Xét xử trực tuyến các vụ án, xu hướng tất yếu nhưng không dễ hiện thực hóa

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tòa án nhân dân Tối cao đã hoàn thiện Dự thảo Quy chế tổ chức phiên tòa, phiên họp trực tuyến trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo dài, ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống xã hội, trong đó có việc tòa án ở một số địa phương phải tạm ngưng xét xử hàng loạt vụ án thì xét xử trực tuyến được coi là giải pháp “cứu cánh”. Đây cũng là xu hướng tất yếu của thế giới và đúng với các cam kết của Việt Nam khi tham gia Hội đồng Chánh án ASEAN. Tuy nhiên, xoay quanh việc xét xử trực tuyến các vụ án, đặc biệt là án hình sự, nhiều ý kiến vẫn không khỏi băn khoăn, lo ngại…

Không phải vụ án nào cũng xét xử trực tuyến

Theo Dự thảo Quy chế tổ chức phiên tòa, phiên họp trực tuyến, xét xử trực tuyến (XXTT) là việc tổ chức xét xử trực tiếp có sự hỗ trợ của các thiết bị điện tử và phần mềm ứng dụng truyền hình trực tuyến được thiết lập, kết nối với nhau thông qua môi trường mạng.

XXTT không bắt buộc bị cáo, đương sự, người tham gia tố tụng khác phải có mặt tập trung tại một phòng xử án, nhưng vẫn nhìn thấy hình ảnh; những người tiến hành tố tụng, tham gia tố tụng vẫn nắm bắt được mọi diễn biến phiên tòa và nói trực tiếp với nhau vào cùng một thời điểm.

XXTT sẽ góp phần giải quyết kịp thời các vụ án, bất chấp dịch Covid-19 kéo dài.

XXTT sẽ góp phần giải quyết kịp thời các vụ án, bất chấp dịch Covid-19 kéo dài.

Điểm cầu trung tâm là phòng xử án của tòa án, nơi có HĐXX, người tiến hành tố tụng. Điểm cầu tham gia là nơi mà bị cáo, đương sự tham gia XXTT được tòa án chấp nhận. Phòng XXTT được tổ chức tại phòng xử án theo quy định tại Thông tư 01/2017 của TAND Tối cao.

Cũng theo quy chế này, các vụ án được XXTT là án hình sự; án hành chính; vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại, lao động (gọi chung là vụ việc dân sự)…

Trong đó, đối với án hình sự sẽ xét xử sơ thẩm đối với vụ án mà bị cáo bị đưa ra xét xử về tội phạm ít nghiêm trọng, nghiêm trọng hoặc rất nghiêm trọng, nhưng chứng cứ phải rõ ràng và bị cáo đang bị tạm giam hoặc chấp hành án tại cơ sở giam giữ.

Xét xử phúc thẩm trực tuyến đối với vụ án mà bị cáo bị tòa án cấp sơ thẩm kết án về tội phạm ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng mà bị cáo xin giảm nhẹ hình phạt, xin hưởng án treo, cải tạo không giam giữ hoặc đương sự đề nghị tăng mức bồi thường.

Còn đối với án hành chính và các vụ việc dân sự thì xét xử sơ, phúc thẩm trực tuyến đối với những vụ việc có tình tiết đơn giản, quan hệ pháp luật rõ ràng, tài liệu, chứng cứ đầy đủ…

Tòa án Tối cao cho rằng, XXTT phù hợp với xu thế toàn cầu và cam kết của Việt Nam khi tham gia Hội đồng Chánh án Châu Á, ASEAN. Ngân hàng thế giới còn đưa tiêu chí tự động hóa toà án là một chỉ số để tính điểm năng lực cạnh tranh quốc gia về cải thiện môi trường kinh doanh.

Đặc biệt, trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tới hoạt động của tòa án khi nhiều vụ việc đến hạn nhưng không thể đưa ra xét xử theo quy định; một số vụ bị kéo dài thời hạn giải quyết do đương sự, bị cáo đang ở hoặc bị giam trong vùng có dịch... thì các phiên tòa, phiên họp trực tuyến sẽ giải quyết được những vụ việc tồn đọng này.

Bên cạnh đó, Tòa án Tối cao cũng xác định những vụ việc nêu trên sẽ không được XXTT nếu rơi vào một số trường hợp có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài; vụ việc phải có sự tham gia của người phiên dịch, vụ án thuộc trường hợp xét xử kín; vụ án có bị cáo bị đưa ra xét xử về tội xâm phạm an ninh quốc gia, tội xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi, tội xâm phạm về chức vụ, tội xâm phạm hoạt động tư pháp...

Đảm bảo tính tôn nghiêm của phiên tòa?

Theo TS, Luật sư Lê Văn Thiệp (Trưởng VPLS Toàn Cầu), hiện có một số quan điểm khác nhau về việc XXTT. Trong đó, một số người cho rằng việc XXTT vi phạm nguyên tắc “Tòa án xét xử trực tiếp liên tục và bằng lời nói”, quy định tại Điều 250 Bộ luật Tố tụng hình sự. Nếu hiểu như vậy là máy móc và không chính xác.

Bởi XXTT thì các bên vẫn hoàn toàn truyền đạt được các thông tin bằng lời nói trực tiếp với nhau, thể hiện ý chí của mỗi bên mà không hề thông qua trung gian. Đây chính là trực tiếp, kể cả việc sử dụng các phương tiện điện tử, viễn thông hay kỹ thuật số mã hóa đầu cuối có kết nối với nhau.

XXTT đòi hỏi cơ sở vật chất về công nghệ thông tin thật tốt, người tiến hành tố tụng thành thục công nghệ.

XXTT đòi hỏi cơ sở vật chất về công nghệ thông tin thật tốt, người tiến hành tố tụng thành thục công nghệ.

Thực tế cho thấy, trong cuộc sống có rất nhiều giao dịch trực tiếp mà không cần các bên phải gặp mặt hay đối mặt nhau để truyền đạt thông tin bằng lời nói. Ví dụ anh A có thể gọi điện vay tiền anh B. Anh B đồng ý và yêu cầu anh A nhắn số tài khoản, rồi sau đó anh B chuyển tiền. Việc này được coi là trực tiếp thực hiện giao dịch vay tài sản chứ không thể gọi đó là gián tiếp vay tài sản.

Do đó, việc XXTT khi cơ quan tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng sử dụng các phương tiện điện tử không vi phạm bất kỳ nguyên tắc nào của pháp luật về tố tụng. Dù vậy, Luật sư Thiệp cũng cho rằng XXTT các vụ án, vụ việc trong giai đoạn hiện nay nên coi là vừa làm vừa rút kinh nghiệm.

Nói về XXTT, Luật sư, nguyên Kiểm sát viên cao cấp Nguyễn Đình Hưng (Trưởng VPLS Hưng Giang) nhìn nhận, với các nước tiên tiến trên thế giới, việc này đã được họ thực hiện từ rất lâu. Và bản thân ông cũng đã từng dự thính những phiên tòa trực tuyến ở nước ngoài. Tuy nhiên, họ chỉ áp dụng đối với một số đương sự trong vụ án.

Còn đối với chúng ta hiện nay, để hoạt động XXTT đạt hiệu quả, Luật sư Hưng cho rằng trước hết cần phải xây dựng một hệ thống cơ sở vật chất về công nghệ thông tin thật tốt, đảm bảo yêu cầu cho hoạt động xét xử. Tiếp đến là vấn đề con người, những người tiến hành tố tụng phải thuần thục và làm chủ được công nghệ thông tin.

Thậm chí, ngay cả lực lượng Cảnh sát hỗ trợ tư pháp cũng phải được trang bị những kiến thức nhất định về tố tụng để họ có thể chủ động, tương tác và phối hợp nhịp nhàng với hội đồng xử án khi có yêu cầu. Ngoài ra, dữ liệu, căn cước công dân cũng cần phải được đồng bộ hóa, thông suốt.

Theo nguyên Kiểm sát viên cao cấp này, XXTT không có nghĩa là các đương sự được thoải mái ở nhà hoặc bất cứ đâu khi tham gia phiên tòa. Bởi nếu không có một địa điểm cố định đặt dưới sự giám sát của cơ quan chức năng thì rất khó có thể xác định một cách chính xác đương sự tham gia phiên tòa là chính họ, đương sự hoàn toàn có thể tráo đổi người.

Cùng với những băn khoăn nêu trên, có ý kiến lại lo ngại rằng XXTT sẽ không bảo đảm được sự tôn nghiêm của pháp luật, của phiên tòa, đặc biệt là các phiên tòa hình sự. Hay như việc thẩm tra, đánh giá chứng cứ, tài liệu mới xuất hiện ngay tại phiên XXTT của tòa án cũng sẽ gặp rất nhiều trở ngại.

Còn theo một thẩm phán TAND TP Hà Nội, hiện nay số lượng các loại án tòa thụ lý lên đến hàng chục nghìn vụ, việc mỗi năm. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2021, TAND hai cấp đã thụ lý gần 16 nghìn vụ, việc nên áp lực đảm bảo thời hạn xét xử, đảm bảo quyền lợi của các bị cáo, bị hại và các đương sự là rất lớn.

Nhưng do diễn biến dịch bệnh Covid-19 phức tạp, kéo dài nên việc xét xử bị ngưng trệ, không thể thực hiện được, có những vụ án đã phải hoãn lịch xét xử 4-5 lần và với tình hình dịch bệnh có thể bùng phát bất cứ lúc nào như hiện nay thì khả năng sẽ tiếp tục phải hoãn xét xử nhiều vụ án.

Vị Thẩm phán của TAND TP Hà Nội cho rằng nếu XXTT được áp dụng sẽ vừa giải quyết được án tồn đọn, vừa tiết kiệm được nhiều chi phí. Vụ án sẽ được đông đảo người dân quan tâm, theo dõi, không bị giới hạn bởi không gian của phòng xét xử và cũng thuận tiện cho những đương sự ở khu vực xa, giảm bớt đi lại.

Tuy nhiên, XXTT là phương thức mới, pháp luật hiện hành chưa có quy định. Trong khi đó, để xét xử một vụ án thường liên quan đến nhiều quy định pháp luật tố tụng hiện hành, tác động đến quyền và nghĩa vụ hợp pháp của nhiều tổ chức, cá nhân. Ngoài ra, XXTT còn đòi hỏi các bị cáo, đương sự phải hợp tác mới đạt được hiệu quả.