Xe buýt được bố trí làn riêng, liệu có tạo thêm áp lực giao thông gây ùn tắc?

ANTD.VN - Sau khi Hà Nội công bố một số tuyến phố sẽ nghiên cứu triển khai làn dành riêng cho xe buýt, nhiều ý kiến nghi ngại với hạ tầng như hiện tại, việc này có thể làm cho tình hình ùn tắc giao thông thêm phức tạp.

Không được "cứu", xe buýt sẽ sa lầy

TP Hà Nội đã đặt chỉ tiêu đến năm 2020, hệ thống vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) sẽ đáp ứng được từ 20 - 25% nhu cầu đi lại của người dân, trong đó xe buýt vẫn là lực lượng chủ đạo.

Song, trong bối cảnh, xe buýt không còn hấp dẫn người dân, thậm chí có thời điểm lượng khách sụt  giảm thì mục tiêu này không phải đơn giản. Nếu không thực sự có những giải pháp thiết thực để vực dậy thì xe buýt sẽ tiếp tục "sa lầy", không thể phát triển kịp so với tốc độ phát triển của các phương tiện cá nhân.

Cũng bởi vậy, Hà Nội sẽ nghiên cứu tổ chức các làn đường ưu tiên cho xe buýt trên một số tuyến trục chính đủ điều kiện như: Nguyễn Trãi - Trần Phú (Hà Đông) đoạn từ Ngã Tư Sở đến Cầu Trắng (Hà Đông) dài 5km; Tuyến đường Pháp Vân - Giải Phóng - Đại Cồ Việt 4,7km; Tuyến đường Nguyễn Văn Cừ - Ngô Gia Tự 5,9km; Tuyến đường Phạm Hùng - Khuất Duy Tiến - Linh Đàm 9,6 km...

Làn đường dành riêng cho xe buýt là cần thiết, nhưng chỉ một vài tuyến cũng khó giúp đổi thay toàn cục

Cùng đó, TP Hà Nội sẽ rà soát, tổ chức giao thông theo hướng ưu tiên cho xe buýt qua các nút, các tuyến phố không cho xe ô tô hoạt động; ưu tiên tổ chức giao thông cho phương tiện vận tải công cộng khối lượng lớn.

Dù vậy, nhiều ý kiến lo ngại, hạ tầng các tuyến đường trên đều đang rất hạn chế, tình trạng ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra, nếu lại tổ chức một làn dành riêng cho xe buýt thì các phương tiện khác sẽ càng có ít diện tích đường hơn.

Theo thống kê của Trung tâm Quản lý và điều hành Giao thông đô thị Hà Nội, trong năm 2018, có đến 180.000 lượt xe buýt bỏ chuyến, quay đầu hoặc buộc phải điều chỉnh lộ trình do tắc đường, chiếm 3,5% khối lượng phục vụ.

Trên thực tế, sản lượng hành khách của xe buýt đã giảm liên tiếp trong các năm 2016, 2017; phải đến năm 2018 mới tạm thời ổn định và tăng dần trở lại.

Xe buýt lưu thông nhanh, người đi xe cá nhân sẽ giảm?

Ttrong nhiều năm tới, có thể khẳng định, xe buýt vẫn là phương tiện vận tải hành khách công cộng chủ lực của Hà Nội. Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị Hà Nội Nguyễn Hoàng Hải nhận định, muốn xe buýt nâng cao được chất lượng dịch vụ, đảm bảo rút ngắn thời gian hành trình, đáp ứng nhu cầu của người dân, một trong những điều kiện quan trọng là cần phải có làn đường dành riêng cho xe buýt.

“Chủ trương của thành phố, tập trung tạo điều kiện phát triển VTHKCC, trong đó có xe buýt là rất kịp thời và cấp thiết phải triển khai ngay” - ông Hải chia sẻ.

Về lo ngại hạ tầng không đáp ứng được phân tách làn đường dành cho xe buýt, ông Hải cho rằng, khi đi vào hoạt động thực tế, làn đường riêng sẽ là điều kiện chủ đạo để xe buýt lưu thông tốt hơn.

Xe buýt đi nhanh hơn thì người dân sử dụng xe buýt thay cho xe cá nhân cũng sẽ ngày càng đông đảo hơn. Như vậy, sẽ vừa góp phần giảm số lượng phương tiện cá nhân trên đường, góp phần giảm ùn tắc giao thông và có ý nghĩa tích cực với kinh tế - xã hội, môi trường...

Trong tương lai, không chỉ buýt BRT mà ngay cả xe buýt thường cũng cần có làn đường lưu thông riêng để đảm bảo hành trình thông suốt, hiệu quả. Tuy vậy, ông Hải cũng nhìn nhận, về việc tổ chức làn đường dành riêng cho xe buýt còn cần phải khảo sát kỹ lưỡng, tính toán mọi yếu tố, điều kiện. Nhưng xu thế chung là phải tạo điều kiện tối đa cho VTHKCC phát triển, đặc biệt là ưu tiên về không gian lưu thông.

Theo Thạc sỹ Đinh Thị Thanh Bình - Giảng viên Khoa Kinh tế vận tải, Đại học GTVT thì đường dành riêng làn đường cho xe buýt là chủ trương đúng. Tuy nhiên, với điều kiện hạ tầng và mật độ phương tiện hiện tại của Hà Nội sẽ khó thực hiện. Bên cạnh đó, không thể thiết lập một đoạn đường ưu tiên riêng lẻ mà phát huy được tác dụng; phải tạo thành chuỗi liên đồng bộ, liên hoàn.