Hà Nội:

Xe khách đi mỗi địa phương sẽ về một bến

ANTD.VN - Sở GTVT Hà Nội sẽ tiếp tục điều chuyển, bố trí lại luồng tuyến vận tải khách liên tỉnh sao cho hợp lý nhất theo hướng xe đi tới mỗi địa phương sẽ chỉ xuất phát ở một bến xe nhất định ở Hà Nội.

Ngày 2-1-2017, Sở GTVT đã điều chỉnh hơn 500 nốt xe, chủ yếu từ bến xe Mỹ Đình đi bến xe Nước Ngầm và Yên Nghĩa. Tuy vậy, nhiều doanh nghiệp sau điều chuyển đã phản ánh không có khách nên bị gây thua lỗ. Để chuẩn hóa luồng tuyến theo đúng quy hoạch của Bộ GTVT, Sở GTVT Hà Nội cho biết sẽ tiếp tục điều chuyển luồng tuyến xe khách theo hướng xe đi mỗi tỉnh, thành phố chỉ xuất phát ở một bến xe cụ thể.

Xe khách đi mỗi địa phương sẽ về một bến ảnh 1Việc điều chuyển xe khách đi mỗi tỉnh về một bến hành khách được hưởng lợi

Có thể điều chuyển trong quý II-2017

Sau đợt điều chuyển lớn vào ngày 2-1, hơn 400 nốt xe đi các tỉnh như Thanh Hóa, Nam Định, Thái Bình… đã được chuyển từ bến Mỹ Đình về bến Nước Ngầm. Tuy nhiên, sau nhiều tháng về bến mới hoạt động, hàng loạt nhà xe vẫn than khó. Lượng khách sụt giảm mạnh, cùng với đó là tình trạng “xe dù” hoạt động tấp nập khiến nhiều nhà xe khó khăn. Thực tế này cũng đã được Bộ GTVT và Sở GTVT Hà Nội ghi nhận. 

Một trong những nguyên nhân khiến lượng khách sụt giảm là do sự trùng lặp luồng tuyến giữa bến Giáp Bát và bến Nước Ngầm. Hai bến xe này chỉ cách nhau chừng 3km, trong khi đó, đi lại từ bến xe Giáp Bát thuận tiện hơn rất nhiều so với bến xe Nước Ngầm, bởi vậy, nhiều hành khách đã lựa chọn đi Thái Bình, Nam Định từ bến xe Giáp Bát mà không xuống Nước Ngầm. 

Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện cho hay, tiếp thu ý kiến của doanh nghiệp, Sở đã báo cáo và nhận được sự đồng thuận của Bộ GTVT về việc xây dựng lại biểu đồ chạy xe, chuẩn bị chuyển các tuyến xe khách cùng một tỉnh về một bến duy nhất thay vì xe một tỉnh vừa vào bến Nước Ngầm, vừa vào bến Giáp Bát như hiện nay.

Theo ông Vũ Văn Viện, việc điều chuyển có thể sẽ ảnh hưởng bước đầu đến một số doanh nghiệp nhưng về nguyên tắc, xe đi mỗi tỉnh về một bến sẽ tốt hơn. Phương án này không chỉ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cạnh tranh với nhau bằng chất lượng dịch vụ mà còn tạo thói quen cho hành khách.

Hiện nay, muốn đi Vinh (Nghệ An), hành khách sẽ nghĩ ngay tới việc phải xuống bến xe Nước Ngầm, đi Hải Phòng sẽ nghĩ ngay đến bến xe Gia Lâm… “Dự kiến, trong tháng 4 này, Sở GTVT sẽ hoàn thành rà soát trên thực địa, có kế hoạch cụ thể báo cáo Bộ GTVT và UBND TP Hà Nội. Nếu được chấp thuận sẽ thực hiện trong quý II-2017”, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội thông tin.

Hành khách được lợi

Tuy vậy, lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cũng nhìn nhận, khó nhất hiện nay là sắp xếp tỉnh nào về bến nào, bởi các doanh nghiệp đang hoạt động ổn định tại bến xe Giáp Bát, thuận tiện hơn nên không muốn về bến xe Nước Ngầm, ngược lại doanh nghiệp ở bến Nước Ngầm lại muốn về Giáp Bát.

Việc điều chuyển xe đi mỗi tỉnh, thành phố chỉ xuất phát ở một bến xe nhất định nếu được chấp thuận sẽ được Sở GTVT Hà Nội  thực hiện trong quý II-2017.

Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Huyện cho rằng, việc sắp xếp lại luồng tuyến theo hướng, xe đi mỗi tỉnh, thành phố về một bến là hợp lý. Cùng đó, cần dựa vào công suất thực tế của các bến cũng như điều kiện tổ chức để sắp xếp, điều chuyển giữa các bến xe sao cho ổn định. Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên cũng đồng tình với quan điểm điều chuyển luồng tuyến này của Sở GTVT.

“Chủ trương đưa các tuyến cùng đi một tỉnh về một bến xe là hợp lý, phù hợp với quy hoạch tại Quyết định 2288/QĐ-BGTVT của Bộ GTVT. Bên cạnh đó, sẽ giúp triệt tiêu tình trạng trùng lặp tuyến, đảm bảo thị trường cạnh tranh lành mạnh”, ông Bùi Danh Liên cho hay.

Hơn nữa, việc điều chuyển xe khách đi mỗi tỉnh về một bến thì hành khách được hưởng lợi bởi doanh nghiệp vận tải sẽ phải cạnh tranh nhau chất lượng phục vụ để có thể “lôi kéo” khách về với xe của mình. Bên cạnh đó, việc này cũng theo quy hoạch chung của TP Hà Nội là các tỉnh nằm phía nào thì xe khách sẽ về bến ở hướng đó. 

Tuy vậy, hiện nay, các phương tiện công cộng tại Hà Nội chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân. Do đó, Sở GTVT Hà Nội cần sớm hoàn thiện mạng lưới giao thông công cộng để kết nối từ trung tâm thành phố đi các bến xe sao cho thuận tiện nhất. Cùng với đó, cần nâng cao chất lượng dịch vụ để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.