Xét xử vụ án đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại xã Đồng Tâm: Các bị cáo tiếp tục được hưởng sự khoan hồng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Chiều 14-9, sau 7 ngày xét xử và nghị án, phiên xử sơ thẩm 29 bị cáo trong vụ án đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại xã Đồng Tâm khép lại với việc Tòa án đưa ra các phán quyết…

Quá trình phiên tòa diễn ra, 25/29 bị cáo trong vụ án bị Viện kiểm sát nhân dân TP Hà Nội (VKS) truy tố về tội “Giết người” và 4/29 bị cáo bị đưa ra xét xử tội “Chống người thi hành công vụ”. Tất cả các bị cáo trong vụ án đều trú tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội.

Tại phần luận tội, áp dụng chính sách khoan hồng của pháp luật, đại diện Viện kiểm sát thực hành quyền công tố tại phiên tòa đã đề nghị chuyển tội danh cho 19 bị cáo từ tội “Giết người” sang “Chống người thi hành công vụ”, nâng tổng số bị cáo bị truy tố, xét xử về tội danh này lên 23.

Các bị cáo đều thành khẩn nhận tội

Nhận định về vụ án, HĐXX sơ thẩm TAND TP Hà Nội khẳng định, về tố tụng, các cơ quan tiến tụng đã thực hiện đúng quy định, đúng thẩm quyền. Các bị cáo không khiếu nại về hành vi tố tụng, do đó quyết định tố tụng được thực hiện hợp pháp, đúng quy định của pháp luật.

Các bị cáo trong vụ án bị đưa ra xét xử tại phiên tòa

Về hành vi của các bị cáo, các bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng truy tố; lời khai của các bị cáo tại phiên tòa phù hợp với lời khai tại cơ quan điều tra (CQĐT) và lời khai của các bị cáo cũng phù hợp với nhau và phù hợp với các vật chứng đã thu thập được trong vụ án.

Cụ thể, mặc dù biết rõ đất cánh đồng Sênh ở xã Đồng Tâm là đất Quốc phòng đã được Thanh tra TP Hà Nội và Thanh tra Chính phủ kết luận, các cơ quan chức năng đã tổ chức đối thoại với nhân dân xã Đồng Tâm để người dân hiểu và yêu cầu nhân dân thực hiện đúng quy định của pháp luật, nhưng từ năm 2013, Lê Đình Kình (SN 1936, trú tại thôn Hoành, xã Đồng Tâm) đã cùng Lê Đình Công, Bùi Viết Hiểu, Nguyễn Văn Tuyển và một số người tại xã Đồng Tâm thành lập “Tổ Đồng thuận” với mục đích chiếm lại đất đồng Sênh chia nhau.

Các bị cáo này thường xuyên lôi kéo, kích động quần chúng nhân dân khiếu kiện phức tạp về việc quản lý, sử dụng đất của chính quyền xã Đồng Tâm; sử dụng mạng xã hội tuyên truyền đất đồng Sênh là của xã Đồng Tâm; đồng thời kêu gọi người dân xã Đồng Tâm “đấu tranh để giữ đất”. Ngoài ra, từ năm 2017 đến đầu năm 2020, Lê Đình Kình đã chỉ đạo “Tổ Đồng thuận” và nhiều người gây ra nhiều vụ việc phức tạp đến an ninh, trật tự ở địa phương.

Khi biết thông tin Công an TP Hà Nội phối hợp với Quân chủng Phòng không - Không quân (Bộ Quốc phòng) triển khai bảo vệ lực lượng thi công xây dựng tường rào Sân bay Miếu Môn trên đất đồng Sênh, Lê Đình Kình đã cùng các bị cáo góp tiền mua lựu đạn, làm bom xăng, mua tuýp sắt gắn dao bầu và liềm, nhặt gạch đá, làm bùi nhùi, mua pháo… nhằm tấn công lực lượng chức năng.

Ngày 9-1-2020, khi lực lượng Công an đến chốt cổng làng thôn Hoành, xã Đồng Tâm (cách nhà Lê Đình Kình khoảng 50 mét) để bảo vệ mục tiêu theo kế hoạch, đã bị các bị cáo dùng bom xăng, lựu đạn, hung khí tấn công... Trong quá trình kiên quyết trấn áp hành vi đặc biệt nguy hiểm của các bị cáo, 3 cán bộ chiến sỹ Công an đã hy sinh.

Trong vụ án này, HĐXX nhận thấy bị cáo Lê Đình Công là người chủ trì các cuộc họp, kích động, lôi kéo mọi người chống lại lực lượng chức năng. Bị cáo Bùi Viết Hiểu dù biết rõ nguồn gốc đất xã Đồng Tâm nhưng vẫn tham gia xuyên tạc thông tin, cùng bị cáo Công bàn bạc và là người trực tiếp ném chai xăng vào lực lượng chức năng. Bị cáo Lê Đình Chức tham gia họp bàn tại nhà Lê Đình Kình, ném gạch, bom xăng, lưu đạn về lực lượng Công an… để ngăn cản lực lượng thi hành công vụ.

Với tội ác tàn bạo, Lê Đình Công bị tuyên phạt mức án cao nhất

Hành vi tàn độc, hậu quả đặc biệt nghiêm trọng

Theo HĐXX, hành vi của các bị cáo là vô cùng tàn ác khi dùng các hung khí nguy hiểm tấn công lực lượng chức năng, khiến 3 chiến sỹ Công an tử vong; các bị cáo thực hiện hành vi phạm tội với lỗi cố ý trực tiếp, phạm tội quyết liệt, đến cùng. Hành vi phạm tội thể hiện các bị cáo mất hết tính người và đủ yếu tố cấu thành tội “Giết người”.

Đối với 19 bị cáo mà VKS rút phần truy tố, đồng thời chuyển từ tội “Giết người” sang “Chống người thi hành công vụ”, HĐXX cho rằng qua điều tra và qua phiên tòa xét xử công khai cho thấy, các bị cáo này bị lôi kéo, nhận thức không đúng nên đã đi theo Lê Đình Kình và bị cáo Công; các bị cáo nhận sự chỉ đạo của "Tổ đồng thuận" để họp bàn, góp tiền mua xăng, lưu đạn…

Bị cáo Lê Đình Chức bị Tòa tuyên mức án tử hình

Bị cáo Lê Đình Chức bị Tòa tuyên mức án tử hình

HĐXX nhận thấy, hầu hết các bị cáo đều có mặt tại nhà Lê Đình Kình để bàn bạc về cách thức chống đối lực lượng thực thi pháp luật. Tất cả các bị cáo đều thực hiện hành vi rất tích cực, chuẩn bị công cụ, phương tiện nhằm trực tiếp chống đối lực lượng chức năng nhưng các bị cáo đều bị xúi giục, lôi kéo và được hứa hẹn...

Các bị cáo thực hiện hành vi giúp sức ở vị trí, vai trò nhất định và không trực tiếp gây ra cái chết cho 3 nạn nhân. Tại tòa, các bị cáo này đều khai báo thành khẩn, phù hợp với tài liệu và chứng cứ có trong vụ án. Từ đó, HĐXX nhận thấy quyết định chuyển tội danh của VKS cho 19 bị cáo là có cơ sở, đúng người và đúng pháp luật.

Nhận định về tính chất, mức độ của vụ án, HĐXX khẳng định đây là vụ án hình sự rất nghiêm trọng, hành vi của các bị cáo là đặc biệt nguy hiểm, coi thường sức khỏe, tính mạng của người khác và khi thực hiện hành vi phạm tội vô cùng tàn độc, gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Nhóm bị cáo bị truy tố tội “Giết người” giữ vai trò chủ mưu, hành vi thực hiện rất tích cực. Trong đó, bị cáo Công giữ vai trò chủ mưu cầm đầu, tổ chức các cuộc họp bàn, chuẩn bị công cụ, phương tiện, đồng thời phân công các bị cáo khác thực hiện hành vi và trực tiếp ném bom xăng, lựu đạn vào lực lượng chức năng. Hành vi của bị cáo là nguyên nhân trực tiếp gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Dù bị cáo khai báo thành khẩn, nhưng xét thấy vẫn cần thiết phải loại bỏ bị cáo ra khỏi xã hội.

Bị cáo Lê Đình Chức cũng chủ động chống đối, cùng mang hung khí lên trần nhà rồi ném bom xăng, lựu đạn về phía lực lượng Công an, dùng ống tuýp sắt gắn dao bầu chọc, khiến 3 chiến sỹ Công an ngã xuống hố, rồi cùng bị cáo Doanh đổ xăng thiêu chết các nạn nhân. Hành vi của bị cáo thể hiện sự mất nhân tính, không còn khả năng cải tạo. Bị cáo Chức cũng từng bị xét xử về tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”.

Nhiều bị cáo tiếp tục được khoan hồng

Đối với bị cáo Lê Đình Doanh, HĐXX nhận định bị cáo này cũng tích cực thực hiện hành vi phạm tội, trực tiếp ném gạch đá, bom xăng về lực lượng chức năng, gây nên cái chết của 3 chiến sỹ Công an. Hành vi của bị cáo là vô cùng quyết liệt, bản thân bị cáo có nhân thân xấu, nhưng không lấy đó làm bài học mà tiếp tục phạm tội.

Lẽ ra cần phải loại bỏ bị cáo Doanh ra khỏi đời sống xã hội, song xét thấy bố và chú bị cáo cùng bị áp dụng mức án cao nhất, nên cần tạo cơ hội sống cho bị cáo để thể hiện chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước ta.

Các bị cáo Bùi Viết Hiểu và Nguyễn Văn Tuyển cũng vì tham lam nên lôi kéo người khác phạm tội. Việc 3 chiến sỹ Công an bị sát hại dã man có liên quan tới hành vi của 2 bị cáo này. Tuy nhiên, cả 2 không trực tiếp gây ra cái chết cho 3 bị hại. Bị cáo Hiểu phạm tội khi đã trên 70 tuổi, bị cáo Tuyển là người tàn tật và khai báo thành khẩn nhất… nên có thể xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt.

Về Nguyễn Quốc Tiến, HĐXX đánh giá bị cáo này là người trực tiếp đi mua 10 quả lựu đạn, chuẩn bị xăng để chống đối, tham gia họp bàn để chống đối. Bị cáo Tiến trực tiếp ném bom xăng về phía Công an với động cơ giết người, nhưng không chiến sỹ Cảnh sát nào chết là nằm ngoài ý muốn của bị cáo, nên cũng phạm tội “Giết người”. Tuy nhiên tại CQĐT và tại phiên tòa, bị cáo ăn năn, hối cải nên có căn cứ để xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.

Cũng theo HĐXX, quá trình phạm tội của nhóm thực hiện hành vi giết người, các bị cáo đã sử dụng lựu đạn là loại vũ khí có thể làm chết nhiều người, nên ngoài các tình tiết định khung tại các điểm a, d, n, o, thì cần thiết phải áp dụng thêm điểm l, khoản 1, Điều 123-BLHS.

Đối với các bị cáo còn lại, HĐXX cũng đã phân tích, đánh giá tính chất, mức độ, vai trò phạm tội, nhân thân của các bị cáo và các tình tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của từng bị cáo. Qua đó cho thấy, việc đưa ra truy tố, xét xử về tội “Chống người thi hành công vụ” là hoàn toàn có căn cứ, đúng pháp luật.

Về dân sự, HĐXX sơ thẩm cũng tuyên buộc 6 bị cáo phạm tội "Giết người" phải liên đới bồi thường thiệt hại về tinh thần, mai táng phí và trợ cấp nuôi con, nuôi mẹ của các chiến sỹ Công an hy sinh.

Các mức án cụ thể:

Với tội “Giết người”: Lê Đình Công (SN 1964), Lê Đình Chức (SN 1980) bị áp dụng cùng mức án tử hình; Lê Đình Doanh (SN 1988) bị tuyên phạt tù chung thân; Bùi Viết Hiểu (SN 1943) bị áp dụng 16 năm tù; Nguyễn Văn Tuyển (SN 1974) 12 năm tù và Nguyễn Quốc Tiến (SN 1980) 13 năm tù.

Với tội “Chống người thi hành công vụ”: Nguyễn Văn Quân (SN 1980), Lê Đình Uy (SN 1993), Lê Đình Quang (SN 1984), Bùi Văn Tiến (1979) và Lê Đình Quân (SN 1976) cùng bị tuyên phạt mức án 5 năm tù; Nguyễn Văn Duệ (SN 1962), Bùi Văn Tuấn (SN 1991) và Trịnh Văn Hải (SN 1988) cùng bị áp dụng mức án 3 năm tù.

Bùi Thị Nối (SN 1958) bị xử phạt 6 năm tù; Bùi Thị Đục (SN 1957), Nguyễn Thị Bét (SN 1961), Nguyễn Thị Lụa (SN 1956), Trần Thị La (SN 1978), Bùi Văn Niên (SN 1980) và Nguyễn Xuân Điều (SN 1952) cùng mức án 3 năm tù, được hưởng án treo.

Mai Thị Phần (SN 1963), Lê Thị Loan (SN 1966) cùng bị xử phạt 30 tháng tù; Đào Thị Kim (SN 1983) bị xử phạt 24 tháng tù; Nguyễn Văn Trung (SN 1988) 18 tháng tù; Lê Đình Hiển (SN 1989), Bùi Viết Tiến (SN 2000), Nguyễn Thị Dung (SN 1963), Trần Thị Phượng (SN 1984) cùng bị áp dụng 15 tháng tù và đều được hưởng án treo.