Phòng từ gốc, chống đến cùng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn đến tham nhũng, tiêu cực (Bài 5):

Xét xử kịp thời, công bằng, nghiêm minh nhiều vụ án tham nhũng lớn, tạo sự lan tỏa tích cực trong xã hội

ANTD.VN - Trả lời phỏng vấn Báo An ninh Thủ đô, Chánh án TAND TP Hà Nội Nguyễn Hữu Chính khẳng định: Tham nhũng là một hiện tượng không phải tồn tại riêng ở một quốc gia nào, mà đó là một hiện tượng xã hội của nhiều nước trên thế giới. Hậu quả của tham nhũng vô cùng nặng nề, không chỉ là những thiệt hại vật chất với hàng chục, hàng trăm tỷ đồng mà còn làm tha hóa một bộ phận cán bộ, công chức của bộ máy Nhà nước, suy giảm niềm tin của người dân đối với bộ máy Nhà nước, gây nên sự bất bình của nhân dân đối với chế độ và nguy hiểm hơn cả là làm giảm hiệu quả quản lý của Nhà nước.

Khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử kịp thời, nghiêm minh

- PV: Đảng và Nhà nước ta vẫn đang tiếp tục đẩy mạnh và còn quyết liệt hơn trong công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; trong đó có yêu cầu phải kịp thời đưa ra xét xử nghiêm minh các vụ án tham nhũng. Đồng chí Chánh án Tòa án nhân dân TP Hà Nội nhìn nhận thế nào về công tác xét xử án tham nhũng trong thời gian vừa qua tại Hà Nội?

Chánh án Tòa án nhân dân TP Hà Nội Nguyễn Hữu Chính

Chánh án Tòa án nhân dân TP Hà Nội Nguyễn Hữu Chính

- Chánh án TAND TP Hà Nội Nguyễn Hữu Chính: Có thể nói, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Chính phủ và tinh thần đoàn kết, nỗ lực vượt khó, đổi mới, sáng tạo của toàn dân, kinh tế - xã hội của nước ta đã thu được những kết quả đáng khích lệ, an ninh - quốc phòng được giữ vững. Đặc biệt, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực dưới sự chỉ đạo thường xuyên, quyết liệt và bài bản của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã thu được những kết quả hết sức tích cực, nhiều vụ án tham nhũng lớn được khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử kịp thời, nghiêm minh, thể hiện quyết tâm đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng và Nhà nước, tạo sự lan tỏa tích cực trong xã hội, được cán bộ, đảng viên, nhân dân đồng tình và ủng hộ.

Là cơ quan xét xử trên địa bàn Thủ đô, trong những năm qua, số lượng các vụ án mà Tòa án nhân dân TP Hà Nội thụ lý giải quyết ngày càng tăng. Bình quân mỗi năm tăng từ 8-10%, trong đó có nhiều vụ án nghiêm trọng, phức tạp, liên quan đến tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm an ninh quốc gia và đặc biệt là các vụ án kinh tế, tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực quan tâm theo dõi. Điển hình như: Vụ án Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm xảy ra tại Ngân hàng Á Châu (ACB); vụ án Hà Văn Thắm và đồng phạm xảy ra tại Ngân hàng Đại Dương (Oceanbank); vụ án Trịnh Xuân Thanh, Đinh La Thăng và đồng phạm xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC); vụ án Nguyễn Bắc Son và đồng phạm xảy ra tại Tổng Công ty Viễn thông MobiFone; vụ án Đinh La Thăng và đồng phạm xảy ra tại dự án Ethanol Phú Thọ; vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên (TISCO); vụ án Vũ Huy Hoàng và đồng phạm xảy ra tại Bộ Công Thương và Công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco)...

Trong quá trình thụ lý giải quyết các vụ án này, Tòa án nhân dân TP Hà Nội luôn thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Trung ương và thành phố, thực hiện đúng quan điểm của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”. Các vụ án đều được khẩn trương nghiên cứu hồ sơ và đưa ra xét xử kịp thời. Phán quyết của Tòa án được lập luận đanh thép, chặt chẽ, sắc bén, hình phạt áp dụng nghiêm khắc đối với kẻ chủ mưu, cầm đầu và khoan hồng, giảm nhẹ đối với những bị cáo có vai trò thứ yếu, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, bồi thường thiệt hại và khắc phục số tiền chiếm hưởng, thể hiện tính nhân văn sâu sắc, được dư luận trong nước, quốc tế đồng tình, ủng hộ và đánh giá cao; đáp ứng được yêu cầu và sự tin tưởng của Đảng, Nhà nước, nhân dân trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng hiện nay.

Bên cạnh đó, phán quyết của Hội đồng xét xử được đưa ra không chỉ bó hẹp trong phạm vi cáo trạng truy tố mà còn kiến nghị một số nội dung, trong đó có nội dung kiến nghị cơ quan điều tra tiếp tục điều tra làm rõ hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật của một số tổ chức, cá nhân. Và sau đó là cơ quan tiến hành tố tụng đã khởi tố hàng loạt vụ án, bị can cũng liên quan đến tham nhũng.

Chủ thể của tội tham nhũng rất đa dạng, hành vi phạm tội tinh vi

- Từ thực tiễn xét xử các vụ án tham nhũng lâu nay, đồng chí Chánh án có thể đưa ra một số khái quát về những đặc điểm, đặc trưng cơ bản, điển hình của loại tội phạm tham nhũng ở nước ta trong giai đoạn hiện nay?

- Thứ nhất, trong giai đoạn hiện nay, tội phạm về tham nhũng ở nước ta thường có những đặc điểm, đặc trưng cơ bản là chủ thể của tội tham nhũng rất đa dạng, xảy ra ở cả những người nắm giữ vị trí trọng trách ở Trung ương đến các cán bộ cơ sở tại địa phương; diễn ra ở cả các cơ quan hành chính Nhà nước lẫn các doanh nghiệp, Tổng công ty có vốn Nhà nước, đặc biệt là trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, quản lý đất đai, đầu tư công.

- Thứ hai, hành vi phạm tội của các bị cáo thường mang tính chất tinh vi, phạm tội do thiếu tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất, đạo đức nên bị tha hóa, biến chất.

- Thứ ba, bên cạnh các vụ đại án mà hậu quả của tội phạm gây thiệt hại đặc biệt lớn cho ngân sách Nhà nước, có vụ số tiền chiếm hưởng của các bị cáo lên đến hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng thì có cả các vụ án “tham nhũng vặt”. Số tiền chiếm hưởng của các bị cáo trong các vụ án này tuy không lớn nhưng vẫn gây ra những hệ lụy nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến sự phát triển của nền kinh tế đất nước và làm tha hóa, biến chất các cán bộ Nhà nước.

Việc nghiên cứu, tìm hiểu đặc trưng, đặc điểm cơ bản và bản chất của tham nhũng sẽ là cơ sở quan trọng để đưa ra các giải pháp phù hợp góp phần nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Kế hoạch tỉ mỉ, dự báo các tình huống có thể xảy ra tại phiên tòa

- Thông thường ở các vụ án tham nhũng, đặc biệt là các đại án tham nhũng thì số lượng bị cáo, người liên quan rất đông; khối lượng tài liệu, hồ sơ, bút lục là vô cùng lớn. Đồng chí Chánh án có thể cho biết, Hội đồng xét xử đã làm thế nào để nghiên cứu, bao quát một cách đầy đủ, cẩn trọng và toàn diện vụ án?

- Trong thời gian qua, trong số các vụ án tham nhũng mà Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã đưa ra xét xử luôn có những vụ hồ sơ lên đến hàng chục nghìn, trăm nghìn bút lục. Điển hình như vụ án Hà Văn Thắm và đồng phạm xảy ra tại Ngân hàng Đại Dương. Để có thể giải quyết tốt các vụ án này thì việc tổ chức nghiên cứu hồ sơ khoa học, hiệu quả là một trong những nội dung đặc biệt quan trọng. Quá trình giải quyết các vụ án này, Tòa án nhân dân TP Hà Nội đều lựa chọn những Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân có năng lực chuyên môn, kinh nghiệm xét xử và bản lĩnh chính trị vững vàng; nhận thức đầy đủ về ý nghĩa chính trị, tầm quan trọng của việc giải quyết vụ án, trách nhiệm của Thẩm phán và Hội đồng xét xử khi được phân công giải quyết vụ án. Tiếp đến là Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân được phân công phải chủ động tiếp cận, đánh giá các chứng cứ buộc tội, gỡ tội ngay từ khi khởi tố điều tra, truy tố, kịp thời yêu cầu thu thập bổ sung những tài liệu, chứng cứ cần thiết cho việc giải quyết vụ án, đảm bảo nguyên tắc Hiến định “phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực”. Điều này rất cần thiết đối với việc giải quyết các vụ án tham nhũng kinh tế nghiêm trọng, phức tạp.

Khi thụ lý hồ sơ vụ án, Tòa án nhân dân TP Hà Nội đều thành lập tổ công tác bao gồm một số Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân và Thư ký có kinh nghiệm để tổ chức nghiên cứu hồ sơ. Việc nghiên cứu được tiến hành theo từng hành vi mà cáo trạng truy tố như tội danh, diện truy tố, chứng cứ buộc tội, gỡ tội... Đồng thời phải lên kế hoạch xét xử tỉ mỉ và đặc biệt phải tiên lượng, dự báo được các tình huống có thể xảy ra tại phiên tòa như: buộc phải hoãn phiên tòa vì bị cáo ốm, luật sư vắng mặt hoặc bị cáo, luật sư đưa ra tài liệu, chứng cứ mới, thiếu người tham gia tố tụng... để có phương án xử lý phù hợp. Chính nhờ công tác nghiên cứu hồ sơ được tổ chức một cách bài bản, khoa học đã giúp Hội đồng xét xử nắm vững hồ sơ, chủ động trong việc điều hành phiên tòa, cũng như giải quyết các tình huống tại phiên tòa, góp phần quan trọng cho sự thành công của phiên tòa.

Xét xử công bằng, công tâm, không kết án oan người vô tội, không bỏ lọt tội phạm

- Một trong những đặc điểm cơ bản nổi bật ở vụ án tham nhũng là các bị cáo thường có trình độ cao, thậm chí có bị cáo còn từng là đồng chí hoặc từng có quan hệ công tác với Tòa án. Vì thế để hầu hết các bị cáo tham nhũng phải “tâm phục khẩu phục” và “công tư phân mình” thì điều gì là quan trọng nhất?

- Thực tế cho thấy, trong các vụ án tham nhũng lớn, đa phần các bị cáo đều có trình độ học vấn cao, kinh nghiệm quản lý lâu năm, có những mối quan hệ xã hội. Thậm chí có cả những bị cáo nguyên là cán bộ cấp cao trong bộ máy Nhà nước. Để xét xử thành công các vụ án này thì công tác chính trị tư tưởng đối với các Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân và Thư ký Tòa án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Do đó, Tòa án nhân dân TP Hà Nội thường xuyên quán triệt đến toàn thể cán bộ, công chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị về việc phải không ngừng học tập nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp; thực hiện nghiêm túc lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Phụng công thủ pháp, chí công vô tư”. Trong quá trình làm việc, khi nghiên cứu, giải quyết vụ án, phải luôn tuân thủ nguyên tắc hàng đầu là “Thượng tôn pháp luật”, việc xét xử phải đảm bảo tính công bằng, công tâm, luôn bảo vệ quyền lợi chính đáng của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân, không kết án oan người vô tội, không bỏ lọt tội phạm.

Chính nhờ làm tốt công tác chính trị, tư tưởng, trong các phiên tòa do Tòa án nhân dân TP Hà Nội xét xử trong thời gian vừa qua, Hội đồng xét xử đều điều hành phiên tòa một cách công minh, khách quan; Hội đồng xét xử bảo đảm nguyên tắc tranh tụng tại phiên tòa, không hạn chế thời gian tranh tụng, Kiểm sát viên thực hiện đối đáp đến cùng, tạo sự dân chủ, công khai khách quan, giúp bảo đảm quyền con người. Qua quá trình tranh tụng công khai đã giúp các bị cáo nhận thức và hiểu rõ hành vi phạm tội của mình, nhiều bị cáo đã chuyển từ thái độ chống đối, chối tội sang “tâm phục khẩu phục”, thừa nhận hành vi phạm tội của mình, xin lỗi Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Đơn cử như trong vụ án xảy ra tại MobiFone, tại phiên tòa, lúc đầu bị cáo Nguyễn Bắc Son chối tội, không thừa nhận hành vi nhận hối lộ nhưng qua quá trình tranh tụng công khai, qua việc điều hành phiên tòa kiên trì, mềm dẻo, cho đối chất, công bố lời khai của các bị cáo khác, công bố một phần nội dung thư mà bị cáo đã viết gửi vợ trong quá trình điều tra thì bị cáo đã thừa nhận hành vi phạm tội và số tiền nhận hối lộ. Tại lời nói sau cùng, bị cáo này còn nói lời xin lỗi đồng chí Tổng Bí thư, xin lỗi Đảng, Nhà nước và nhân dân và động viên người nhà khắc phục toàn bộ số tiền mà bị cáo đã chiếm hưởng từ việc nhận hối lộ là hơn 66 tỷ đồng trong thời gian xét xử. Có thể nói, đây là vụ án tham nhũng đầu tiên thu hồi được toàn bộ số tiền Nhà nước bị thiệt hại và số tiền chiếm hưởng của các bị cáo thông qua kết quả tranh tụng tại phiên tòa.

Trong thời gian qua, nhiều vụ án tham nhũng lớn đã được xét xử tại Tòa án nhân dân TP Hà Nội, tại phần trình bày lời nói sau cùng, đa phần các bị cáo đã gửi lời xin lỗi đến Đảng, Nhà nước về hành vi của mình và cảm ơn Hội đồng xét xử vì đã tạo điều kiện cho bị cáo được trình bày, bị cáo được cảm nhận về một phiên tòa khách quan, công tâm. Đây là những tín hiệu đáng mừng, thể hiện tính đúng đắn của chiến lược cải cách tư pháp mà nước ta đã thực hiện trong những năm vừa qua.

Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa Tòa án với các cơ quan tố tụng

- Hiện nay, hàng loạt vụ án tham nhũng lớn đang trong giai đoạn điều tra hoặc chuẩn bị được đưa ra xét xử, xin đồng chí Chánh án cho biết, Tòa án nhân dân TP Hà Nội sẽ tiếp nhận nhiệm vụ này với tinh thần như thế nào?

- Tòa án nhân dân TP Hà Nội đang tiếp tục được giao xét xử thêm nhiều vụ án tham nhũng lớn. Đây là niềm vinh dự nhưng cũng là trọng trách rất lớn. Để có thể hoàn thành tốt việc xét xử các vụ án này, Tòa án nhân dân TP Hà Nội sẽ phải tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm. Đó là thường xuyên bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Ban Nội chính Trung ương, Ban Cán sự đảng Tòa án nhân dân Tối cao, Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân TP Hà Nội và vận dụng phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, cơ quan, đơn vị.

Thứ hai là tiếp tục phát huy những điểm đạt được, kinh nghiệm đã tích lũy được, khắc phục những điểm còn tồn tại, hạn chế rút ra quá trình tổ chức xét xử thành công nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp được dư luận trong nước và quốc tế quan tâm theo dõi trong thời gian vừa qua. Kế đến là không ngừng củng cố, nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa Tòa án nhân dân TP Hà Nội với các cơ quan tố tụng ở Trung ương và thành phố, cũng như với các sở, ban, ngành thành phố trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao. Sau nữa là tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, thường xuyên quán triệt đến các Thẩm phán, cán bộ, công chức trong cơ quan, đơn vị không ngừng học hỏi, nâng cao hơn nữa trình độ chuyên môn nghiệp vụ, cũng như đạo đức nghề nghiệp, bản lĩnh chính trị, sẵn sàng hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Và sau cùng là tiếp tục đầu tư, hiện đại hóa cơ sở vật chất phục vụ hoạt động của Tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp hiện nay.

Kết quả phát hiện và xử lý tham nhũng, tiêu cực trong thời gian qua càng chứng tỏ chúng ta đã thực hiện rất nghiêm tư tưởng chỉ đạo, quan điểm: “Nói đi đôi với làm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, không chịu sức ép của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào”. Đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và xây dựng, chỉnh đốn Đảng chỉ làm “chùn bước” những ai có động cơ không trong sáng, đã chót “nhúng chàm” và những người không nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng, thiếu kiến thức, kinh nghiệm và bản lĩnh”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Quyết tâm chính trị cao trong đấu tranh, phòng chống tham nhũng, kiên quyết ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tham nhũng. Xác định công tác phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ rất quan trọng. Quán triệt xuyên suốt phương châm không có “vùng cấm”, không có ngoại lệ, qua đó có tác dụng cảnh tỉnh, răn đe, phòng ngừa tham nhũng, góp phần nâng cao uy tín, sức chiến đấu của Đảng, củng cố niềm tin của cán bộ, Đảng viên và nhân dân”.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc

“Thực hiện phân cấp, phân quyền đi đôi với chịu trách nhiệm và gắn với kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực; phải chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong xây dựng và hoàn thiện thể chế. Trong tổ chức thực thi pháp luật phải nắm chắc nguyên lý cơ bản, vận dụng sáng tạo, linh hoạt để vừa không vi phạm, vừa phù hợp điều kiện, hoàn cảnh thực tế, trên cơ sở lấy lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích nhân dân là trên hết, trước hết, nếu vì lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm thì phải xử lý”.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính

“Quan điểm xuyên suốt trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng là lấy phòng ngừa là chính, khi phát hiện phải xử lý dứt điểm kịp thời, không có “vùng cấm”, không có ngoại lệ. Công tác phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ thường xuyên, cấp bách, lâu dài; chú trọng công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng, lấy kết quả công tác phòng, chống tham nhũng là một trong các tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên”.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

“Bộ Công an thực hiện nghiêm túc, xuyên suốt quan điểm, phương châm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và tuân thủ pháp luật trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đặc biệt là trong điều tra, xử lý các vụ án tham nhũng, kinh tế lớn thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo. Tôi luôn tin rằng, dưới sự lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối, toàn diện của Đảng, trực tiếp là Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sẽ còn mạnh hơn, quyết liệt hơn, hiệu quả hơn và luôn là phong trào mạnh mẽ, xu thế không thể đảo ngược”.

Đại tướng Tô Lâm (Bộ trưởng Bộ Công an)

Luật sư Nguyễn Đình Hưng (Nguyên Kiểm sát viên cao cấp, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao): Xử lý nghiêm minh, đánh thẳng vào những “huyệt đạo” tham nhũng, tiêu cực

“Để công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đạt hiệu quả như mong đợi, chúng ta cần phải hiểu được nguyên nhân sâu xa và cái gốc của vấn đề. Thực tế cho thấy, có rất nhiều tội phạm phát sinh do cơ chế. Vì nhiều khi thực hiện rất đúng chủ trương nhưng lại sai phương pháp, cách thức nên dẫn đến sai phạm bị xử lý. Chống tham nhũng, tiêu cực nếu không có thiết chế pháp lý làm xương sống không khéo sẽ dẫn tới tình trạng chỉ chăm chăm bảo vệ bản thân mình, đồng thời sẽ triệt tiêu đi tính sáng tạo, tính tự chủ và tính độc lập trong quản lý điều hành. Vì thế, bên cạnh nhiệm vụ chống, nhất thiết cần phải tạo điều kiện, mở đường để nuôi dưỡng sự sáng tạo, tính tự chủ ở mỗi cán bộ, mỗi cấp, mỗi ngành. Mà muốn có được tính tự chủ thì cần phải có hệ thống pháp luật cùng thiết chế quản lý, điều hành bộ máy, xã hội phù hợp. Chúng ta đang mong muốn quản lý Nhà nước bằng pháp luật nhưng lại chưa chú trọng tới xây dựng hệ thống pháp luật, dẫn đến sự thiếu hụt các thiết chế này. Thật đau xót vì đôi khi xử lý tham nhũng, tiêu cực chẳng khác nào tự chặt vào tay chân mình.

Về quan điểm, đường lối và chế tài xử lý tham nhũng, tiêu cực trong giai đoạn hiện nay, tôi cho rằng chúng ta đã rất mạnh dạn xử lý, thậm chí là đánh thẳng cả vào những “huyệt đạo” quan trọng trên thân thể mình một cách mạnh mẽ. Thời gian qua, ngay cả những người, những nhân vật từng là Ủy viên Bộ Chính trị hay Ủy viên Trung ương Đảng cũng bị xử lý nghiêm. Điều này là rất tốt, rất mạnh dạn. Nhưng xử lý tham nhũng nếu không khéo léo, bài bản sẽ dễ xâm lấn vào những quy định pháp luật mang tính ổn định và làm giảm tính hiệu quả của hoạt động tố tụng, cơ quan tư pháp. Từ đó sẽ gây ra sự khủng hoảng về niềm tin và không còn đúng nguyên với cái nghĩa của Nhà nước pháp quyền, quản lý xã hội bằng pháp luật. Trong thời gian qua, đã có những vụ án, những bị cáo liên tục bị đưa ra xét xử ở nhiều vụ án khác nhau, rồi bị xử phạt với tổng mức án lên đến vài chục năm tù. Điều này chưa chắc đã đem lại hiệu quả răn đe như mong muốn. Bởi mục đích răn đe là phải ngăn chặn được những xu hướng, tư tưởng, mầm mống tha hóa, sa đọa về phẩm chất.

Đối với việc thu hồi tài sản tham nhũng, tôi được biết, ở các nước phương Tây, họ còn có các thỏa thuận, thỏa hiệp ngay tại phiên tòa hoặc có những chính sách đặt tiền bảo lãnh… nhằm mục đích thu hồi tài sản tham nhũng là trên hết. Hiện nay, mặc dù chúng ta đã nêu cao mục đích thu hồi tài sản tham nhũng nhưng thực tế dường như mới chỉ mang tính phạt vạ. Bởi về nguyên tắc cũng như tính hiệu quả thì thu hồi tài sản cần phải thu đúng vào người chiếm đoạt. Đã đến lúc chúng ta cần tính tới việc đặt tiền, đặt cọc, bảo lãnh… trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Bởi cái đó sẽ thu hồi lại được rất nhiều tiền. Chiến lược cách mạng chống tham nhũng lúc này của chúng ta là phải ngăn chặn được các hành vi tiêu cực, đồng thời phải kịp thời thu hồi được tài sản. Hai việc đó phải đi song song với nhau. Còn hiện tại, công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của chúng ta mới chỉ đạt bước đầu được một khâu là xử nghiêm, xử nặng người phạm tội mà chưa đạt được mục đích thu hồi tài sản. Tôi cho rằng, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã có nhiều tiến bộ và thiết thực hơn so với Bộ luật cũ. Nhưng biện pháp tổ chức thi hành, thực hiện nó vẫn chưa thỏa đáng, chưa đáp ứng và chưa tương thích với yêu cầu phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đúng như tinh thần của nó”.

Ông Trương Việt Toàn (Nguyên Thẩm phán, nguyên Phó Chánh Tòa Hình sự, Tòa án nhân dân TP Hà Nội): Nghiêm khắc đối với những bị cáo chủ mưu, cầm đầu

“Có thể khẳng định, trong thời gian qua, tất cả các vụ án tham nhũng kinh tế đặc biệt lớn thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi đều được Tòa án nhân dân TP Hà Nội đưa ra xét xử kịp thời, đúng pháp luật. Việc tranh tụng tại phiên tòa được bảo đảm và hình phạt được áp dụng theo đúng nguyên tắc pháp luật. Đó là nghiêm khắc đối với những bị cáo chủ mưu, cầm đầu và khoan hồng đối với những bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải và tích cực phối hợp với cơ quan tố tụng, tích cực khắc phục hậu quả…

Việc đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh các vụ án tham nhũng trong thời gian qua đã góp phần rất lớn vào công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đặc biệt là có sức răn đe, phòng ngừa, củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng và Nhà nước. Đặc trưng cơ bản của các vụ án tham nhũng kiểu này là tính chất rất nghiêm trọng, số lượng bị cáo lớn, là những người có chức vụ, quyền hạn, trình độ cao và xảy ra ở nhiều địa bàn, địa phương, thủ đoạn phạm tội rất tinh vi, xảo quyệt. Để xét xử thành công các vụ án tham nhũng kinh tế lớn, từ đó ra một bản án thấu tình đạt lý khiến các bị cáo “tâm phục khẩu phục”, dư luận xã hội đồng tình, hưởng ứng thì thứ nhất là mỗi Thẩm phán phải luôn không ngừng tự mình giác ngộ chính trị, tư tưởng cũng như bản lĩnh nghề nghiệp. Thứ hai là công tác chuẩn bị xét xử phải tiến hành thật kỹ lưỡng. Khi nghiên cứu hồ sơ phải xem xét, đánh giá toàn diện chứng cứ buộc tội và gỡ tội, tội danh… Cũng ở giai đoạn này, công tác triệu tập tới phiên tòa phải đặc biệt quan tâm đến quyền của bị can, bị cáo và những người tham gia tố tụng khác. Công tác điều hành phiên tòa và xét xử phải đảm bảo đúng, đầy đủ trình tự, thủ tục tố tụng; đảm bảo việc tranh tụng tại phiên tòa không hạn chế thời gian của các bị cáo, luật sư cũng như những người tham gia tố tụng khác. Quá trình xử án phải chủ động cách ly, đối chất khi cần thiết và yêu cầu kiểm sát viên đối đáp với quan điểm của luật sư bào chữa nhằm bảo đảm nguyên tắc mọi chứng cứ đều phải được thẩm tra công khai tại phiên tòa. Bên cạnh đó, cần phải xác định việc tranh tụng dân chủ tại phiên tòa chính là một trong những điều kiện, căn cứ để ra bản án đúng pháp luật.

Có thể nói, xét xử chính là khâu quan trọng nhất và gần như là “cửa ải” cuối cùng trong quá trình đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực bằng biện pháp hình sự. Vì thế, ngoài phạm vi truy tố của Viện Kiểm sát, nếu có dấu hiệu tội phạm mới hoặc bỏ lọt tội phạm, lọt hành vi phạm tội thì cần phải khởi tố ngay tại phiên tòa hoặc kiến nghị cơ quan điều tra tiếp tục đấu tranh, làm rõ. Thực tế, quá trình xét xử các vụ án tham nhũng kinh tế lớn, các Hội đồng xét xử của Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã không ít lần khởi tố bị can ngay tại phiên tòa khi nhận thấy có dấu hiệu tội phạm”.

Ông Lê Văn Long (Xí nghiệp 3, Công ty TNHH MTV Kinh doanh dịch vụ nhà Hà Nội): Cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam là điểm nhấn trong xu thế chung của thế giới

“Hậu quả của tham nhũng, tiêu cực chúng ta đã nói đến nhiều, từ việc gây ảnh hưởng kinh tế, mục ruỗng bộ máy của Đảng, Nhà nước, cản trở sự phát triển của đất nước thì còn vô vàn những hệ lụy khác. Ở đây, tôi muốn nhấn mạnh đến việc nó làm xói mòn lòng tin của nhân dân và là cơ sở để các thế lực thù địch lợi dụng chia rẽ lòng dân với Đảng, với chính quyền. Từ đó, chúng tuyên truyền những tư tưởng sai trái, dần dần khiến người dân thêm hoài nghi, ngờ vực. Những hệ lụy này có thể chưa phát tác ngay lập tức, chưa nhìn thấy ngay tức thì, nhưng về lâu dài, khi lòng tin đã sụp đổ thì rất khó để xây dựng lại, rất khó cho việc huy động sức dân để thực hiện các mục tiêu xây dựng đất nước, phát triển kinh tế - xã hội.

Cũng từ tham nhũng, tiêu cực, các thế lực thù địch tận dụng để quy chụp rằng, tình trạng tham nhũng, tiêu cực chỉ tồn tại ở chế độ một đảng cầm quyền như Việt Nam. Qua đó, chúng lập lờ đánh tráo đây là “lỗi hệ thống”, vấn đề nằm ở “bản chất thể chế” và không bao giờ có thể thay đổi được, bất chấp thực tế là thể chế chính trị khác nhau không thể là lằn ranh ngăn cản sự xuất hiện của tham nhũng, tiêu cực. Và cũng từ đó chúng quy kết việc chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam có hiệu quả thấp hơn rất nhiều so với các thiết chế quyền lực tư bản “tam quyền phân lập”. Những luận điệu này cùng với tình trạng tham nhũng, tiêu cực chưa được xử lý triệt để, đặc biệt là tình trạng “tham nhũng vặt” sẽ cộng hưởng với nhau tạo ra hiệu ứng “mưa dầm thấm lâu” và là một nguy cơ rất lớn khiến chúng ta rơi vào tình trạng vừa bị nội công (mất dân, mất cán bộ, ảnh hưởng đến bộ máy của Đảng, Nhà nước…) vừa bị ngoại kích (các thế lực thù địch lợi dụng để chống phá). Trong khi thực tế, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đang được Đảng, Nhà nước Việt Nam chỉ đạo thực hiện quyết liệt, được nhân dân hết sức ủng hộ, đạt những kết quả tích cực thời gian gần đây là minh chứng bác bỏ các luận điệu xuyên tạc đó. Những giọng điệu xuyên tạc, bịa đặt lạc lõng ấy không làm suy giảm quyết tâm phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam. Cộng đồng quốc tế và những người khách quan đều đánh giá tích cực về nỗ lực này của Việt Nam. Kết quả tích cực bước đầu cùng sự đánh giá cao của quốc tế sẽ là động lực để công cuộc phòng, chống tham nhũng của Việt Nam tiếp tục mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn để làm trong sạch bộ máy của Đảng và Nhà nước hơn nữa, mang lại nhiều hơn niềm tin trong nhân dân trên con đường phát triển đất nước.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực không phải lẻ tẻ từng vụ, từng việc mà bây giờ đã thành phong trào, thành một xu thế, làm có bài bản”. Công tác chống tiêu cực, tham nhũng đã cho thấy quyết tâm, nói được, làm được và niềm tin của nhân dân đã được khôi phục mạnh mẽ. Thời gian đã chứng minh và là câu trả lời rõ rệt nhất rằng, công cuộc chống tham nhũng của Đảng không có “vùng cấm”; cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam là điểm nhấn trong xu thế chung của thế giới”.

Làm thất bại toan tính phủ nhận cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng

Việc Hội nghị Trung ương lần thứ tư Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII không chỉ khẳng định kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm minh sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những hành vi tham nhũng, tiêu cực và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ mà còn mở rộng, nâng tầm cuộc chiến này cũng chính là sự bác bỏ trực diện những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, chống phá Đảng, Nhà nước ta.

Xuyên suốt trong chiến lược diễn biến hòa bình chống phá Đảng, Nhà nước và đất nước ta, các thế lực thù địch, phản động, bất mãn, cơ hội chính trị ở trong và ngoài nước luôn lợi dụng vấn đề tham nhũng, tiêu cực, lãng phí để tập trung chống phá. Sự chống phá này càng ráo riết hơn mỗi dịp diễn ra các sự kiện trọng đại như các kỳ Đại hội Đảng, Hội nghị Ban chấp hành Trung ương; các cuộc bầu cử Quốc hội, họp Quốc hội… Bởi chúng luôn muốn phủ nhận những thành tựu mà Đảng, đất nước và nhân dân ta đạt được, phủ nhận thành tựu dưới sự lãnh đạo của Đảng hòng từ đó phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, thực hiện diễn biến hòa bình đòi thay đổi chế độ, đa nguyên, đa đảng.

Có thể nói trong những thành tựu nổi bật đạt được trong các nhiệm kỳ Đại hội Đảng, nhất là từ nhiệm kỳ Đại hội lần thứ XII tới nay, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí đã thu được những kết quả quan trọng, góp phần vào thành tựu chung của đất nước, tạo không khí phấn khởi trong xã hội, tăng cường niềm tin trong nhân dân với Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa. Thế nên, không ngạc nhiên khi thấy các thế lực thù địch, phản động, bất mãn và cơ hội chính trị tập trung chống phá. Chúng giở đủ giọng điệu xuyên tạc, bôi nhọ, bóp méo… để phá hoại công cuộc chống tham nhũng, tiêu cực do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo. Lợi dụng việc dư luận xã hội bức xúc về tệ nạn tham nhũng, tiêu cực và công tác quản lý kinh tế, trong khi công tác xây dựng Đảng, ngăn chặn đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực của Đảng còn những mặt hạn chế, khuyết điểm, những thế lực thù địch, chống phá đã đưa ra luận điểm cho rằng “Đảng độc tôn lãnh đạo không thể đấu tranh chống tham nhũng thành công”. Chúng rêu rao, “tham nhũng là căn bệnh kinh niên của chế độ độc đảng cầm quyền” vì “Đảng vừa đá bóng, vừa thổi còi”; do xã hội thiếu dân chủ nên không thể chống tham nhũng thành công; đã nhiều lần phát động chống tham nhũng, nhưng đều không thành công, tệ nạn lại càng gia tăng... Từ đó, chúng lớn tiếng rằng, “cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Đảng Cộng sản Việt Nam không thể thành công” (?!).

Cùng với đó, các thế lực, phản động cũng tìm cách để xuyên tạc, bóp méo công cuộc chống tham nhũng, tiêu cực, xử lý cán bộ sai phạm ở nước ta. Chúng lập lờ “đánh lận con đen”, xuyên tạc hòng biến việc xử lý các vụ án tham nhũng, tiêu cực và cán bộ sai phạm ở nước ta thành chuyện “thanh trừng, đấu đá nội bộ, phe cánh chính trị”. Việc xử lý những cán bộ, đảng viên sai phạm, kể cả những người từng giữ cương vị rất cao, là minh chứng cho quyết tâm chống tham nhũng, tiêu cực, đồng thời mang lại niềm tin rất lớn của nhân dân đối với Đảng trong cuộc chiến chống thứ “nội xâm”, “quốc nạn” này. Thế nhưng, chúng vẫn cố tình quy chụp đó là “sự thất bại nặng nề của công tác nhân sự mà Đảng lãnh đạo” mà nguyên nhân là bởi “Đảng thiếu năng lực”. Cuối cùng, chúng tự lộ mục đích chống phá xấu xa phủ nhận vai trò, sự lãnh đạo của Đảng trong cuộc cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực khi trắng trợn quy kết rằng “Đảng Cộng sản Việt Nam không thể phòng, chống được tham nhũng”.

Với tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật”, Đảng ta nhìn nhận rằng, công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực vẫn còn những hạn chế, khó khăn, vướng mắc; tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực vẫn còn nghiêm trọng, phức tạp, với biểu hiện ngày càng tinh vi, gây bức xúc trong xã hội; tham nhũng, tiêu cực vẫn là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và của chế độ. Thế nhưng, cũng phải khẳng định là những năm qua, đất nước ta đã đạt được những thành tựu rất quan trọng và khá toàn diện trên các lĩnh vực, trong đó có công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Đặc biệt, từ khi thành lập Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, nhất là từ đầu nhiệm kỳ Đại hội lần thứ XII của Đảng tới nay, dưới sự chỉ đạo, lãnh đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mà trực tiếp, thường xuyên của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Trưởng Ban chỉ đạo đã được triển khai quyết liệt, toàn diện, đi vào chiều sâu, đạt được nhiều kết quả rất quan trọng. Việc đẩy mạnh công tác đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong Đảng và hệ thống chính trị được thể hiện rõ qua văn kiện Đại hội Đảng, qua các Chỉ thị, Nghị quyết chuyên đề về xây dựng Đảng và chỉnh đốn Đảng, về phòng và đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực... Những chủ trương, chính sách của Đảng đã được hiện thực hóa bằng luật pháp, quy định ngày càng chặt chẽ, nghiêm minh của Nhà nước.

Có thể khẳng định, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí không những chững lại mà còn tiếp tục được đẩy mạnh hơn nữa, quyết liệt hơn nữa và sẽ hiệu quả hơn nữa với những giải pháp mới, mang tính đột phá mà Hội nghị Trung ương lần thứ tư thống nhất đề ra. Nói cách khác, chính kết quả rất quan trọng này đã làm thất bại mọi toan tính thâm hiểm hòng phủ nhận công cuộc chống tham nhũng, tiêu cực và sâu xa hơn là hòng phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng ta.

Ông Vũ Quốc Hùng (Nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương): Làm thật, thực hiện thật việc không có “vùng cấm” ở ngay trong Đảng

“Chúng ta đang chống tham nhũng, tiêu cực rất quyết liệt. Tuy nhiên nhân dân vẫn còn nhiều bức xúc, tham nhũng tiêu cực vẫn chưa đẩy lùi được. Chống tham nhũng không có nghĩa là chờ đồng chí mình phạm tội rồi đem ra kỷ luật, mà phải chủ động phát hiện và ngăn chặn kịp thời. Người đứng đầu các cơ quan trước hết phải làm gương, rồi sau đó là đôn đốc, nhắc nhở, nếu đã có sai sót phải kiểm điểm, chỉ ra vi phạm. Khi còn công tác ở Ủy ban Kiểm tra Trung ương, tôi đã nhận định, tham nhũng ngày một phức tạp, lan rộng và tinh vi. Qua kết quả kiểm tra, giám sát của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, của Thanh tra Chính phủ, của Kiểm toán Nhà nước, của cơ quan điều tra… cho thấy đang bộc lộ một bộ phận cán bộ có chức có quyền đã bị thoái hóa, biến chất. Nhiều vụ việc đã xử lý, nặng thì ra vành móng ngựa, nhẹ thì bị kỷ luật Đảng, kỷ luật chính quyền… Rõ ràng tham nhũng xuất hiện ở nhiều nơi, những chỗ có công quỹ, có đất thì đều để xảy ra sai phạm, đó là điều đáng lo.

Bộ Chính trị đã họp và thống nhất bổ sung tên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng thành Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Qua thực tiễn không thể tách được tiêu cực với tham nhũng. Tham nhũng cũng là một dạng tiêu cực, tham nhũng có nhiều nguồn gốc do tiêu cực. Có thể cán bộ tiêu cực nhưng chưa tham nhũng, nhưng tiêu cực là “mầm mống” dẫn tới tham nhũng. Tôi tin những người nhiệt huyết chống tham nhũng, những người liêm chính vẫn còn nhiều. Tôi tin rằng Đảng ta sẽ nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng, nói rõ sự thật và sẽ loại trừ được nạn tham nhũng, tiêu cực để đáp ứng sự mong mỏi của nhân dân. Tôi luôn thấy sự quyết tâm của Trung ương Đảng, trực tiếp là Bộ Chính trị và Ban Bí thư. Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng đều phát biểu với sự quyết tâm rất cao trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Từ trước đến nay có nhiều vụ việc cũng gọi là tày đình, liên quan đến các cán bộ cao cấp, thấy rằng quan điểm của Đảng rất rõ ràng - tức là không phải chỉ hô khẩu hiệu mà là làm thật, thực hiện thật việc không có “vùng cấm” ở ngay trong Đảng”.

PGS.TS Nguyễn Cảnh Quý (Viện Nhà nước và Pháp luật, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh): Hoàn thiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng

“Theo tôi, để công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng tăng thêm hiệu quả, chúng ta cần tiếp tục sửa đổi Luật Phòng chống tham nhũng để quy định một cách toàn diện, bao quát, nhất là quy định cụ thể các biện pháp để bảo đảm thực hiện việc công khai, minh bạch đầy đủ, kịp thời các hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị… Luật Phòng, chống tham nhũng cần quy định các biện pháp hữu hiệu, các cơ quan chuyên trách quản lý, xác minh những kê khai tài sản, thu nhập của những người có chức vụ, quyền hạn xem có có trung thực, chính xác không. Đặc biệt là cần quy định một cơ chế theo dõi biến động tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn và trách nhiệm giải trình, làm rõ tài sản, thu nhập gia tăng không hợp lý, không rõ ràng. Hoàn thiện các quy định tố cáo và giải quyết tố cáo hành vi tham nhũng, nhất là quy định xem xét đơn thư nặc danh, tạo điều kiện cho người dưới quyền, người dân dám nói lên sự thật. Bởi những người tham nhũng thường có chức vụ, quyền hạn, nên những người tố cáo rất e ngại bị trả thù.

Bên cạnh đó cần hoàn thiện pháp luật hình sự để có thể hình sự hóa hành vi làm giàu bất hợp pháp. Kinh nghiệm lập pháp một số nước cho thấy, họ đã hình sự hóa hành vi làm giàu bất hợp pháp như một giải pháp để đấu tranh hiệu quả đối với tội phạm tham nhũng. Nghĩa là trách nhiệm chứng minh tài sản bất minh hay không được chuyển từ các cơ quan tố tụng sang người nắm giữ tài sản. Nếu người có chức vụ quyền hạn không chứng minh được tài sản của mình là hợp pháp thì tài sản đó là tài sản tham nhũng. Ngoài ra, bổ sung trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với tội phạm đưa hối lộ và xây dựng chế tài thích hợp với pháp nhân. Bộ luật Hình sự năm 2015 đã quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân và giới hạn trong 31 tội danh, trong đó không có tội đưa hối lộ. Vì vậy, việc quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với hành vi đưa hối lộ là cần thiết.

Chúng ta cũng cần xây dựng và hoàn thiện pháp luật về kiện dân sự để thu hồi tài sản tham nhũng, bởi biện pháp hình sự cũng có một số hạn chế, bao gồm yêu cầu tiêu chuẩn cao về bằng chứng buộc tội. Ngoài ra, truy tố hình sự sẽ gặp trở ngại lớn trong trường hợp người phạm tội chết hoặc bỏ trốn hoặc được hưởng quyền miễn trừ. Theo kinh nghiệm quốc tế, việc thu hồi tài sản tham nhũng có thể khởi kiện về tài sản theo pháp luật dân sự và tố tụng dân sự. Trước mắt, có thể áp dụng thu hồi tài sản tham nhũng theo quy trình khởi kiện dân sự đối với các trường hợp: Người phạm tội bỏ trốn, không thể mở phiên tòa để phán xử hình sự; người phạm tội chết hoặc chết trước khi ra phán quyết buộc tội; người phạm tội mắc bệnh làm mất khả năng nhận thức; không xác định được người phạm tội nhưng phát hiện được tài sản phạm tội; không đủ chứng cứ để tiếp tục tiến trình truy cứu hình sự đối với người tình nghi phạm tội tham nhũng”.