Xem cổ nhạc dưới "gầm rạp hát"

ANTĐ - Trong cái náo nhiệt thường trực giữa lòng phố cổ vào mỗi dịp cuối tuần, không phải ai cũng dừng lại và ghé thăm phố Đào Duy Từ để thưởng thức trọn vẹn một đêm cổ nhạc, dù là miễn phí. Thế nhưng, nếu đã một lần say đắm ca trù, tuồng, chèo hay hát văn thì nhất định phải tìm đến với “Chuyện nhạc phố cổ”. 
Xem cổ nhạc dưới "gầm rạp hát" ảnh 1

NSND Xuân Hoạch (giữa) trong một buổi diễn “Chuyện nhạc phố cổ”

Ngất ngây với “đặc sản” phố cổ

Không có trang âm, không giới thiệu giữa các tiết mục, sân khấu được tối giản chỉ có vài bức mành treo…, là cách người xem có thể thưởng thức âm nhạc một cách trọn vẹn nhất “Chuyện nhạc phố cổ”  - chuỗi chương trình âm nhạc truyền thống của xứ kinh kỳ đã trở thành đặc sản phố cổ hơn nửa năm nay.  Nét độc đáo của đêm nhạc là nếu như đến với những nhà hát, sân khấu khác, người yêu nhạc thường chỉ được thưởng thức một loại hình âm nhạc thì tại đây, người xem được kinh qua những vốn quý của cổ nhạc Việt Nam, nào xẩm,  chầu văn, nào tuồng, chèo… từ những nghệ sỹ gạo cội của nhóm Đông kinh cổ nhạc. 

Với một suất diễn, khán giả có thể chìm đắm trong lời hát ru đằm thắm của NSND Thanh Hoài, giật mình bởi tiếng thét của NSƯT Thúy Ngần trong “Xúy Vân giả dại”, thán phục bởi lối diễn xuất uyển chuyển, nhưng cũng đầy dữ dội của “cây tuồng”-  NSND Minh Gái, cười no nê với màn hề chèo của NSƯT Mạnh Phóng  hay thích thú cùng NSND Xuân Hoạch với lời xẩm đương đại “Rủ nhau cơm bụi giá bèo/Yêu nhau theo mốt nhà nghèo… vô tư”.

Tất cả đều được cộng hưởng bằng những âm thanh của nhạc cụ dân tộc như đàn hồ, đàn tranh, đàn nguyệt, đàn đáy, trống chầu… và tất nhiên, bằng sự nhiệt thành của những người nghệ sỹ. Đáp lại, người xem ném những thẻ tre được đổi bằng một số tiền nhất định vào một chiếc chậu đồng, gọi là ủng hộ cho tiết mục của người nghệ sỹ mà mình tâm đắc. Cuối chương trình, những người nghệ sỹ  sẵn sàng ngồi lại trò chuyện cùng khán giả về những tiết mục, vai trò của mình trong các vở diễn. 

Xem cổ nhạc dưới "gầm rạp hát" ảnh 2

NSND Minh Gái hết mình vì nhân vật

Hết mình trong từng vai diễn

“Nhiều nghệ sỹ đã sinh ra ngay dưới gầm rạp hát cũ này…”, đó là điều chúng tôi được biết từ NSND Xuân Hoạch, người nắm giữ phần “đinh” trong mỗi đêm “Chuyện nhạc phố cổ”. Địa điểm biểu diễn của chương trình - Trung tâm giao lưu văn hóa phổ cổ tại phố Đào Duy Từ, chính là nền của Rạp hát tuồng Lạc Việt, một trong những sân khấu tuồng nổi tiếng của Hà Nội xưa.

Ngoài một yếu tố địa lý mang tính chất tâm linh khiến “Chuyện nhạc phố cổ” tạo được thương hiệu của riêng mình, với NSND Xuân Hoạch, có lẽ điều khiến mọi người nhận ra cái “chất” của chương trình đó là không ở đâu người ta có thể xem, được nghe, được thưởng thức cùng một lúc nhiều thể loại âm nhạc truyền thống một cách thuần chất như ở đây. Để hoàn thành một đêm nhạc có vẻ ngắn ngủi, NSND Xuân Hoạch hay các nghệ sỹ trong đoàn Đông kinh cổ nhạc như NSND Thanh Hoài, NSƯT Đoàn Thanh Bình, NSƯT Vũ Ngọc… đã âm thầm chuẩn bị từ 4 năm trước.

Từ kết cấu một chương trình gồm những tiết mục, những vở diễn gì, ráp chúng lại như thế nào, cho đến từng phục trang, đạo cụ… Chính cây đàn hồ trông có vẻ là lạ mà người xem thường thấy bên cạnh NSND Xuân Hoạch là một trong những cây đàn được ông tự chế, gọi vui là “đàn hồ bầu” đã rong ruổi theo ông lưu diễn nhiều năm nay. 

Nếu ai đã từng xem các đêm diễn khác nhau của “Chuyện nhạc phố cổ”, có lẽ họ sẽ nhận thấy lực lượng tham gia biểu diễn chỉ toàn những nghệ sỹ đã lớn tuổi, nhiều người trong số đó thậm chí phải vật lộn với cơn đau, như NSND Minh Gái bị chứng đau thắt lưng, đã từng có lúc không đi, không đứng nổi nhưng mỗi lần lên sân khấu, nghệ sỹ vẫn hết mình với từng phân đoạn của mình.

Nói như NSƯT Vũ Ngọc, mặc dù toàn những người đã về hưu, ngấp nghé tuổi 60, 70 nhưng khi còn năng lượng, còn sức lực là còn cống hiến cho khán giả. Qua từng chương trình, người xem vẫn cảm nhận được sự say mê, “lửa nghề” của tất cả các nghệ sỹ trong đoàn.

NSND Xuân Hoạch cho biết: “Có những người nghĩ về hưu thì rất chán, nhưng chúng tôi không hề nghĩ gì đến cái sự chán này, bởi mỗi đêm diễn như một sự giải tỏa cho anh chị em nghệ sỹ. Chúng tôi sinh ra là đã “đắm” nghề nghiệp, không thể làm gì khác ngoài cái nghiệp này. Và thông qua “Chuyện nhạc phố cổ”, chúng tôi có những khán giả thực lòng yêu quý, thậm chí đến nhiều lần để xem lại các tiết mục. Bởi vậy, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ chuẩn bị những tiết mục mới để phục vụ công chúng”.

Tin cùng chuyên mục