Xe buýt “nhái” tung hoành

ANTĐ - Thay đổi hệ thống ghế ngồi, vỏ ngoài của xe được sơn sửa như xe buýt thật, những chiếc xe khách già cỗi biến thành xe buýt “nhái”, hàng ngày lượn khắp các tuyến phố Thủ đô, ngang nhiên dừng đỗ đón trả khách.

Việc tăng cường kiểm tra của CSGT đối với xe buýt “nhái”
sẽ đảm bảo quyền lợi của hành khách và ATGT

“Lập lờ đánh lận con đen”

Trong thời gian qua, Đường dây nóng của Phòng CSGT đường bộ - đường sắt CATP Hà Nội liên tiếp nhận được thông tin phản ánh của người dân “tố” bị một số xe buýt “nhái” lôi kéo đi xe. 

Lực lượng CSGT trong quá trình làm nhiệm vụ cũng phát hiện những dấu hiệu bất thường liên quan đến các xe buýt “nhái”. Dưới vỏ bọc là những chiếc xe khách được sơn màu giống như xe buýt chạy tuyến cố định, nhiều xe khách đã chạy sai tuyến, dừng đỗ đón trả khách dọc đường trong nội đô. Thủ đoạn hoạt động của xe buýt “nhái” đã khiến không ít hành khách nhầm lẫn là xe buýt thật. 

Ngày 13-11, kế hoạch tuần tra kiểm soát, xử lý xe buýt “nhái” được Phòng CSGT triển khai, do 2 tổ công tác đặc biệt đảm nhiệm.

Ngã tư Cầu Trắng (Hà Đông) là chốt chặn đầu tiên của lực lượng CSGT. Trung tá Nguyễn Văn Hoan - Đội phó Đội CSGT số 4, chỉ huy chốt chặn cho biết, thường xe buýt “nhái” chỉ đi trên những tuyến đường ngắn giữa trung tâm Hà Nội và một số huyện lân cận; như tuyến Hà Nội – chùa Hương, Hà Nội – Sơn Tây, Xuân Mai – Hà Nội… Còn đối với những tuyến đường dài nối giữa Hà Nội và các tỉnh như Bắc Ninh, Hưng Yên, Hà Nam… xe buýt “nhái” ít hoạt động, nguyên nhân bởi tại các tuyến đường này có nhiều xe khách. Ngoài ra, chạy trong đoạn đường ngắn thì các xe buýt “nhái” mới nhanh chóng quay vòng được nhiều lượt. Ví dụ như tuyến Hà Nội – Sơn Tây, một xe buýt “nhái” chạy được 5 - 7 lượt mỗi ngày. Hành khách đi xe, chỉ đến khi thấy lịch trình của chiếc xe thay đổi hoặc bị “câu giờ”, chạy vòng vo thì lúc này họ mới biết bị lừa.

Xử lý nghiêm

9h45, chỉ chưa đầy 10 phút sau khi triển khai lực lượng, tổ công tác đặc biệt của Phòng CSGT đã phát hiện chiếc xe buýt “lạ” mang BKS 33H-8533 của hãng Bảo Châu dừng đỗ sai quy định, đi sai luồng tuyến. Trên đầu xe ghi lịch trình chạy gồm Phú Phương, Mỹ Đình, Hà Đông, bến xe Yên Nghĩa, Sơn Tây. Theo lộ trình đăng ký kinh doanh, chiếc xe trên phải đi từ Sơn Tây về bến xe Yên Nghĩa, không được đi vào trong khu vực nội đô. Tuy nhiên, lái xe Nguyễn Văn Đại (trú ở Phú Phương, Ba Vì) đã cố tình điều khiển xe đi vào đường dành riêng cho xe buýt trên tuyến Nguyễn Trãi, Quang Trung, qua hàng loạt các điểm dừng chờ của xe buýt. Với màu sơn đặc trưng của xe buýt phủ ở ngoài, nên không ai chú ý.

Ít phút sau đó, thêm chiếc xe “buýt” nhái bị phát hiện. Đó là phương tiện của nhà xe Anh Chiến mang BKS 33H-6972. Để qua mặt lực lượng chức năng và đặc biệt là đánh lừa hành khách, chiếc xe khách trên đã “ngụy trang ” vẻ bề ngoài giống như một chiếc xe buýt chính hiệu. Điều khiển xe với tốc độ cao, đi vào đường dành riêng cho xe buýt, lái xe khách trên liên tục rẽ vào các điểm dừng chờ xe buýt để “vợt” khách. Ban đầu khi bị CSGT dừng xe kiểm tra, lái xe khách trên còn khăng khăng nhận mình là người của hãng xe buýt. Tuy nhiên, hành vi này của lái xe đã bị cán bộ của Tổng Công ty vận tải Hà Nội tham gia cùng tổ công tác Phòng CSGT lật tẩy. Hỏi chuyện bác Nguyễn Văn Hòa, một hành khách ngồi trên xe, bác Hòa cho hay không hề biết chiếc xe khách này là xe buýt “nhái”. “Tôi đang đứng chờ xe buýt điểm dừng đỗ thì chiếc xe trên dừng lại, phụ xe nhảy xuống lôi tay kéo ào tôi lên xe”, bác Hòa kể lại.

Không thuộc nhà xe nào, cũng chẳng phải “quân” của bất cứ công ty vận tải, lái xe Lê Xuân Tiến điều khiển chiếc xe khách mang BKS 89B-000.08 chạy tuyến Hà Nội – Bắc Ninh cũng đã “hô biến” chiếc xe khách của mình thành xe buýt “nhái”. Tiến cho xe chạy đủ các tuyến đường miễn sao gom được khách. Hành vi vi phạm của lái xe Tiến đã bị tổ công tác của Phòng CSGT phát hiện sáng 13-11; và cơ quan Công an đã ra quyết định tạm giữ phương tiện. 

Trao đổi với PV Báo ANTĐ, Trung tá Phạm Văn Tuyến - Đội phó Đội CSGT số 2 đánh giá: Việc tăng cường xử lý vi phạm liên quan đến xe buýt “nhái” là rất cần thiết. Điều này sẽ giúp bảo vệ được quyền lợi của hành khách, đồng thời ngăn ngừa được tình trạng ùn tắc, mất ATGT do số phương tiện này gây ra. Chưa hết, qua kiểm tra một số trường hợp cho thấy, hầu như các phương tiện giả danh xe buýt đều đã cũ, khó ai có thể đảm bảo chất lượng và cũng chẳng biết chuyện gì sẽ xảy ra trong trường hợp lái xe không làm chủ tốc độ, chở quá số người quy định…

Thượng tá Nguyễn Văn Tòng - Phó trưởng Phòng CSGT đường bộ - đường sắt nêu quyết tâm, sẽ đẩy mạnh thực hiện chuyên đề kiểm tra xử phạt xe buýt “nhái” từ nay đến cuối năm. Ngoài hai tổ công tác đặc biệt của Phòng CSGT, các đội địa bàn cũng đã thiết lập Đường dây nóng để tiếp nhận thông tin của người dân phản ánh về tình trạng xe buýt “nhái” để kiểm tra xử phạt. Phòng CSGT cũng phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, công ty hoạt động xe buýt để nhanh chóng xác minh, kiểm tra chéo thông tin đối với phương tiện và lái xe buýt “nhái” vi phạm. Thống kê sơ bộ, trong 2 ngày ra quân xử lý, Phòng CSGT đã phát hiện, xử phạt hơn 20 trường hợp vi phạm; tạm giữ 3 xe và 17 bộ giấy tờ xe buýt “nhái”.

Phân biệt thế nào?

Lãnh đạo Xí nghiệp Xe điện Hà Nội cho biết, xe buýt “nhái” không chạy theo tuyến cố định, không được Sở GT-VT cấp phép hoạt động xe buýt. Mặc dù có màu sơn giống xe buýt thật (đỏ-vàng) nhưng buýt “nhái” không có logo của Tổng Công ty Vận tải Hà Nội và không có số hiệu tuyến.

Buýt “nhái” thường hoạt động không giờ giấc, không theo cung đường cố định mà chỉ trà trộn “bắt” khách trong khung giờ cao điểm ở một số tuyến đông hành khách. Xe buýt “nhái” thường xấu, cũ hơn và đương nhiên chất lượng phục vụ kém hơn rất nhiều.

Xe buýt thật có lộ trình rõ ràng và thông báo có thể nhìn thấy dễ dàng ở vị trí cố định trên đầu xe. Logo nhận diện thương hiệu được sơn ngay trên thân xe buýt thật. Trong khi đó, buýt “nhái” chỉ có tấm nhựa cắt tạm bợ ghi nghệch ngoạc mấy chữ để trên kính chắn gió. 

Buýt “nhái” thường lạng lách, phóng nhanh, vượt ẩu vì phải lo đối phó, trốn tránh lực lượng chức năng. Hiện nay, tại Hà Nội, buýt “nhái” thường lảng vảng ở tuyến Long Biên – Bắc Ninh – Lương Tài hoặc khu vực bến xe Mỹ Đình (Từ Liêm).