Xây nhà cho đồng bào nơi rốn lũ

ANTD.VN - Năm 1999, một trận lụt lịch sử quét qua miền Trung. Từ Quảng Bình, Quảng Trị rồi Thừa Thiên - Huế, ra đến Đà Nẵng và Bình Định chìm trong mênh mông nước. Cơn lụt lịch sử này là tổng hợp của đủ loại hình thiên tai xảy ra cùng một lúc (lũ ống, lũ quét ở miền núi, ngập lụt ở đồng bằng, triều cường, sóng lớn ở biển…) với tính chất và mức độ chưa từng có trong các tài liệu, số liệu khí tượng và thủy văn thế kỷ XX. 

Mưa lũ bắt đầu vào đêm 1-11-1999 và kéo dài suốt một tuần lễ, ngập lụt ác liệt nhất là Thừa Thiên - Huế và Quảng Nam. Cơn đại hồng thủy ấy nhấn chìm 20 huyện, thị xã miền Trung, làm 595 người chết, 41.846 ngôi nhà, 570 ngôi trường bị sụp và trôi. Tổng thiệt hại ước tính gần 3.800 tỷ đồng, tính tại thời điểm năm 1999. 

Chẳng thể ngồi yên nhìn miền Trung tang tóc, chỉ vài ngày sau đó, Quỹ “Bầu ơi thương lấy bí cùng” của Báo ANTĐ đã phát động một đợt quyên góp ủng hộ đồng bào miền Trung với sự nhiệt tình hưởng ứng của tất cả cán bộ, phóng viên báo. Và rồi, chỉ 2 ngày sau khi Báo ANTĐ phát động, rất nhiều người dân Hà Nội đã tới trụ sở của Báo, khi đó vẫn còn ở 36 phố Nguyễn Khuyến để cùng chung tay giúp đồng bào miền Trung khắc phục thiên tai.

Món quà của mỗi người dân Thủ đô khi đó không nhiều nhưng đẫm đầy tình cảm và đặc biệt xúc động. Có người chỉ mang đến vài bộ quần áo cũ, nhưng được giặt sạch và gấp gọn ghẽ; có người mang đến 203 nghìn đồng là tiền lương hưu một tháng vừa lĩnh. Lại cũng có anh thương binh vừa được nhận 500 nghìn đồng tiền thương tật, mang cả đến nhờ Báo ANTĐ chuyển tới tận tay đồng bào hoạn nạn…Tất thảy những tình cảm đó được những người làm Báo ANTĐ trân trọng.

Thế rồi, khi cơn cuồng nộ của đất trời còn đang giận dữ, chẳng cần đợi lũ tan, nước rút, ngay lập tức Tổng Biên tập Báo ANTĐ Đào Lê Bình đã cùng phóng viên Tường Lâm lên đường vào Thừa Thiên - Huế. Chuyến đi ấy vừa là để mang những tình cảm của người dân Thủ đô, những người làm báo Công an Hà Nội tới với đồng bào đang đau thương, mất mát, lại cũng vừa là để kịp thời có những tin bài “tường thuật từ tâm lũ” kịp thời tới bạn đọc… 

Chỉ ít ngày sau đó, ngày 11-11-1999, một chuyến hàng tiếp theo với quần áo, lương thực, thuốc men... được vận chuyển bằng đường bộ vào 3 tỉnh miền Trung là Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế do Phó Tổng Biên tập Nguyễn Trọng Nghĩa và phóng viên Nguyễn Thanh Bình (nay là Tổng Biên tập Báo ANTĐ) tiếp tục lên đường. 

Chuyến hàng cứu trợ thứ ba với 15 tấn hàng, xuất phát vào chiều 16-11-1999 do Phó Tổng Biên tập Vũ Kim Thành dẫn đầu cũng hướng về miền Trung yêu thương.

“Đó là chuyến đi mà tôi nhớ suốt đời”, thi thoảng tôi vẫn gặp Đại tá Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc, Tổng Biên tập NXB Công an nhân dân và được nghe ông kể về “những người đi vào tâm lũ” của Báo ANTĐ năm nào. 17 năm trước, Đại tá Nguyễn Hồng Thái lúc đó đang là phóng viên của Báo Công an nhân dân. Khi lũ về miền Trung, anh cùng với một vài đồng nghiệp nhận lệnh lên đường làm nhiệm vụ.

Không thể đi tàu vì tuyến đường sắt Bắc - Nam tê liệt, phương tiện hữu hiệu khi đó là máy bay, chặng di chuyển vất vả đầu tiên bắt đầu từ sân bay Phú Bài tới trụ sở Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế, có nơi ngập sâu tới cả mét. Toàn bộ cọc tiêu hai bên quốc lộ chìm trong nước…

Chẳng có phương tiện nào di chuyển được ngoài lội bộ. “Tôi đã gặp anh Đào Lê Bình cùng các anh trong Ban Biên tập và phóng viên Báo ANTĐ ngay tại rốn lũ. Và cũng chính cuộc gặp gỡ “định mệnh” này đã khiến tôi có thêm kinh nghiệm về nghề, về cách đối nhân xử thế và kể cả tình cảm của đồng nghiệp trong lúc tác nghiệp khó khăn. 

Đang ăn cỗ ở làng bên thì nghe tin lũ về, có người gặp nạn, Trưởng công an xã Phương Hiền, huyện Phong Điền là anh Hoàng Luyến liền bỏ dở bữa ăn đi cứu trợ. Qua cánh đồng, trời chập choạng thì lũ ào ào tràn về, cuốn cả người lẫn xe đi. Mấy ngày sau mới tìm thấy anh. Nghe chuyện buồn đó chúng tôi tìm đến nhà anh, trên đường đi thì gặp đoàn của Báo ANTĐ.

Vào đến nhà anh Hoàng Luyến thì anh Đào Lê Bình gọi tôi ra và nói nhỏ, 2 báo thuộc ngành Công an cần làm việc gì đó để giúp đỡ gia đình người công an xã vừa dũng cảm hy sinh, có thể là xây lại cho vợ con anh Luyến một ngôi nhà vững chãi, kiên cố hơn. Thực sự lúc đó, tôi không mang nhiều tiền, số tiền mà Ban Biên tập giao mang đi cũng đã được gửi tới các hoàn cảnh khó khăn mà chúng tôi đã đi qua.

Rồi anh Đào Lê Bình gọi điện về cho Ban Biên tập Báo Công an nhân dân, quyết định lúc đó chỉ đưa ra sau có vài phút, Báo ANTĐ sẽ ứng tiền ra trước rồi về Hà Nội tính sau. Rồi lũ tan, ngôi nhà nhỏ đã được xây trên nền nhà cũ, đó là tình cảm của 3 tờ Báo Công an nhân dân, An ninh Thủ đô và Công an TP Hồ Chí Minh. Đó còn là một sự tri ân với hành động anh hùng của Trưởng công an xã Hoàng Luyến” - Đại tá Nguyễn Hồng Thái nhớ lại.

Đại tá Nguyễn Hồng Thái kể tiếp: “Nhiệm vụ hoàn thành tôi trở ra Bắc. Huế ngày tôi đi trời bắt đầu hửng nắng xua tan đi những âm u, tang thương vừa qua, nhưng lụt lội vẫn tràn lan mọi nơi. Về đến Quảng Trị, tôi lại gặp đoàn công tác từ thiện thứ hai của Báo ANTĐ mang hàng hóa, thuốc men vào cứu trợ. Với sự hỗ trợ của Công an tỉnh Quảng Trị, chúng tôi mỗi người một tay cùng nhau bốc dỡ hàng để chuyển đến những nơi đang còn thiếu thốn. Tôi lúc đó cũng đứng vào hàng, cùng với CBCS Báo ANTĐ khuân vác, chia thành từng suất nào thuốc men, lương thực, thực phẩm…”.

Mang nguyên những lời Đại tá Nguyễn Hồng Thái kể, tôi có hỏi lại Đại tá Đào Lê Bình, rằng tại sao khi đó ông lại đưa ra ý tưởng, rồi quyết định việc xây ngôi nhà tình nghĩa cho gia đình Công an xã Hoàng Luyến nhanh đến vậy. Đại tá Đào Lê Bình bảo, đấy là khi ông vào viếng đám tang anh Hoàng Luyến, nhìn căn nhà xiêu vẹo, mái dột tứ tung, nắng xiên soi cả vào quan tài anh đang đặt giữa nhà.

Vậy là quyết tâm, chẳng cần đắn đo suy nghĩ thêm nữa. Đại tá Nguyễn Hồng Thái thì gọi đó là “hành động nghĩa hiệp”, “là chuyến đi ấn tượng trong cuộc đời làm báo” và “tôi yêu quý ANTĐ và những người đồng nghiệp Báo ANTĐ cũng bắt đầu vì lẽ đó”.

Tôi thuộc thế hệ sau này của Báo, lại cũng là phụ nữ nên ít khi được Ban Biên tập giao nhiệm vụ tham gia những chuyến đi “bão táp” vì: “Vất vả lắm, việc này là của đàn ông” - Đại tá Đào Lê Bình, Tổng Biên tập của chúng tôi ngày đó vẫn nói như vậy rồi đích thân ông cùng với các Phó tổng Biên tập, các phóng viên “thiện chiến”… đều đặn lên đường mang những chuyến hàng cứu trợ đến với những nơi đang phải đầm mình trong thiên tai.

Mỗi chuyến mà đoàn công tác xã hội của Báo trở về, không mấy ai kêu ca hay kể về những hiểm nguy mà họ đã đối mặt, những khó khăn mà họ đã khắc phục, những chặng đường mà họ đã trải qua. Sau nhiều chuyến đi như thế, tôi vẫn lặng lẽ quan sát gương mặt những đồng nghiệp và tôi tin rằng, sau mỗi chuyến đi, những niềm vui sẻ chia nhân lên trong từng ánh mắt.

Sau này khi đã trưởng thành hơn trong vòng tay dìu dắt của ANTĐ, được tham gia những chuyến đi như thế, tôi mới hiểu cái cảm giác “trở về từ những chuyến đi”. Đó thực sự là hạnh phúc, bởi những điều mình nhìn thấy có ích hơn trăm lần sách vở giáo điều, bởi mình được trải nghiệm, bởi đã hơn một lần, trái tim mình biết đập vì người khác.