Xem xét cơ chế tài chính đặc thù cho Thủ đô: Không để Hà Nội thua thiệt hơn hiện tại

ANTD.VN - Chiều 20-12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc ban hành Nghị định của Chính phủ quy định về một số cơ chế tài chính, ngân sách đặc thù cho thành phố Hà Nội. Ủy ban Tài chính – Ngân sách cho rằng, nội dung cơ chế cần “có tính đột phá mạnh mẽ hơn, nhất là các vấn đề về phân cấp, phân quyền quyết định cho Thủ đô Hà Nội”.

Hà Nội rất cần cơ chế đặc thù mang tính đột phá để phát triển bền vững

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, mục tiêu ban hành Nghị định nhằm tăng cường quyền hạn và trách nhiệm của HĐND, UBND TP Hà Nội trong lĩnh vực quản lý ngân sách Nhà nước; đáp ứng yêu cầu đổi mới cơ chế quản lý kinh tế; nâng cao hiệu quả quản lý ngân sách Nhà nước, tạo động lực phát triển các nguồn lực phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô Hà Nội... Thẩm tra Tờ trình của Chính phủ, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính – Ngân sách nhất trí với nội dung Chính phủ trình. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng các quy định về cơ chế tài chính – ngân sách như quy định của các Luật không thể hiện rõ cơ chế đặc thù. Loại ý kiến này đề nghị nội dung cơ chế cần “có tính đột phá mạnh mẽ hơn, nhất là các vấn đề về phân cấp, phân quyền quyết định cho Thủ đô Hà Nội”.

Về quy định huy động các nguồn vốn khác cho đầu tư phát triển, đa số ý kiến trong cơ quan thẩm tra cho rằng, để tạo thêm kênh huy động nguồn vốn đầu tư, ngoài việc ưu tiên bố trí vốn ODA, Chính phủ cần ưu tiên hỗ trợ vốn vay ưu đãi để bổ sung nguồn lực cho Thủ đô Hà Nội. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, để đảm bảo công bằng trong phân bổ nguồn lực với các địa phương khó khăn khác, thì thay vì cấp phát một phần ODA cho Thủ đô Hà Nội, Chính phủ nên áp dụng cơ chế tăng mức vay về cho vay lại với lãi suất thấp, vì các dự án ở Thủ đô có thể thu được phí dịch vụ để trả nợ.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, để việc vay nợ phù hợp với khả năng trả nợ của từng địa phương, Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015 quy định mức dư nợ vay của thành phố Hà Nội không vượt quá 60% số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp. “Với quy định này, các khoản vay được tính trong bội chi ngân sách của thành phố và do Quốc hội quyết định hàng năm nên vẫn kiểm soát được khả năng trả nợ của thành phố”- Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng phân tích. Về nội dung này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Đinh Văn Nhã cho biết, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính - Ngân sách tán thành với đề nghị của Chính phủ vì quy định mới về mức dư nợ vay không quá 60% đủ bảo đảm cho Hà Nội có nguồn lực phát triển.

Tại phiên họp UBTVQH, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, thành phố đề xuất, để lại tiền bán cổ phần trong các doanh nghiệp Nhà nước thuộc thành phố cho Hà Nội đầu tư phát triển (ước tính khoảng 50.000 tỷ đồng trong 5 năm tới). Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng đề nghị Chính phủ xem xét phân cấp để Thủ đô được đầu tư các dự án lớn (nhóm A), bởi theo các quy định hiện hành thì thủ tục trình Thủ tướng phê duyệt đối với một dự án tốn rất nhiều thời gian.

Cũng tại phiên họp, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho rằng, nếu không có cơ chế đột phá để tháo gỡ thì Hà Nội sẽ “rất gay go”. Khẳng định Hà Nội rất chia sẻ với Trung ương, trong điều kiện khó khăn mà Trung ương yêu cầu thì Hà Nội phải chấp hành, Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng đề nghị mức đầu tư cho Thủ đô cần phải tăng thêm. Những dự án quan trọng, mang tính chiến lược, vượt tầm thì Hà Nội sẽ trình Chính phủ, Quốc hội xem xét.

Thảo luận về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đặt câu hỏi: “Cơ chế như Chính phủ trình được thông qua thì nhìn chung Thủ đô có lợi hơn hay thiệt hơn so với hiện hành”? Khi nghe đại diện cơ quan thẩm tra cho biết “tổng thể là thiệt hơn”, Chủ tịch Quốc hội dứt khoát: “Tinh thần của chúng ta là Nghị định này không làm thu hẹp ngân sách cho Hà Nội mà phải tạo cơ chế thực hiện Luật Thủ đô, tạo đột phá cho Thủ đô phát triển. Nếu không thì không đạt được mục đích. Cùng với cơ chế tài chính, Chính phủ cũng nên nghiên cứu các đề nghị khác của Hà Nội để có giải pháp phù hợp”.

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng cho rằng, mọi quyết định đều phải phù hợp với khuôn khổ pháp luật, cụ thể là Luật Thủ đô và Luật Ngân sách Nhà nước và tinh thần là “không để Hà Nội thua thiệt hơn hiện tại”. Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng cho rằng, việc ban hành Nghị định phải tạo ra lợi thế hơn cho Hà Nội so với trước đây. Ông yêu cầu cơ quan thẩm tra tổng hợp, hoàn thiện thông báo ý kiến của UBTVQH gửi Chính phủ về nội dung này.