố nêu rõ: năm 2014, UBND TP Hà Nội có quyết định xác định toàn bộ đất Sân bay Miếu Môn (Mỹ Đức, Hà Nội) là đất quốc phòng. Bộ Quốc phòng sau đó đã lập sơ đồ bản đồ quản lý sân bay với 16 mốc giới và đã giao cho Quân chủng Phòng không - Không quân diện tích 236,7ha đất tại xã Mỹ Lương, xã Trần Phú, xã Đồng Lạc huyện Chương Mỹ và xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức.

Các bị cáo trong vụ án bị đưa ra xét xử tại phiên tòa

Trong đó, diện tích đất thuộc xã Đồng Tâm là 64,66 ha (với 47,63ha do HTX xã Đồng Tâm quản lý). Ngày 27-3-2015, Bộ Tổng tham mưu (Bộ Quốc phòng) ban hành Quyết định về việc thu hồi 50,3ha đất do Quân chủng Phòng không - Không quân quản lý, tại khu vực Sân bay Miếu Môn để giao cho Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel xây dựng dự án Quốc phòng, trong đó diện tích thuộc xã Đồng Tâm là 32,57 ha nằm trong diện tích 64,66 ha nêu trên.

Ngày 24-3-2016, Quân chủng Phòng không - Không quân bàn giao mốc giới ngoài thực địa cho Viettel để thi công dự án Quốc phòng. Dù vậy, từ năm 2013, một số đối tượng tại địa bàn xã Đồng Tâm đã thành lập cái gọi là “Tổ Đồng thuận” do Lê Đình Kình (SN 1936, trú tại thôn Hoành, xã Đồng Tâm), Lê Đình Công (con trai Lê Đình Kình) và Bùi Viết Hiểu cầm đầu.

Do có ý định chiếm đoạt đất ở cánh đồng Sênh thuộc quyền quản lý của Bộ Quốc phòng, các đối tượng này thường xuyên lôi kéo, kích động quần chúng nhân dân khiếu kiện phức tạp về công tác quản lý, sử dụng đất của chính quyền xã Đồng Tâm.

Bản thân Lê Đình Kình nguyên là Bí thư Đảng ủy xã Đồng Tâm và Bùi Viết Hiểu nguyên là Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp xã Đồng Tâm, đã tham gia chứng kiến việc giao, nhận đất nên biết rõ nguồn gốc đất ở cánh đồng Sênh là đất Quốc phòng. Tuy nhiên, Kình, Hiểu cùng đồng bọn vẫn tuyên truyền đất đồng Sênh là của xã Đồng Tâm, đồng thời kêu gọi người dân thôn Hoành đấu tranh để giữ đất và hứa sẽ chia cho những người tham gia đòi đất và đi theo “Tổ Đồng thuận”.

Sau đó, khi Viettel triển khai thi công dự án Quốc phòng, các đối tượng trong “Tổ Đồng thuận” do Lê Đình Kình cầm đầu thường xuyên tập trung tại khu đất 32,57 ha, tự ý đo đạc, phân lô, thuê máy cày, máy xúc để san lấp đất, canh tác, gieo trồng ngô trên khu vực này.

Tháng 2-2017, UBND xã Đồng Tâm có Thông báo yêu cầu các công dân trong xã không tự ý vào khu vực Sân bay Miếu Môn, không được thực hiện hành vi vi phạm pháp luật làm ảnh hường đến nhiệm vụ, công việc của đơn vị Quân đội, ảnh hưởng đến tình hình an trật tự an toàn xã hội ở địa phương... Nhưng các đối tượng vẫn tiếp tục gây cản trở đến hoạt động xây dựng dự án quốc phòng.

Sự tàn độc của các đối tượng trong vụ án

Cũng theo cáo trạng truy tố, ngày 19-4-2017, UBND TP Hà Nội giao Thanh tra thành phố thanh tra toàn diện việc quản lý, sử dụng và quá trình xử lý từ trước tới nay đối với diện tích đất khu Sân bay Miếu Môn, thuộc xã Đồng Tâm.

Bị cáo Lê Đình Chức được xác định là một trong những đối tượng cầm đầu vụ án.

Ngày 19-7-2017, Thanh tra TP Hà Nội đã ban hành Kết luận thanh tra và kết luận: Toàn bộ diện tích 239,9 ha đất Sân bay Miếu Môn nêu trên, trong đó diện tích thuộc xã Đồng Tâm là đất quốc phòng. Thế nhưng các đôi tượng trong cái gọi là “Tổ Đồng thuận” không đồng ý với nội dung trên.

Từ đó, một mặt Lê Đình Kình cầm đầu gửi đơn khiếu nại lên Thanh tra Chính phủ, mặt khác thực hiện hàng loạt các hoạt động tuyên truyền, xuyên tạc về nguồn gốc đất đồng Sênh, kích động, gây rối tại trụ sở chính quyền thôn, xã; đe dọa, uy hiếp tinh thần, xâm phạm sức khỏe của cán bộ và công dân xã Đông Tâm.

Đầu tháng 11-2019, theo chỉ đạo của Lê Đình Kình, Lê Đình Công bàn bạc với Bùi Viết Hiểu, Nguyễn Văn Tuyển, Nguyền Văn Duệ, Nguyễn Quốc Tiến về việc mua lựu đạn và chuẩn bị vũ khí, công cụ, phương tiện để tấn công lực lượng Công an làm nhiệm vụ bảo vệ việc thi công Sân bay Miếu Môn.

Các đối tượng đã góp tiền mua 10 quả lựu đạn, và chuẩn bị công cụ, vũ khí tấn công lực lượng chức năng gồm “bom” xăng, vôi, ớt bột và dao bầu, liềm gắn vào tuýp sắt, gạch đá...

Song song với việc chỉ đạo đồng bọn chuẩn bị công cụ, phương tiện tấn công, chống đối lực lượng làm nhiệm vụ, ngày 1-1-2020, Kình cùng Công, Hiểu và Tuyển tổ chức quay video, ghi hình trực tiếp, rồi đăng tải lên mạng xã hội với tuyên bố sẽ giết lực lượng Công an.

Đến khoảng 3h ngày 9-1-2020, khi biết lực lượng Công an di chuyển về khu vực thi công dự án, Công, Hiểu và Tuyển sử dụng mạng xã hội Facebook thông báo, hô hào đồng bọn, rồi các đối tượng kéo đến tụ tập tại nhà Kình và Chức để tấn công lực lượng Công an.

Tại đây, Công bắn pháo, Quân mang 1 két bom xăng lên mái nhà Kình và đánh kẻng báo động. Trung cầm tuýp sắt gắn dao bầu ra phía sau nhà Chức canh gác. Các đối tượng còn lại nấp ở nhiều vị trí. Khi thấy lực lượng Công an di chuyển đến cổng thôn Hoành (cách nhà Lê Đình Kình khoảng 50 mét), và bất chấp sự kêu gọi, vận động, các đối tượng ném liên tiếp 3 quả lựu đạn về phía lực lượng Công an nhưng lựu đạn không nổ.

Trước tình hình trên, lực lượng Công an buộc phải triển khai biện pháp để bắt giữ cũng như trấn áp, ngăn chặn hành vi nguy hiểm của các đổi tượng. Quá trình này, 3 cán bộ, chiến sỹ Công an đã anh dũng hy sinh.

Phạm tội do thiếu hiểu biết pháp luật (?!)

Trong ngày đầu xét xử vụ án giết người và chống người thi hành công vụ, xảy ra tại xã Đồng Tâm, nhóm bị cáo được xác định là giữ vai trò cầm đầu, chủ mưu đã khai nhận hành vi phạm tội như cáo trạng truy tố, với lý do thiếu hiểu biết pháp luật.

Bị cáo Lê Đình Công thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội.

Cụ thể, Lê Đình Công thừa nhận đã mua lựu đạn, chuẩn bị "bom" xăng, vũ khí để chống đối. Về việc góp tiền mua lựu đạn, Công khai số tiền này được góp từ tiền thuê luật sư còn thừa và sau đó bị cáo đi xin thêm mọi người, nói để giữ đất nhưng không nói cụ thể mua lựu đạn. Lê Đình Công cũng thừa nhận sáng 9-1, bị cáo đã ném đá, “bom” xăng, lựu đạn.

“Sau khi biết 3 chiến sỹ công an hy sinh, bị cáo hết sức hối hận và trong tòa hôm nay, bị cáo xin lỗi 3 gia đình của 3 cán bộ hy sinh. Mong các gia đình tha thứ cho bị cáo. Bị cáo thành khẩn nhận ra sai lầm của mình, thành khẩn khai báo để mong muốn nhận sự khoan hồng của pháp luật”, bị cáo Lê Đình Công trình bày.

Tương tự, bị cáo Nguyễn Văn Tuyển cũng xin được hưởng khoan hồng và nói: “Bị cáo xin hình phạt nhẹ nhất vì bị cáo là tàn tật, ở nhà có mẹ già và còn phải nuôi mẹ vợ. Vợ bị cáo ốm đau, các con của bị cáo cũng cần sự chăm sóc nên mong Đảng, Nhà nước giảm nhẹ cho bị cáo”.

Đến lượt mình, Lê Đình Chức (con trai Lê Đình Kình, em bị cáo Lê Đình Công) cũng thừa nhận rạng sáng 9-1 đã cầm “bom” xăng, lựu đạn ném về phía lực lượng công an. Sau đó, Chức nghe thấy có người thông báo 3 người bị rơi xuống hố là “giếng trời”, nên chỉ đạo cháu ruột là Lê Đình Doanh mang xăng ra.

“Bị cáo dùng tuýp sắt gắn phóng lợn chọc xuống. Sau đó, bị cáo thấy có can xăng ở dưới chân nên rót ra 2 nắp chai đổ xuống, châm lửa để nhìn nhưng không thấy gì và lại đổ xăng xuống”, Lê Đình Chức khai.

Ngày mai (8-9), phiên tòa tiếp tục với phần thẩm vấn các bị cáo.