Xét xử tội phạm gây án có tổ chức: Không để sót người, lọt tội

ANTĐ - Những vụ án do các đối tượng phạm tội gây ra một cách có tổ chức, hoạt động theo ổ nhóm thường để lại hậu quả lớn, nhiều tình tiết phức tạp. Chính vì thế, thời gian gần đây, nhiều vụ án khi đưa ra xét xử, tòa đã buộc phải trả lại hồ sơ để điều tra bổ sung, tránh chuyện “sót người, lọt tội”…

Các bị cáo trong vụ dùng hàng nóng thanh toán nhau 

trên đường Láng - Hòa Lạc tại phiên tòa sơ thẩm bị hoãn mới đây

Phức tạp tình tiết gây án

Đơn cử, ngày 25-9 vừa qua, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa xét xử 15 bị cáo trong vụ giải quyết mâu thuẫn về vay nợ xảy ra trên đường Láng - Hòa Lạc, vào hồi tháng 3-2010 như Báo ANTĐ đã đưa tin. Tại phiên tòa, hầu hết các bị cáo đều khai nhận hành vi phạm tội như nội dung bản cáo trạng của VKSND TP Hà Nội đưa ra truy tố. Nhận thấy vụ án có nhiều tình tiết chưa rõ, nhất là một số đối tượng liên quan chưa được đưa vào tố tụng và nhiều bị cáo chưa được cáo trạng xác định chính xác hành vi. Vì vậy, HĐXX đã quyết định trả hồ sơ để điều tra làm rõ.

Tương tự, sáng 27-9, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa xét xử đối với hai nhóm giang hồ thanh toán nhau tại đường Láng. Cũng tại phần thẩm vấn, bị cáo Phạm Quốc Vinh (SN 1976) bị truy tố cùng lúc về 2 tội giết người và hủy hoại tài sản và đồng bọn “bất ngờ” khai báo: Tham gia vụ “thanh toán” giữa hai nhóm tại đường Láng còn có một đối tượng tên Nguyễn Thanh Bình (tức Bình “đen”) vừa bị cơ quan công an bắt giữ. Theo lời khai của Vinh cùng đồng bọn, Bình “đen” chính là một trong những đối tượng trực tiếp đâm, chém Chu Mạnh Hòa và rất có thể vết thương dẫn đến cái chết của bị hại do đối tượng này gây ra. Sau khi hội ý, HĐXX sơ thẩm TAND TP Hà Nội quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung.

Nhức nhối tội phạm gây án có tổ chức

Theo Thẩm phán Nguyễn Thị Lan Anh, thực tế, những vụ án được thực hiện có tổ chức, theo ổ nhóm là vô cùng phức tạp. Các đối tượng phạm tội thường sẵn sàng nhận tội hoặc nhận tội thay, không khai ra đồng bọn, đặc biệt là “đại ca” cầm đầu. Chính vì thế, đến khi đưa vụ án ra xét xử, HĐXX mới phát hiện ra sự mâu thuẫn để rồi đấu tranh khai thác tìm ra sự thật của vụ án. Để mỗi vụ án từ khâu điều tra, truy tố và xét xử “đúng người, đúng tội” thì những người tham gia tố tụng cần phải “tỉnh táo” để đưa ra phán quyết đúng đắn nhất. Đặc biệt, những tình tiết mới, phát sinh tại phiên tòa cần phải làm rõ, nếu không làm rõ được phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung đúng theo trình tự tố tụng.

Là người tham gia nhiều vụ án hình sự nhưng Luật sư Trần Thu Nam - Trưởng VPLS Tín Việt và Cộng sự (thuộc Đoàn Luật sư TP Hà Nội) không khỏi giật mình cho biết, những ổ nhóm tội phạm hoạt động thường có tổ chức. Mỗi nhóm ít thì vài người, nhiều thì vài chục thậm chí có nhóm có tới cả trăm đối tượng. Đáng nói là, trong một vụ án có khi có tới vài đối tượng cầm đầu, chủ mưu như người cầm đầu đi thuê, người cầm đầu đi gây án. Do vậy, khi bị bắt những đối tượng rất ngoan cố, không chịu khai ra đồng bọn. Nếu không tìm được đối tượng thì việc khởi tố tội “Che giấu tội phạm” là rất khó khăn. Nhiều đối tượng bị truy tố là nhờ sau khi vụ án đưa ra xét xử, một số tình tiết mới phát sinh và được tòa trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung mới tránh được chuyện “sót người, lọt tội”.