Xe hết "đát" ở Việt Nam tìm cách né sang Lào

ANTĐ - Lợi dụng chủ trương, chính sách của Việt Nam và Lào về việc tạo điều kiện thuận lợi cho phương tiện cơ giới đường bộ qua lại biên giới giữa hai nước, nhiều phương tiện gần hết niên nạn ở Việt Nam đã đưa sang Lào làm thủ tục đổi biển, rồi lại quay về Việt Nam hoạt động.

Xe hết "đát" ở Việt Nam tìm cách né sang Lào ảnh 1Nhiều xe tải hết “đát” thường dạt về các tỉnh vùng núi, vùng xa hoạt động

Đổi biển số Lào rồi về Việt Nam lưu hành Ông Lê Thanh Hùng - Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Quảng Trị cho biết, kể từ khi Thông tư 88/2014 của Bộ GTVT ngày 31-12-2014 hướng dẫn thực hiện một số điều của Hiệp định và Nghị định thư tạo điều kiện thuận lợi cho phương tiện cơ giới đường bộ qua lại biên giới giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, các phương tiện hoạt động qua lại biên giới đều nghiêm túc chấp hành đúng quy định, đặc biệt là ô tô tải.

Lượng người và hàng hóa lưu thông trên tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây ngày càng tăng, góp phần phát triển kinh tế xã hội tại địa phương.

Năm 2015, thực hiện chỉ đạo của Cục Đăng kiểm Việt Nam, Sở GTVT Quảng Trị đã yêu cầu Trung tâm Đăng kiểm 7401S thống kê, lập danh sách các phương tiện hết niên hạn sử dụng theo quy định của Chính phủ. Sở GTVT đã lập danh sách, gửi Phòng CSGT tỉnh, công an các địa phương, đăng trên trang thông tin điện tử của Sở để phối hợp kiểm tra, xử lý.

 “Qua kiểm tra thực tế, hầu hết các phương tiện ô tô tải khi gần hết niên hạn sử dụng đã đưa sang Lào, sau đó làm thủ tục đổi sang biển số của Lào rồi tiếp tục lưu hành về Việt Nam. Vấn đề này làm tăng nguy cơ mất ATGT đối với các phương tiện ô tô tải hết niên hạn sử dụng khi tham gia giao thông, tạo tiền lệ xấu trong hoạt động vận tải” - ông Lê Thanh Hùng bày tỏ.

Theo Thông tư 88/2014 của Bộ GTVT, xe ô tô vận tải hàng hóa nằm trong đối tượng được cấp Giấy phép liên vận Việt - Lào; Giấy phép liên vận Việt - Lào cấp cho phương tiện thương mại thuộc các doanh nghiệp, hợp tác xã phục vụ các công trình, dự án và phục vụ cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã trên lãnh thổ Lào để đi lại nhiều lần, có giá trị 1 năm nhưng không quá thời hạn kết thúc công trình, dự án, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã trên lãnh thổ Lào. Thủ tục cấp phép cũng rất đơn giản và nhanh gọn.

Sẽ nghiên cứu và có kiến nghị phù hợp

Trong khi đó, số liệu từ Cục Đăng kiểm Việt Nam cho thấy, riêng trong năm 2015, cả nước có khoảng 21.000 ô tô hết niên hạn sử dụng, trong đó gần 19.000 xe chở hàng và hơn 2.000 xe chở người.

Tính đến 1-1-2016, cả nước có khoảng 120.000 xe hết niên hạn sử dụng, trong đó gần 80.000 xe chở hàng, còn lại là xe chở người. Dự kiến hết năm 2016, cả nước sẽ có thêm hơn 25.000 xe hết “đát”, trong đó hơn 22.000 xe chở hàng và gần 2.900 xe chở người.

Nghị định 95/2009/NĐ-CP ngày 30-10-2009 của Chính phủ Việt Nam về  niên hạn sử dụng đối với xe ô tô chở hàng và ô tô chở người quy định, xe chở hàng có niên hạn sử dụng không quá 25 năm. Trước thực tế này, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề nghị Bộ GTVT có Công hàm gửi Bộ Công chính và vận tải Lào về tình hình nêu trên và thông báo với các chủ phương tiện của Lào khi tham gia kinh doanh vận tải bằng xe ô tô tại Việt Nam phải tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam.

Ông Nguyễn Văn Huyện - Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho hay, sẽ xem xét, nghiên cứu lại những quy định tại Hiệp định và Nghị định thư, đồng thời sẽ có kiến nghị phù hợp.

Ông Lê Đình Thọ - Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết, hiện phía Lào không quy định niên hạn sử dụng của xe ô tô như ở Việt Nam, nên có thể một số đối tượng tìm cách lách luật. “Theo Hiệp định và Nghị định thư giữa Chính phủ hai nước, xe ô tô gần hết niên hạn ở Việt Nam đưa sang Lào thay tên, đổi biển Lào, rồi lại về Việt Nam lưu thông thì không vi phạm. Bộ GTVT sẽ nghiên cứu, xem xét lại vấn đề này”.