Xét nghiệm máu bằng… đồ chơi trị giá 5.000 đồng

ANTD.VN - Lấy ý tưởng từ món đồ chơi tùng xèng, các nhà khoa học từ Đại học Stanford (Mỹ) đã tạo ra một chiếc máy ly tâm kéo tay có thể sử dụng làm xét nghiệm máu mang lại hiệu quả cao mà giá thành cực rẻ, chỉ 20 cent (tương đương 5.000 VND).

Những con quay dây hay trò chơi tùng xèng chẳng xa lạ gì đối với nhiều người bởi nó là món đồ chơi tự chế của hầu hết trẻ em hồi cuối thế kỷ trước. Nó  gồm một chiếc nắp hình đĩa nhỏ được đục lỗ đối xứng quanh tâm rồi xuyên qua một vòng dây. Bằng cách xoắn dây lại rồi kéo, chiếc đĩa nhỏ quay đi quay lại với vận tốc đáng kinh ngạc.

“Đây là món đồ mà tôi từng chơi khi còn nhỏ. Bất chợt một hôm tôi quay nó, và vì tò mò nên tôi đã gắn một máy ảnh với một phép đo tốc độ cao. Kết quả, tôi thật bất ngờ khi biết được nó quay với vận tốc 10.000-15.000 vòng mỗi phút”, Tiến sĩ Saad Bhamla cho biết. Bhamla lập tức so sánh vận tốc này với một chiếc máy ly tâm hiện đại có trị giá hàng chục ngàn USD. Ngay sau đó, anh cùng cộng sự là Manu Prakash và 3 sinh viên ngành y sinh của Đại học Stanford và MIT đã bắt đầu tiến hành nghiên cứu cơ chế hoạt động của những con quay tùng xèng để phát triển máy ly tâm xét nghiệm máu. 

Chỉ tốn 90 giây

Thiết bị thô sơ ban đầu được Bhamla và Prakash đặt tên là Paperfuge. 2 nhà khoa học thiết kế một đĩa giấy nhỏ có rãnh và đặt vào đó một tuýp có chứa máu, đồng thời khéo léo tạo ra 2 tay cầm thuận tiện hơn cho việc kéo ra kéo vào. Với kết quả ban đầu từ “chiếc máy ly tâm” này cho thấy, nó có tốc độ quay lên tới 125.000 vòng/phút, đồng thời sản sinh ra một lực ly tâm khoảng 30.000 Gs (tương đương gia tốc trọng trường của Trái đất).

Chỉ cần được quay trong khoảng 90 giây, Paperfuge có thể tách huyết tương ra khỏi máu, và sau khoảng 15 phút nó có thể tách được ký sinh trùng sốt rét

Hai nhà khoa học chia sẻ, chỉ cần được quay trong khoảng 90 giây, Paperfuge có thể tách huyết tương ra khỏi máu, và sau khoảng 15 phút nó có thể tách được ký sinh trùng sốt rét trong mẫu máu đang xét nghiệm. “Đó là một thiết bị quay nhanh nhất bằng chính sức mạnh của con người mà tôi từng biết”, Manu Prakash chia sẻ. Ngoài giá thành rẻ,               Paperfuge còn có một ưu điểm nữa là không cần dùng điện mà chỉ cần chút sức lực nhỏ của con người, do đó nó sẽ tiết kiệm cho ngành y tế, người dân nghèo số tiền không hề nhỏ. 

Thiết bị phục vụ người nghèo

Manu Prakash, một chuyên gia trong lĩnh vực thiết bị y tế giá rẻ, chẩn đoán chi phí thấp, từng tạo ra kính hiển vi dạng giấy gấp có giá nửa USD hồi năm 2014 chia sẻ, anh cảm thấy tiếc nuối và lãng phí khi người người ta cho đặt một chiếc máy ly tâm dùng để xét nghiệm máu có giá hàng ngàn USD tại một bệnh viện nông thôn ở Uganda, tuy nhiên ở đây lại không có điện. Do đó, anh mong muốn thiết bị của mình cùng cộng sự thực sự được đưa đến những vùng xa xôi hẻo lánh, nơi người dân vẫn phải thắp sáng bằng dầu. 

“Có khoảng hơn 1 tỷ người trên thế giới đang phải sống trong cảnh không có những điều kiện tối thiểu về cơ sở hạ tầng, đường sá, điện và nước sinh hoạt. Tôi nghĩ rằng, chúng tôi cần phải thiết kế và lắp đặt ở những nơi này những thiết bị y tế phục vụ cho người nghèo với giá chỉ bằng nửa giá tiền của một ly cà phê như thiết bị ly tâm này”, Prakash nói. Anh hy vọng, Paperfuge cũng sẽ góp phần làm giảm số người mắc bệnh HIV, sốt rét, bệnh lao, bệnh ngủ châu Phi…

Bhamla, Prakash và các cộng sự vừa trở về từ chuyến đi thực tế ở Madagascar và xét nghiệm máu cho người dân ở đây có sự trợ giúp của các cộng tác viên y tế cộng đồng địa phương. Hy vọng, sắp tới Paperfuge sẽ có mặt ở nhiều phòng khám, xét nghiệm trên khắp thế giới, đặc biệt ở những vùng nông thôn, miền núi, hải đảo, hoặc những nơi người dân khó tiếp cận với nguồn điện, nước sinh hoạt. Và khó ai có thể tin rằng, thứ đồ chơi trẻ con ra đời khoảng 3.000 năm trước Công nguyên nay lại được các nhà khoa học Mỹ sử dụng làm thiết bị y tế có ích cho người dân nghèo.