Phải có giải pháp triệt để với xe đạp điện (1)

Xe đạp điện náo loạn phố phường

ANTĐ - Nhỏ bé, gọn nhẹ nhưng những chiếc xe đạp điện lại có tốc độ tương đương xe máy, có thể chở tới 2 đến 3 người. Đây là loại phương tiện hiện đang rất được giới trẻ, học sinh, sinh viên ưa chuộng. Việc chở quá số người quy định, không đội mũ bảo hiểm, phóng nhanh, lạng lách, đi ngược chiều… đã khiến loại phương tiện này trở thành nỗi sợ hãi của người tham gia giao thông.

Việc tăng cường xử lý của CSGT cũng chỉ giải quyết được phần ngọn của những vi phạm

Bát nháo vi phạm

Chỉ cần bước chân xuống phố, chúng ta dễ dàng bắt gặp những hình ảnh vi phạm Luật Giao thông liên quan đến xe đạp điện. Theo ghi nhận của PV, thời điểm loại phương tiện này vi phạm nhiều nhất tập trung vào đầu giờ sáng, buổi trưa và tối. Không có gì khó hiểu bởi khung thời gian trên cũng là thời điểm đến trường, tan học và đi chơi của thanh thiếu niên, học sinh. Tại khu vực cổng trường Trần Phú ở phố Hai Bà Trưng, Hà Nội vào giờ cao điểm buổi sáng, rất đông học sinh đi xe đạp điện tới trường trong đó có không ít học sinh không đội mũ bảo hiểm. Thay vì mang xe vào trường, nhiều học sinh chở 3, không đội mũ bảo hiểm đã mang xe gửi ở một bãi trông giữ xe cạnh đó, nhằm tránh bị bảo vệ, thầy cô giáo trong trường phát hiện vi phạm. Sau mỗi giờ học, những chiếc xe đạp điện này lại “cõng” trên lưng 2 đến 3 học sinh đầu trần, lạng lách, lao vun vút trên phố. 

Không chỉ ở các khu vực trước cổng trường học, những vi phạm liên quan đến xe đạp điện còn được thấy ở bất cứ tuyến đường nào trên địa bàn Thủ đô. Nhưng nổi bật, tập trung nhất là ở những tuyến phố, các điểm vui chơi của giới trẻ. Trên tuyến đường Thụy Khuê nối với đường Thanh Niên, vào các buổi chiều tại đây tập trung rất đông thanh thiếu niên đèo nhau bằng xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm. Khu vực trước cửa Nhà hát Lớn vào buổi tối cũng trở thành “sàn diễn” của những thanh thiếu niên sử dụng xe đạp điện. Hầu như rất hiếm khi thấy học sinh, thanh thiếu niên ngồi trên xe đạp điện đội mũ bảo hiểm. Chưa hết, với vận tốc cao, nhỏ bé, chiếc xe đạp điện dễ dàng lạng lách, phóng lên vỉa hè, vượt đèn đỏ hay thậm chí đi ngược chiều. Nhiều học sinh, thanh thiếu niên còn “chế” thêm những hình thù kỳ dị hoặc lắp biển kiểm soát “độc” vào. Cá biệt, có trường hợp còn lắp còi ô tô vào xe đạp điện, khiến người đi đường không khỏi hoảng sợ. Tất cả những vi phạm trên đã dẫn tới nguy cơ xảy ra TNGT rất lớn. Trên thực tế đã có không ít các vụ va chạm, TNGT liên quan đến xe đạp điện khiến nạn nhân tử vong.

Những cái khó “bó” việc xử lý

Nhận định và lường trước được những nguy cơ xảy đến từ vi phạm của loại phương tiện này, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt CATP Hà Nội đã liên tiếp tăng cường công tác tuyên truyền, cảnh báo cho người tham gia giao thông, sử dụng xe đạp điện chấp hành nghiêm Luật Giao thông. Mặc dù đã phối hợp với các cơ quan chức năng cũng như đa dạng hóa công tác tuyên truyền nhưng những vi phạm này vẫn không hề giảm. Trước tình hình trên, đầu tháng 10 vừa qua, một kế hoạch tổng kiểm tra, xử lý vi phạm liên quan đến xe đạp điện đã được đơn vị tập trung triển khai trên khắp địa bàn thành phố. Những lỗi được CSGT chú ý kiểm tra gồm người điều khiển, ngồi trên xe đạp điện tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm; vi phạm về chở quá số người quy định, đi quá vận tốc, vượt đèn đỏ, ngược chiều đường, dàn hàng ngang trên đường….

Cùng tổ công tác của Đội CSGT số 1, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt làm nhiệm vụ tại khu vực đường Hàng Khay, ghi nhận chỉ sau khoảng 10 phút, 7 trường hợp điều khiển xe đạp điện vi phạm đã bị xử phạt. Hầu hết đối tượng vi phạm là học sinh, thanh thiếu niên sau giờ tan học, chở quá số người quy định, không đội mũ bảo hiểm. Trung tá Nguyễn Hữu Tâm – Đội trưởng Đội CSGT số 1 cho biết: Quá trình kiểm tra, xử phạt người điều khiển xe đạp điện vi phạm, CSGT cũng phân loại, dựa trên độ tuổi để đưa ra hình thức xử phạt theo đúng quy định. Cụ thể, nếu người vi phạm dưới 16 tuổi, CSGT không phạt tiền mà ra quyết định tạm giữ phương tiện. Từ 16 đến 18 tuổi, CSGT phạt 75 nghìn đồng. Đối với các trường hợp từ 18 tuổi trở lên, mức phạt cho những trường hợp này được áp dụng tối đa theo quy định. Quy định là vậy song trên thực tế, công tác xử phạt đối với những trường hợp vi phạm này hiện đang gặp rất nhiều vướng mắc.

Đồng tình với ý kiến trên, chỉ huy Đội CSGT số 7 cũng cho hay, mặc dù tất cả những trường hợp điều khiển xe đạp điện vi phạm đều được tổ công tác ghi vào sổ theo dõi, song không phải tất cả những thông tin người vi phạm tường trình, khai báo đều là đúng. Trong khi đó việc tạm giữ phương tiện hiện nay cũng nảy sinh nhiều bất cập, bởi những chi tiết, đặc điểm phục vụ cho việc nhận dạng chiếc xe rất hạn chế, đa phần là không có. Điều này dẫn tới những tranh chấp, khúc mắc giữa các chủ phương tiện với nhau và gây khó khăn cho lực lượng làm nhiệm vụ.

Trung tá Nguyễn Trung Thành – Đội trưởng Đội CSGT số 4 đánh giá: Vận tốc hiện nay của xe đạp điện được thiết kế rất cao, có thể lên tới 50 đến 60km/h. Với cơ cấu khung, hệ thống lốp, trọng lượng của xe và rất nhiều chi tiết kỹ thuật khác còn ở mức sơ sài, hạn chế, do vậy, khi điều khiển xe đạp điện với tốc độ cao, đồng nghĩa với nguy cơ mất an toàn, xảy ra TNGT càng lớn. 

(Còn tiếp)