Xem “Người môi giới”: Khi cảnh sát góp phần cho cuộc đời nhân văn hơn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Hai nữ cảnh sát không ngại gió mưa, đổ công sức theo đuổi một vụ môi giới trẻ sơ sinh bất hợp pháp trong bộ phim “Người môi giới” (Broker) của đạo diễn Hirokazu Kore-eda. Thế nhưng chính quá trình điều tra đã khiến họ có cái nhìn “tình - lý” nhân văn với đương sự.
Những “mảnh ghép vụn hoàn hảo” trong “Người môi giới”

Những “mảnh ghép vụn hoàn hảo” trong “Người môi giới”

Khán giả quen thuộc với những bộ phim đặc tả chân dung sâu sắc và nhân văn của đạo diễn Hirokazu Kore-eda (Nhật Bản) sẽ không phải thất vọng khi xem “Người môi giới” - tác phẩm mới nhất của ông. Trang phê bình điện ảnh IndiWire đánh giá: “Người môi giới” là một bức tranh gia đình lạ lẫm. Bên cạnh sự đồng cảm của các nhân vật chính vẫn tồn tại đâu đó những góc khuất không kém phần nhói tim”.

Những số phận bi ai

“Người môi giới” có thể xem là một “dự án lạ” khi kết hợp từ 2 nền điện ảnh Nhật Bản - Hàn Quốc. Sau khi ra mắt thành công tại LHP Cannes hồi tháng 5-2022, những thắc mắc từ báo giới và công chúng xung quanh câu hỏi làm thế nào một đạo diễn Nhật Bản như Hirokazu Kore-eda có thể làm việc cùng các ngôi sao Hàn Quốc như Song Kang-ho, Gang Dong-won, Doona Bae, Lee Ji-eun và Lee Joo-young để tạo ra một tác phẩm điện ảnh xuất sắc đã có câu trả lời thuyết phục. Những lời thoại đơn giản, đắt giá, xuất thân và hành trình đến bên nhau của các nhân vật khiến khán giả như khóc, cười cùng họ.

Trong một đêm mưa gió ở thành phố Busan, người mẹ trẻ So-young (ca sĩ Lee Ji-eun đóng, quen thuộc với nghệ danh IU) bỏ lại đứa con sơ sinh tại nhà thờ mà không biết rằng cô đang bị theo dõi bởi nữ cảnh sát Soo-jin (Doona Bae đóng) cùng đồng sự Lee (Lee Joo Young). Hai kẻ môi giới lén lút Sang-hyun (Song Kang-ho) và Dong-soo (Gang Dong-won) nhận đứa bé và tìm cách môi giới cho các gia đình hiếm muộn cần có con nuôi. Mọi rắc rối bắt đầu khi So-young quay lại tìm con. Rồi cả 3 cùng với 1 cậu bé mồ côi khác lên chuyến xe đi gặp gỡ các cặp vợ chồng hiếm muộn. Dĩ nhiên hành động phi pháp của họ luôn bị theo dõi gắt gao từ 2 nữ cảnh sát đang chờ bắt quả tang vụ môi giới trẻ sơ sinh này.

Tình cảm gia đình và lát cắt cuộc sống

Trong số 5 nhân vật “vừa đáng trách, vừa đáng yêu” trong phim, không ai có quan hệ ruột thịt ngoại trừ mẹ con So-young. Thế nhưng khi chứng kiến cảnh họ cùng nhau đi trên chuyến xe định mệnh, khán giả thấy họ trông giống một gia đình. Những khoảnh khắc hạnh phúc cười vui của họ (như lúc rửa xe), cảnh gã thợ may nghèo Sang-hyun bồng bế nâng niu đứa trẻ sơ sinh… là những chi tiết “lát cắt” đắt giá tạo cảm xúc.

Không chỉ đề cập đến thực trạng những đứa bé bị bỏ rơi, “Người môi giới” là bộ phim đánh thức nhiều mặt sáng lẫn tối của đời sống đương đại. Xã hội luôn có nhiều phận người, và ngay cả những con người có nguy cơ phạm tội cũng có quyền được hạnh phúc. Tất nhiên, con đường đến hạnh phúc của mỗi người sẽ khác nhau. Ngay cả 2 nữ cảnh sát dù thực thi công lý cao cả cũng bắt đầu thấu hiểu và chia sẻ với những “nghi phạm”. Soo-jin muốn tìm được bằng chứng phạm pháp nhiều đến mức tạo ra hiện trường giả, nhân vật đóng giả vợ chồng mua trẻ sơ sinh nhằm bắt quả tang vụ việc, song bất thành. Đôi khi trong cuộc bám đuổi điều tra, chính 2 nữ cảnh sát cũng có phần mâu thuẫn với mục đích “đưa tội phạm vào tròng” mà họ đề ra ban đầu. Đó là khi tính nhân văn được đặt ra và cũng là lúc công lý lẫn tình người tìm cách dung hòa.

Nhân vật Dong-soo và So-young có tình cảm éo le chớm nở. Họ đã bắt đầu nhìn về một hướng, nhưng hoàn cảnh lại không cho phép họ suy nghĩ xa hơn. Nhìn những đôi lứa khác, So-young chỉ có thể bày tỏ với Dong-soo: “Tôi ước chúng ta có thể bắt đầu lại như vậy”. Khoảnh khắc ý nghĩa nhất là lúc So-young nằm dưới ánh đèn đã tắt, mọi người trong phòng đều nhắm mắt chờ câu nói “Cảm ơn từng người đã sinh ra đời” của cô. Tất cả tội lỗi, muộn phiền đều tan vào không gian, chỉ còn lại tình người với nhau, ít nhất trong giây phút đó.

Hình ảnh chiếc xe van cũ kỹ, gánh trách nhiệm chở một “gia đình bất đắc dĩ” gồm những thành phần khác biệt trong xã hội đi tìm người nuôi đứa trẻ sơ sinh rất đậm “mùi đời” và giàu cảm xúc. Những câu hỏi xen kẽ giữa truyền thống, tình người và tình yêu đôi lứa qua góc nhìn của Kore-eda luôn trong trẻo và dạt dào cảm xúc. Vị đạo diễn chú trọng đặt câu hỏi gai góc cho nhân vật và gợi mở những câu trả lời dành cho khán giả.

Những ai thưởng thức “Người môi giới” sẽ rời khỏi rạp với câu trả lời cho riêng mình khi nhớ chuyến xe định mệnh chạy qua những cung đường từ thành thị đến nông thôn đầy sắc màu của cuộc sống. Đó chính là một hành trình đa dạng, trong đó có những số phận, hoàn cảnh nghèo khó và tội lỗi. Người xem trỗi lên niềm cảm thông, bao dung với họ, cho dù ai phạm tội thì đều phải trả giá cho hành động của mình và không ai trong số các nhân vật này thoát khỏi ánh sáng nghiêm khắc của luật pháp.

Đạo diễn Kore-eda và dàn diễn viên tại buổi chiếu phim “Broker”, hoạt động trong khuôn khổ LHP

Đạo diễn Kore-eda và dàn diễn viên tại buổi chiếu phim “Broker”, hoạt động trong khuôn khổ LHP

“Người môi giới” mang cách kể chuyện giản dị, chậm rãi mà sâu lắng, tiêu biểu cho cách làm phim của đạo diễn Kore-eda, người từng đoạt giải Cành cọ Vàng tại LHP quốc tế Cannes 2018 với phim “Kẻ trộm siêu thị” (Shoplifters).

Ngoài sự dung dị và chân thực, “Người môi giới” còn cho thấy tất cả những nhân vật trong phim được “đo ni đóng giày” cẩn trọng và tỉ mỉ, 5 vai diễn là những “mảnh ghép vụn hoàn hảo”. Không quá nổi bật nhưng ngôi sao kỳ cựu Song Kang-ho vẫn đoạt giải Nam diễn viên chính xuất sắc tại LHP Cannes 2022.

Với góc tiếp cận thực tế của một đạo diễn “có nghề” và đưa những bức tranh đầy sắc màu của cuộc sống lên màn ảnh một cách mới mẻ, nhẹ nhàng kèm thông điệp nhân văn sâu sắc, Kore-eda tiếp nối sự nghiệp làm phim tuyệt vời của ông sau những tác phẩm trứ danh: “Không ai biết” (Nobody Knows), “Phép màu” (I Wish), “Cha nào con nấy” (Like father, Like son), “Kẻ trộm siêu thị” (Shoplifters)…

K.K