Xe khách Hà Nội - Hải Phòng sẽ chuyển hết thành xe buýt

ANTD.VN - Tổng cục Đường bộ Việt Nam đang hoàn thiện Đề án thí điểm chuyển tuyến vận tải khách liên tỉnh cố định Hà Nội - Hải Phòng thành tuyến buýt, nhằm lập lại trật tự trong hoạt động vận tải khách vốn “nóng bỏng” từ nhiều năm nay trên tuyến QL5. 

Xe khách Hà Nội - Hải Phòng sẽ chuyển hết thành xe buýt ảnh 1Để lập lại trật tự trên tuyến Hà Nội - Hải Phòng, xe khách sẽ chuyển thành xe buýt

Có 35 vị trí dừng đỗ trên tuyến

Chủ trương chuyển tuyến cố định Hà Nội - Hải Phòng thành buýt được kỳ vọng sẽ giúp loại bỏ tình trạng “xe dù”, “xe đầu gấu” vốn gây mất an ninh trật tự, ATGT trong suốt thời gian qua. Theo kế hoạch ban đầu, trong tháng 9, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề nghị 4 Sở GTVT trên tuyến gồm: Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng cắm xong các điểm dừng đón trả khách tuyến cố định.  Ngày 13-9, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã phối hợp với Cục CSGT, Tổng Công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam và 4 Sở GTVT (Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng) kiểm tra hiện trường trên tuyến QL5. 

Sau khi khảo sát dọc tuyến, đoàn công tác đã xác định 35 vị trí cần bố trí điểm dừng đón khách tuyến cố định. Trong đó, đoạn qua Hải Phòng cần 8 điểm (5 điểm bên phải và 3 điểm bên trái tuyến), đoạn qua địa bàn Hải Dương cần 16 điểm (9 điểm bên phải, 7 điểm bên trái) và Hưng Yên 11 điểm (5 bên phải, 6 bên trái).

Sau khi các vị trí đã được xác định, Sở GTVT Hải Phòng, Hải Dương và Hưng Yên đã hoàn thành việc cắm biển dừng đón trả khách trên tuyến. Kinh phí để thực hiện việc cắm biển bằng nguồn xã hội hóa, do các doanh nghiệp vận tải tự nguyện đóng góp.

Riêng với đoạn qua địa bàn Hà Nội, đoàn xác định đây là tuyến có mật độ xe khách tuyến cố định lưu thông rất lớn nhưng mặt bằng để bố trí điểm dừng đón trả khách rất khó khăn, do bên phải tuyến chạy song song với đường sắt Hà Nội - Hải Phòng, bên trái tuyến tập trung dân cư sinh sống, kinh doanh. Nếu bố trí điểm dừng đón, trả khách với diện tích nhỏ, hẹp sẽ dẫn tới tình trạng ùn tắc giao thông, mất an ninh trật tự, ATGT, do cùng một thời điểm có hàng chục xe xếp hàng ra vào điểm dừng đỗ.

Trong văn bản mới đây gửi Sở GTVT Hà Nội, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề nghị Sở GTVT Hà Nội báo cáo UBND TP Hà Nội chỉ đạo nghiên cứu bố trí quỹ đất và đầu tư xây dựng điểm dừng đón trả khách có quy mô phù hợp; bảo đảm ATGT và an ninh trật tự trên QL5, mỗi chiều 1 điểm trong khu vực huyện Gia Lâm.

Đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết, đặc điểm xe khách liên tỉnh của Hà Nội khác so với các địa phương khác do lưu lượng tại các tuyến cửa ngõ vào thành phố rất lớn. Qua khảo sát, nếu bố trí điểm dừng đón trả khách sẽ xảy ra ùn tắc giao thông. Vì vậy, đoàn khảo sát thống nhất với hiện trạng như vậy chưa thể bố trí được điểm dừng đón trả khách. Nếu cắm biển dừng đỗ đón khách trên tuyến này phải có một quỹ đất rộng hơn. Sở GTVT Hà Nội sẽ rà soát, nghiên cứu tìm vị trí thích hợp trong thời gian tới. 

Chấm dứt tranh giành khách

Ông Lê Hồng Đạt, Chánh Văn phòng Sở GTVT Hà Nội nhìn nhận, để chuyển đổi mô hình từ tuyến vận tải khách liên tỉnh sang xe buýt sẽ cần phải nghiên cứu cụ thể phương thức hoạt động cho phù hợp. Sở GTVT Hà Nội sẽ họp bàn với Sở GTVT Hải Phòng, báo cáo lãnh đạo hai địa phương để đưa ra phương án phù hợp nhất, tránh tình trạng “đầu voi đuôi chuột”, khi triển khai thì rình rang nhưng lúc vào thực tế thì lại ách tắc. 

Ông Vũ Duy Tùng, Giám đốc Sở GTVT Hải Phòng thông tin, Sở đang xem xét phương án chuyển đổi này. Khẳng định ủng hộ việc chuyển đổi vận tải khách liên tỉnh trên tuyến QL5 thành tuyến  buýt, ông Vũ Duy Tùng nói: “Việc chuyển đổi vận tải khách liên tỉnh thành vận tải xe buýt sẽ giúp hạn chế tình trạng tranh giành khách, gây mất trật tự, mất ATGT trên tuyến Hà Nội - Hải Phòng vốn đã phức tạp lâu nay. Việc chuyển đổi mô hình này lợi cho cả doanh nghiệp và cơ quan quản lý Nhà nước”.  

Theo Giám đốc Sở GTVT Hải Phòng, có thể bước đầu thực hiện, các doanh nghiệp sẽ thấy lúng túng và khó khăn nhưng sau một thời gian sẽ thấy được cái lợi của việc này. Giám đốc Công ty TNHH Xuân Sơn, ông Nguyễn Văn Bảy (hoạt động trên tuyến Hà Nội - Hải Phòng) cho rằng, việc chuyển đổi cũng sẽ tạo điều kiện tốt hơn cho doanh nghiệp được dừng đón trả khách dọc đường, không như hiện nay, trên tuyến QL5 rất ít điểm dừng đỗ đón/trả khách. Hơn nữa, việc chuyển đổi thành xe buýt sẽ giảm được sự cạnh tranh gay gắt, vì vậy tình hình trật tự ATGT sẽ tốt hơn.

Cùng chung quan điểm, ông Đặng Đình Thoại, Phó Giám đốc Công ty CP xe khách Thanh Long (Hải Phòng) cho biết, việc điều hành tập trung xe tuyến cố định như xe buýt là hình thức rất văn minh. Nhưng, do thói quen của người dân chưa vào bến xe nên việc có nhà chờ là cần thiết, nhà xe sẽ sẵn sàng đầu tư. “Giai đoạn đầu triển khai, doanh nghiệp có thể sẽ bị lỗ vốn. Nhưng khi đã quen với các điểm dừng đón trả khách, hành khách sẽ tập trung tại đây, tôi tin doanh thu sẽ cao. Doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí, không phải vòng vo đón khách”, ông Đặng Đình Thoại nói.

Tuyến vận tải khách cố định liên tỉnh Hà Nội - Hải Phòng hiện có 12 doanh nghiệp tham gia, với tần suất 320 chuyến/ngày. Trong đó, bến xe Gia Lâm có 4 doanh nghiệp, tần suất 160 chuyến/ngày, còn lại rải rác tại bến xe Yên Nghĩa 60 chuyến/ngày,  bến xe Nước Ngầm 60 chuyến/ngày, bến xe Giáp Bát 40 chuyến/ngày.