Xe quá tải... nan giải

ANTĐ - Chỉ còn vài ngày nữa là kết thúc năm 2015 và tham vọng giải quyết dứt điểm nạn xe quá tải trọng trong năm nay của Bộ GTVT khó có thể hoàn thành. Sau quá trình buông lỏng quản lý kéo dài, chúng ta cần thêm thời gian để xóa hẳn tình trạng gây nhức nhối dư luận này.

Từ nhiều năm qua, tình trạng xe quá tải đã gây thiệt hại lớn cho hệ thống giao thông đường bộ vốn được đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng bằng nguồn ngân sách Nhà nước và địa phương.

Có nhiều ý kiến đã phân tích nguyên nhân khách quan và chủ quan vì sao tình trạng xe quá tải vẫn diễn biến hết sức phức tạp, đến mức nan giải như thời gian qua. Các biện pháp tình thế như lập các chốt kiểm tra, kiểm soát, xử phạt nghiêm xe vi phạm chỉ có tác dụng phần nào. Thực tế, xe quá tải vẫn tìm mọi lối đi có thể để hoạt động. Hậu quả nhãn tiền là rất nhiều con đường bị cày xới, băm nát, gây nỗi khiếp đảm cho người dân.

Trong năm 2015, với những giải pháp quyết liệt, quyết tâm mạnh mẽ của lực lượng chức năng, tình trạng xe quá tải trọng giảm nhanh nhưng không triệt để. Không ít trường hợp, cơ quan quản lý giao thông, thanh tra giao thông các cấp đã truy tìm về tận gốc các doanh nghiệp, công ty vận tải quản lý phương tiện xe quá tải để xử phạt, ngăn chặn, tuy nhiên, kết quả chưa được như mong muốn. Khó khăn này không chỉ riêng Việt Nam mà nhiều nước lớn trên thế giới như Trung Quốc, Mỹ… cũng đang đau đầu với tình trạng xe quá tải trọng hoành hành.

Một chủ trương đúng đắn nhưng vẫn cần một lộ trình căn cơ, phù hợp với thực tiễn. Nếu chỉ dựa vào những giải pháp “phần ngọn” thì chắc chắn khó có thể “cắt gốc” tình trạng xe quá tải. Cùng với việc tăng nặng chế tài xử phạt, cần bố trí đủ lực lượng thực thi công vụ để có thể phạt đúng, phạt đủ các hành vi vi phạm, nhất là ở các địa bàn giáp ranh.

Cùng với đó, cần đề cao trách nhiệm lực lượng thực thi công vụ ở tất cả các cấp, tránh tình trạng bộ, ngành Trung ương, cấp tỉnh thì hô hào quyết liệt nhưng cấp huyện, xã lại thờ ơ, thậm chí buông lỏng quản lý, tạo kẽ hở cho xe quá tải hoạt động. Cơ quan chức năng cũng cần cho doanh nghiệp một khoảng lùi nhất định, với những mốc thời gian thích hợp để họ có đủ điều kiện chuẩn bị và giảm tải từng bước, tiến tới giảm tải tuyệt đối.

Giảm áp lực cho hệ thống giao thông, giảm xe quá tải cũng như vấn đề giảm tải bệnh viện, trường học là việc cấp bách, không thể đắn đo, chậm trễ. Thế nhưng, nên nhớ rằng, “dục tốc bất đạt”. Nếu vội “đốt cháy giai đoạn” theo kiểu duy ý chí, thì mọi ý tưởng, kế hoạch, mục tiêu tốt đẹp khó trở thành hiện thực trong một sớm, một chiều. Muốn xóa triệt để tình trạng xe quá tải, cần hội đủ nhiều điều kiện. Tiến lên nhưng mỗi bước phải chắc chắn, tránh để lại hệ lụy đáng tiếc ngoài mong muốn.