Xem xét dừng nhập khẩu thịt từ Brazil

ANTD.VN - Hai tháng đầu năm 2017, Việt Nam đã nhập khẩu 3.000 tấn thịt và các sản phẩm từ thịt từ Brazil. Hiện nay, Bộ NN&PTNT đang xem xét dừng nhập khẩu thịt từ quốc gia này.

Có đến 30 công ty chuyên xuất khẩu thịt của Brazil liên quan đến bê bối thịt nhiễm bẩn

Brazil hiện là quốc gia xuất khẩu thịt đỏ lớn nhất thế giới. Sau bê bối 30 công ty chuyên xuất khẩu thịt của Brazil sử dụng hóa chất mất ATTP để đưa vào thịt xuất khẩu, nhiều quốc gia đã tạm dừng nhập khẩu từ quốc gia này như Trung Quốc, Hàn Quốc, Chile và nhiều nước EU... 

Nhập khẩu thịt từ Brazil gia tăng

Bộ Công Thương cho biết, theo thông báo của Cảnh sát và Bộ Nông nghiệp Brazil, các cơ quan chức năng đang điều tra, thu thập chứng cứ cáo buộc nhiều công ty, trong đó có cả JBS và BRF - 2 nhà sản xuất thịt lớn nhất Brazil cũng như của thế giới, đã hối lộ các nhân viên Nhà nước để họ cho phép lưu thông và xuất khẩu các sản phẩm thịt nhiễm bẩn.

Nhiều sản phẩm thịt và xúc xích của các công ty bị cáo buộc có các thành phần không đảm bảo vệ sinh ATTP. Đặc biệt, để làm mất mùi hôi, các công ty này đã sử dụng các loại axít không được phép dùng trong sản xuất thực phẩm. Các sản phẩm nhiễm bẩn này đã được phân phối trên thị trường nội địa thông qua các chuỗi siêu thị. Theo thông tin của Cảnh sát Brazil, một số sản phẩm thịt nhiễm vi khuẩn salmonella còn đang trên đường xuất khẩu sang châu Âu.

 “Tất cả các lô hàng thịt nhập khẩu từ Brazil vào Việt Nam đều được lưu giữ tại khu vực cảng nhập, sau đó các cơ quan thú y cửa khẩu tổ chức kiểm soát chặt chẽ, lấy mẫu xét nghiệm từng lô hàng, nếu kết quả xét nghiệm bảo đảm an toàn thực phẩm mới được phép nhập khẩu”.

Ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT)

Hiện tại, Brazil xuất khẩu thịt gia súc, gia cầm tới 150 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Năm 2016, Brazil là nước dẫn đầu thế giới về xuất khẩu thịt bò với sản lượng khoảng 1,8 triệu tấn, thịt gà với sản lượng trên 4 triệu tấn. Thị trường xuất khẩu thịt của Brazil chủ yếu là châu  Âu,  Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore…

Trong khi đó, tại Việt Nam, Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) thông tin, 2 tháng đầu năm 2017, nước ta đã nhập khoảng 3.000 tấn thịt và các sản phẩm từ thịt từ Brazil với trị giá kim ngạch đạt 12,8 triệu USD, chiếm khoảng 7% tổng kim ngạch xuất khẩu của Brazil sang Việt Nam. Bộ Công Thương nhìn nhận: “Nhập khẩu thịt từ Brazil có chiều hướng tăng mạnh. Các cơ quan chức năng của nước ta cần có các biện pháp kiểm soát chặt chẽ để bảo đảm các sản phẩm thịt nhập khẩu từ Brazil an toàn đối với người tiêu dùng”.

Kiểm soát đã chặt chẽ?

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho biết, chiều   21-3, lãnh đạo Bộ đã có cuộc họp khẩn với Cục Thú y và Cục Chăn nuôi về vấn đề thịt nhiễm bẩn của Brazil.  Liên quan đến việc Việt Nam có xem xét tạm dừng nhập khẩu thịt các loại từ Brazil không, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho hay đã giao lãnh đạo hai đơn vị này kiểm tra, rà soát các vấn đề liên quan đến vấn đề nhập khẩu, kiểm soát thịt từ Brazil.

Sau khi lãnh đạo Cục Thú y và Cục Chăn nuôi chính thức có văn bản đề xuất, Bộ NN&PTNT sẽ xử lý ngay. Về việc này, ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y thông tin, Cục Thú y đang đề nghị Bộ NN&PTNT xem xét tạm ngừng nhập khẩu thịt từ Brazil có nguồn gốc từ các nhà máy có nguy cơ mất ATTP.  

Ngoài ra, Cục Thú y cũng đã có công văn  chỉ đạo các đơn vị liên quan, nhất là các cơ quan thú y cửa khẩu kiểm soát chặt chẽ thịt gia súc, gia cầm nhập khẩu từ Brazil vào Việt Nam, trong đó có nội dung: “Giao các cơ quan Thú y vùng, Chi cục Kiểm dịch động vật vùng tăng cường kiểm soát thịt và sản phẩm thịt gia súc, gia cầm nhập khẩu từ Brazil vào Việt Nam. Nếu phát hiện sản phẩm của nhà máy giết mổ, chế biến thịt JBS SA và BRF SA thì tạm dừng kiểm dịch nhập khẩu”.

Mặc dù đã có trấn an từ ngành Nông nghiệp nhưng người tiêu dùng vẫn không khỏi lo lắng bởi theo cơ quan điều tra Brazil, có đến 30 công ty chuyên xuất khẩu thịt của nước này có liên quan đến bê bối thịt bẩn, trong đó có những doanh nghiệp xuất khẩu thịt hàng đầu thế giới. Việt Nam đã triển khai kiểm tra, kiểm soát ATTP tại các cửa khẩu, cảng biển nhưng có đảm bảo 100% lô hàng nhập về đều an toàn? Bởi, bê bối thịt bẩn lớn nhất Brazil hiện nay do chính cơ quan điều tra Brazil đưa ra ánh sáng chứ không phải do các quốc gia nhập khẩu phát hiện.