Xây xong 8 năm, chợ nằm… đắp chiếu

ANTĐ - Chợ An Sương rộng 9.229m2 với kinh phí đầu tư 19 tỷ đồng thuộc dự án phát triển cơ sở hạ tầng và chỉnh trang khu dân cư An Sương, phường Đông Hưng Thuận, quận 12-TP.HCM. Chợ được xây dựng với mô hình trung tâm thương mại lớn nhằm thay thế chợ Bàu Nai gần ngã tư An Sương do mở rộng đường Cách mạng Tháng Tám, cũng như xóa bỏ các chợ tạm lân cận: Tân Hưng, chợ Cầu vốn đã xuống cấp và thường xuyên gây ách tắc giao thông… Tuy nhiên sau 8 năm khánh thành, chợ vẫn không thể đưa vào hoạt động.

Sau 8 năm bỏ không, chợ An Sương sẽ đi vào hoạt động tháng 11-2011

sau khi thêm 12,3 tỷ đồng nữa để sửa chữa

Năm 2004, tiểu thương ở chợ Bàu Nai được mời lên họp bàn kế hoạch di dời tạm vào trong buôn bán, trả mặt bằng thi công mở rộng đường Trường Chinh, song  do BQL chợ Bàu Nai sắp xếp vị trí buôn bán của tiểu thương không hợp lý, tình trạng khiếu kiện, tranh chấp nhau diễn ra liên tục khiến các hộ kinh doanh đồng loạt “lao” ra lề đường kinh doanh, biến nơi đây nhiều năm qua trở thành “điểm đen” về ATGT. Thấy buôn bán không đăng ký kinh doanh, không đóng thuế khá dễ dàng lại không bị các cơ quan chức năng chấn chỉnh, nhiều tiểu thương đã không có ý định vào chợ mới An Sương xây xong cuối năm 2003.

Cũng tương tự, tiểu thương các chợ tạm Tân Hưng, chợ Cầu cũng không mặn mà với việc đăng ký kinh doanh tại chợ mới An Sương. Họ đưa ra lý do, đường vào chợ chỉ còn khoảng 20m mà không thể giải tỏa các hộ dân để giao mặt bằng cho BQL dự án, đường nhỏ, kinh doanh khó khăn hơn nên thà cứ bán ở hè đường, lòng đường, vẫn tốt hơn… Chị Hoàng Thị Bé, tiểu thương chợ Bàu Nai, đường Trường Chinh tâm sự: Dự án đường Trường Chinh mở rộng khiến hơn nửa diện tích đất chợ bị mất, hơn 239 tiểu thương phải buôn bán chen chúc trên phần diện tích chưa đầy 1.000m2 còn lại. Các hộ tiểu thương thuộc khu vực mặt tiền đường phải lùi vào buôn bán sâu bên trong, số khác tràn ra lề đường, lòng đường, biết là vi phạm nhưng phường, quận phạt cứ phạt, vì cuộc sống, chúng tôi biết làm sao đây khi chợ mới vẫn không thể vào…

 Bà Lê Thị Ngọc kinh doanh vàng ở Chợ Cầu, đường Nguyễn Văn Quá, quận 12 cho biết, chợ nằm dưới gầm cầu, cạnh những đống rác lớn hôi thối, buôn bán rất cầm chừng, bà cũng không muốn bán hàng dưới chân cầu nữa. Nhưng chợ mới An Sương được xây dựng ở vị trí lòng chảo, khi mưa dễ ngập nặng, dân cư thưa thớt, không biết vào đó có kinh doanh được không... 

Hơn 700 tiểu thương của 3 chợ 8 năm qua chấp nhận kinh doanh trong điều kiện chật chội, mất vệ sinh, tâm lý bất an. Đã có nhiều đơn đề nghị, khiếu nại gửi lên quận, thành phố mong sớm giải quyết vấn đề này nhưng do “sợ” trách nhiệm, bao năm qua phường đợi quận, quận không dám quyết, chờ xin ý kiến thành phố. Văn phòng UBND quận 12 cho rằng, nguyên nhân chậm triển khai kế hoạch di dời tiểu thương vào chợ An Sương là do có độ “vênh” về mặt pháp lý giữa các văn bản. Đã vậy, do không di dời được các hộ dân để lấy đường dẫn vào chợ, sau gần 10 năm, so với thiết kế ban đầu đường đã nhỏ lại từ 30m xuống còn 15m…

Có thể nói, chợ An Sương là chợ duy nhất ở TP.HCM nằm… “đắp chiếu” tới 8 năm mà không thể đưa vào sử dụng! Đây là bức xúc của không chỉ nhân dân quận Gò Vấp, 12, Tân Phú… mà còn là trách nhiệm của chính quyền thành phố trước hiện tượng tắc đường, kinh doanh lộn xộn, ô nhiễm môi trường tại các chợ tạm xung quanh khu vực này. Ngày 22-10, UBND TP.HCM đã họp và giao UBND quận 12 khẩn trương hoàn chỉnh phương án xây dựng giá sạp chợ An Sương để sắp xếp, bố trí cho các tiểu thương vào kinh doanh ổn định trước Tết Nguyên đán Nhâm Thìn 2012. Phương án phải đảm bảo công bằng, công khai, minh bạch và không để xảy ra khiếu kiện; đồng thời chấm dứt hoạt động của các chợ thiếu an toàn: chợ Cầu, Tân Hưng và chợ Bàu Nai. Sở Xây dựng cũng đã phê duyệt kế hoạch 12,3 tỷ đồng sửa chữa, cải tạo chợ An Sương, dự kiến trong tháng 10 này sẽ hoàn thành các công trình hạ tầng khu vực chợ cũng sẽ hoàn thành trước ngày 20-11.