Xe đạp công cộng: Khó giảm áp lực giao thông

ANTĐ - Ý tưởng phát triển xe đạp công cộng tại một số thành phố lớn đang gây nhiều tranh cãi. Nhà hoạch định thì cho rằng, đây là một chủ trương thiết thực, nhằm giảm ùn tắc, bảo vệ môi trường. Song một số chuyên gia cũng như dư luận lo ngại, xe đạp công cộng chỉ đáp ứng cho một bộ phận nhỏ khách du lịch, không làm giảm áp lực giao thông.

Xe đạp cũng chiếm diện tích đường tương đương xe máy. Ảnh: PHÚ KHÁNH

Xe đạp sẽ được quản lý tự động?

Thủ tướng Chính phủ vừa yêu cầu UBND 5 thành phố lớn trực thuộc Trung ương phối hợp Bộ GTVT xây dựng, phê duyệt và triển khai Đề án tăng cường vận tải công cộng kết hợp kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn. Trong đó, Thủ tướng lưu ý 5 TP lớn cần xây dựng, phê duyệt và triển khai đề án thí điểm phát triển cung cấp dịch vụ xe đạp công cộng trong khu vực trung tâm.

Ông Khuất Việt Hùng - Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) khẳng định rất khả thi. “Nhận thức của người dân trong việc sử dụng các phương tiện thân thiện với môi trường, đặc biệt là xe đạp ngày càng cao. Hai năm trở lại đây, số người đi xe đạp tại Hà Nội nói riêng và các thành phố lớn nói chung tăng lên rất nhiều. Chi phí đi lại bằng xe đạp thấp nên bất cứ ai có nhu cầu cũng đều có thể sử dụng. Đặc biệt, trong khu vực đô thị có mật độ phương tiện, mật độ dân cư cao như khu vực phố cổ, phố cũ tại Hà Nội, nơi tốc độ lưu thông của các phương tiện chậm, những người đi xe đạp có thể hòa được với nhịp độ giao thông”.

Theo lãnh đạo Vụ Vận tải, xe đạp sẽ được đặt tại bến bãi và có thể được quản lý bằng các thiết bị tự động. Một người muốn mượn xe, chỉ việc cho đồng xu vào máy hoặc quẹt thẻ xác nhận thông tin tài khoản. Khi không đi nữa, người ta cũng trả lại ở những địa điểm đặt máy quản lý tự động khác.

Theo nghiên cứu từ phía các nhà hoạch định, các đô thị trên thế giới có tỷ lệ di chuyển bằng xe đạp rất cao, có những nơi lên tới 15 - 20% tổng số phương tiện. Vì  vậy, cơ hội cho xe đạp công cộng tại Hà Nội nói riêng và các thành phố lớn trên cả nước nói chung không hề nhỏ. Tuy nhiên, tại những nơi “tấc đất tấc vàng” như phố cổ Hà Nội, diện tích dành cho giao thông tĩnh còn đang thiếu nghiêm trọng. Hơn nữa, xe đạp nếu đi trong làn hỗn hợp như hiện nay không an toàn, thiếu tiện lợi.

Xe đạp không thể giảm ùn tắc

Viện trưởng Viện Quy hoạch và Quản lý GTVT TS. Đinh Thanh Bình cho rằng, việc khuyến khích, thí điểm cho thuê xe đạp công cộng chỉ mang hiệu quả về môi trường, còn để giải bài toán giảm áp lực xe cá nhân, ùn tắc giao thông thì gần như không thể. “Xe đạp cũng chiếm một diện tích đường tương đương xe máy, cũng là phương tiện cá nhân. Trong khi, sự cơ động không thể so sánh với xe máy. Vì vậy, rất khó để phát triển rộng rãi”. 

Theo đó, chủ trương này chỉ phù hợp với những điểm quy mô nhỏ, bán kính khoảng 1km2, phục vụ khách du lịch. Tuy nhiên, tại những tuyến phố tổ chức cho thuê và cho đi xe đạp cũng phải kết hợp với những biện pháp tổ chức giao thông khác, nếu để xe đạp đi hỗn hợp với các phương tiện khác thì chỉ làm rối rắm thêm. “Một số nước, để khuyến khích người dân đạp xe, họ khoanh vùng khu vực cấm các loại xe khác. Nếu không cấm, sẽ chỉ có một lượng rất ít khách du lịch thuê xe đạp. Điều đó không đem lại hiệu quả gì trong việc chống ùn tắc”. 

Cùng chung nhận định này, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam phân tích, hiện tại 5 TP trực thuộc Trung ương, đặc biệt tại 2 TP Hà Nội và TP. HCM, lượng phương tiện cá nhân ngày càng tăng cao, tuy nhiên, dùng xe đạp thay thế vẫn không phải là giải pháp mang tính chiến lược. Giải pháp quan trọng nhất vẫn là hạ tầng giao thông.

Tại Hà Nội, muốn phát triển dịch vụ xe đạp tại khu vực Hồ Gươm, phố cổ Hà Nội, trước hết phải sắp xếp lại trật tự ở đây. Hơn nữa, các tuyến phố Hà Nội vốn rất chật hẹp, xe buýt phải chạy chung với các phương tiện khác, khó có thể bố trí đường dành riêng cho xe đạp. Còn nếu, chỉ với mục đích phục vụ một bộ phận nhỏ khách du lịch tham quan Bờ Hồ, phố cổ thì chỉ cần một loại hình xe điện như hiện tại là đủ.

Không chỉ các chuyên gia nghiên cứu, mà người dân cũng lo ngại chủ trương này chưa phù hợp với cơ sở hạ tầng giao thông Thủ đô hiện tại. Anh Nguyễn Thái Dũng, ở Ngọc Khánh, Ba Đình chia sẻ: “Đề án này không khả thi so với nhu cầu của người dân hiện nay. Đơn cử, nếu muốn thuê chiếc xe đạp để đi, lại phải gửi xe máy hoặc ô tô, vừa mất tiền gửi xe, vừa mất tiền thuê xe, như vậy sẽ mấy người lựa chọn?”.

Ông Khuất Việt Hùng cũng nhìn nhận, điều kiện hạ tầng cho người đi xe đạp rất hạn chế. Trừ một số khu phố cổ, phố cũ thì trên các tuyến đường chính của đô thị, tuyến đường kết nối giữa các cụm dân cư chưa có làn đường dành riêng cho xe đạp. “Công việc của các thành phố là tổ chức dịch vụ này trong các khu vực nội thị, mật độ cao là khu vực có nhiều khách du lịch, nơi xe buýt không tiếp cận được…”, ông Khuất Việt Hùng bày tỏ.