Xây trường chuẩn quốc gia vì học sinh

ANTĐ - Sau khi phát hiện nhiều ngôi trường “khang trang” bề ngoài nhưng bị “bỏ hoang” vì chưa sử dụng đã xuống cấp, việc rà soát lại tiến độ xây dựng trường học đang được Hà Nội triển khai. Đáng chú ý ngay trong tiến trình xây dựng trường chuẩn quốc gia cũng đã phát sinh vấn đề xây dập khuôn theo chuẩn mà không tính đến hiệu quả sử dụng.

Xây trường chuẩn quốc gia vì học sinh ảnh 1
Xây dựng cơ sở vật chất tại các trường chuẩn cần theo nhu cầu thực tế,
tránh lãng phí không cần thiết. Ảnh: Phú Khánh

Chưa vì người sử dụng Sức ép về tiến độ xây dựng trường chuẩn quốc gia đối với Hà Nội là không nhỏ bởi khi có trường chuẩn quốc gia tức là có đội ngũ giáo viên đạt chuẩn, công tác quản lý, giảng dạy chuẩn, cơ sở vật chất chuẩn thì sẽ có sản phẩm đầu ra đạt chuẩn, theo nhận định của bà Phạm Thị Hồng Nga, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội. Năm 2013, Hà Nội đưa ra chỉ tiêu xây dựng 127 trường chuẩn quốc gia, tuy nhiên nhiều vấn đề phát sinh đang được đặt ra. Ông Nguyễn Trí Dũng, Phó trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, thực tế tham gia các đoàn kiểm tra tiến trình xây dựng trường chuẩn quốc gia ở các quận, huyện cho thấy, có những khâu chưa hợp lý trong công tác xây dựng cơ bản và mua sắm trang thiết bị. “Một số trường xây mới hoàn toàn hoặc bổ sung nhưng hầu như không quan tâm nhiều đến người sử dụng. Ví dụ, có trường khi xây dựng các dãy phòng học thì nhỏ, hẹp nhưng lại thiết kế đại sảnh ở đầu các dãy. Hay như sân trường diện tích nhỏ vẫn xây dựng cả sân khấu lớn giữa sân trường. Trong khi đó, giữa các khối nhà từ tầng 1 đến tầng 4, tầng 5 không có cầu nối. Học sinh, giáo viên đi lại giữa các tòa nhà lên xuống cầu thang rất vất vả, mất nhiều thời gian” - ông Nguyễn Trí Dũng nêu ví dụ. Một trong những điểm gây lãng phí không nhỏ trong việc xây dựng trường chuẩn quốc gia là khoản đầu tư xây nhà thể chất. Đoàn kiểm tra của Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết có trường đã sẵn có sân chơi, bãi tập nhưng vẫn xây dựng nhà tập đa năng. Bà Phạm Thị Hồng Nga cho rằng, việc xây dựng nhà thể chất với các trường học hiện nay có thể đáp ứng dưới dạng khu tập thể chất có mái che. “Không cần thiết xây dựng nhà thể chất lên đến 5-7 tỷ đồng, trong khi xây nhà thể chất có mái che chỉ tốn 500 triệu đồng, đầu tư tốn kém, công năng lại không khai thác triệt để” - bà Phạm Thị Hồng Nga cho biết.Người sử dụng không được tham gia thiết kế
Một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng lãng phí, kém hiệu quả trong công trình xây dựng trường học vừa qua có việc ngành giáo dục, cụ thể là chính người quản lý cơ sở giáo dục không được tham gia, lấy ý kiến về thiết kế cũng như nghiệm thu công trình. Bà Nguyễn Thị Hào, Phó trưởng phòng Giáo dục Mầm non, Sở GD-ĐT Hà Nội chỉ rõ, với một số trường mầm non, các nhà thầu chưa quan tâm thiết kế đúng quy chuẩn đối với khu nhà vệ sinh, thiết kế nhà vệ sinh cho trẻ mầm non lại như cho học sinh tiểu học, không phù hợp lứa tuổi, giáo viên không quan sát được trẻ. “Nhiều công trình quy hoạch sân vườn với lượng bê tông hóa nhiều, không bảo đảm an toàn, có những chỗ phải cạy lên, trồng thêm cây xanh lấy bóng mát cho trẻ vừa mất thời gian lại phải bỏ thêm kinh phí” - bà Nguyễn Thị Hào cho biết.  Khó khăn về kinh tế nói chung khiến tiến độ xây dựng trường chuẩn của Hà Nội hiện tại khá chậm. Được biết, năm nay Hà Nội đưa ra chỉ tiêu 127 trường đạt chuẩn nhưng rà soát đến thời điểm này mới có 22 trường có quyết định, 64 trường đang được thẩm định, còn khoảng 50% số trường chưa được thẩm định, trong khi thời hạn hoàn thành chỉ còn trên dưới 60 ngày. Chính từ hiện trạng này, bà Phạm Thị Hồng Nga cho rằng phải nhìn nhận lại những khâu chưa hợp lý, điều chỉnh kịp thời. “Cần phải để ngành giáo dục được tham gia từ khâu thiết kế, thi công. Vì thiết kế trường học không chỉ đúng quy định của tiêu chuẩn thiết kế mà còn phải đúng quy hoạch mạng lưới trường học, đáp ứng điều lệ trường học. Không thể để trường mầm non khi xây dựng xong lại không có sân chơi. Các trang thiết bị dạy học cũng phải đầu tư phù hợp. Phòng ngoại ngữ, phòng nhạc nếu không cần thiết thì không nên đầu tư lãng phí” - bà Phạm Thị Hồng Nga phân tích. Rõ ràng việc đầu tư, xây dựng trường chuẩn quốc gia không thể triển khai theo hướng đạt thành tích mà cần xuất phát từ thực tế nhu cầu sử dụng của học sinh, tránh tình trạng sau khi đạt chuẩn, nhiều trường lại rơi vào nguy cơ tụt hạng vì các hạng mục bị xuống cấp, không sử dụng được.