Tâm sự của tác giả kịch bản “Sống cùng lịch sử” – Nhà biên kịch Đoàn Minh Tuấn:

“Xem xong, có thể bạn sẽ khóc”...

ANTĐ - Chọn cách làm mới để tiếp cận giới trẻ song bộ phim kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - “Sống cùng lịch sử” lại rơi vào cảnh ế ẩm khi ra rạp. Nhà biên kịch Đoàn Mạnh Tuấn, tác giả kịch bản của bộ phim đã “mổ xẻ” thẳng thắn câu chuyện này cùng phóng viên Báo An ninh Thủ đô. 

Một cảnh trong phim “Sống cùng lịch sử”

“Nhiều người đã khóc vì xúc động”

- PV:  Gần 5 tháng kể từ ngày “Sống cùng lịch sử” công chiếu lần đầu tiên, đến nay, ông nhận được những phản hồi gì về bộ phim? 

- Hãy xem đã, rồi bạn sẽ thấy: Đây là một bộ phim rất xúc động. Tôi từng chứng kiến khi phim công chiếu ở Trung tâm chiếu phim Quốc gia 1 tuần liền dịp 30-4 và 1-5 vừa qua, trong rạp không còn một chỗ trống, nhiều bạn trẻ đến xem nhưng phải về vì hết chỗ. Nhiều người xem xong đã khóc vì xúc động. Lần phim được chiếu ở Hội Điện ảnh Việt Nam, sau khi xem xong tôi thấy dịch giả Phạm Xuân Nguyên mắt đỏ hoe không đứng dậy được, nhà văn Trung Trung Đỉnh cũng khóc. Một bạn trẻ nói với tôi rằng, sẽ qua mạng xã hội Facebook để kêu gọi mọi người phải đi xem ngay bộ phim này.

Tôi cũng không thể quên hôm phim chiếu trước 1.300 chiến sĩ Lữ đoàn 82 Điện Biên Phủ, nhiều chiến sĩ nói xem phim này xong, thấy thế hệ cha anh như đang ở đâu đây. Rồi buổi chiếu cho gần 1.000 sinh viên trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên… các em đều nói qua bộ phim này, có cái nhìn khác về phim Việt Nam. Một cô y tá người Thái sau buổi chiếu tần ngần bên đống lửa nói xem phim này khóc từ đầu đến cuối. Đấy là chưa kể lần phim được mang sang Pháp để chiếu đối thoại với phim làm về Điện Biên Phủ của Pháp. Tôi rất cảm động khi đạo diễn NSND Lê Đức Tiến đến thẳng nơi tôi làm việc và nói từ lúc làm phim đến giờ thì đây là bộ phim ông thấy sửng sốt nhất. Vì những điều đó, tôi tin đây là một phim tốt.

- Vậy tại sao khi ra rạp và bán vé, phim lại liên tục bị hủy suất chiếu vì không có người xem?

- Tôi từng nói chuyện với Giám đốc một hãng phim tư nhân, họ nói họ chỉ làm phim thương mại thôi, còn những cái cao cả dành cho Nhà nước. Đấy chỉ là một ví dụ để chúng ta nhìn thẳng vào sự khác biệt giữa phim Nhà nước và phim tư nhân. Phim Nhà nước là phim có ý nghĩa tuyên truyền nên cũng đừng bắt nó gánh trách nhiệm thương mại. Người ta vẫn nói “xay thóc thì khỏi ẵm em” là vậy. Tôi thấy nhiều người cố tình đánh tráo khái niệm, không bán được vé là quy chụp thế này thế khác. Thật ra phim Nhà nước khi ra rạp cũng cần phải được quảng cáo nhưng hiện nay không có một hãng phim Nhà nước nào có bộ phận đảm trách việc này cả. Vả lại, trong kinh phí làm phim do Nhà nước duyệt cũng không có khoản này, tức là con số 0 tròn trĩnh Việc này, tôi nghĩ cũng có lỗi của cơ quan quản lý và chính hãng phim. 

- Bên cạnh khâu quảng bá chưa đến nơi đến chốn, theo ông thì còn lý do gì khiến “Sống cùng lịch sử” rơi vào cảnh hẩm hiu?

- Đa số rạp hiện nay đều nằm trong tay nước ngoài và tư nhân. Nhà nước thì chỉ có mỗi cụm rạp ở Trung tâm Chiếu phim Quốc gia. Cho nên, phim muốn đến với khán giả thì Nhà nước cũng không có rạp mà chiếu. Còn rất nhiều bất cập nữa, mỗi tháng mình nhập 10-15 phim bằng số phim nhập cả năm của một quốc gia có nền điện ảnh phát triển. Hơn nữa, Nhà nước lại rất hạn chế đầu tư cho phim của mình. Khoảng 2 năm trước, có khoảng 20 phim tư nhân tham dự Liên hoan phim Việt Nam, nhưng chỉ có 1 phim Nhà nước. Con số đấy cũng đủ để thấy sự chênh lệch. 

Phim được dẫn dắt bởi những người trẻ, có nhiều cảnh quay chân thực
khiến người xem rơi nước mắt

“Tay ngang” nên thất bại trong tiếp thị phim

-  Vậy sao những người làm phim không chủ động đặt vấn đề hợp tác với các đơn vị phát hành phim tư nhân để đưa phim ra rạp?

- Việc này đoàn làm phim không có chuyên môn. Đấy cũng là nỗi khổ của những người làm phim Nhà nước đặt hàng. Rất khổ là đằng khác. Chúng tôi chỉ biết làm phim đến nơi đến chốn, còn đưa phim đến khán giả lại là cả vấn đề. Các hãng phim tư nhân khi làm phim họ lập tức có website riêng, rồi lên Facebook cập nhật, thậm chí “nhảy” cả ra ngoài đường để phỏng vấn khán giả… Còn mình thì không được đào tạo, toàn “tay  ngang” nên thất bại là cái chắc. Cho nên, mới cần phải có bộ phận làm việc này chuyên nghiệp. Chúng tôi đang mơ đến điều đó.

- Người ta ồn ào chuyện “Sống cùng lịch sử” được làm với kinh phí lên tới  21 tỷ đồng, ông nghĩ sao?

- Người ta cứ nghĩ 21 tỷ đồng là to, trong khi phim về Điện Biên Phủ mà người Pháp làm trước đây còn lên tới 30 triệu USD, tức là gấp 30 lần. Những việc phía sau màn ảnh cũng không ai thấy được, hàng trăm bộ đội, hàng trăm dân công, mỗi người đều được mua bảo hiểm với giá 400.000 đồng/người để đề phòng tai nạn xảy ra. Ở nước ngoài họ làm phim dùng thuốc nổ giả, còn phim mình thì dùng thuốc nổ thật, đánh thật, nguy hiểm đến mức phải mua bảo hiểm cho mọi người là vì thế. Chưa kể từ cái xe đạp, quần áo trang phục… đều phải làm ra chứ không có sẵn. Tôi vẫn nhớ một hôm tôi gặp đạo diễn Thanh Vân, anh ôm lấy tôi và nhìn thẳng vào mắt tôi khẳng định, anh làm phim bằng cả tấm lòng. Tôi tin chứ. Tâm hồn bị vẩn đục bởi chuyện tiền nong thì không làm ra được những thước phim xúc động như vậy đâu.

- Bản thân ông có tiếc không khi “Sống cùng lịch sử” lại không “sống” được cùng khán giả?

- Phim vẫn còn cơ hội ra rạp đến với mọi người, trước mắt là dịp 22-12 tới. Tôi tin nếu làm có bài bản hơn thì hiệu quả sẽ tốt lên thôi.

“Xem xong, có thể bạn sẽ khóc”... ảnh 3

“Sống cùng lịch sử” là bộ phim về đề tài chiến tranh đầu tiên khai thác lịch sử từ góc nhìn của giới trẻ và mang đậm hơi thở của cuộc sống đương đại. Phim mở đầu bằng cảnh yêu đương của một đôi bạn trẻ trong nhóm ba sinh viên có chung niềm đam mê “phượt”. Đây là điểm mấu chốt kết nối toàn bộ mạch phim khi cả ba quyết định lên đường “phượt” Điện Biên chỉ để tìm hiểu vì sao “có mỗi trận chiến với quân Pháp mà ngốn tới 56 ngày đêm”.

Tin cùng chuyên mục